Giỏ hàng

Review Sách Bố Đã Từng Yêu

NGƯỜI TA CÓ THỂ RA ĐI VÌ DŨNG CẢM VÀ Ở LẠI VÌ HÈN NHÁT…

Trong truyện “Bố đã từng yêu” của Anna Gavalda, tôi thích nhất một câu: “Cuộc sống, ngay cả khi con phủ nhận nó, ngay cả khi con sao nhãng nó, ngay cả khi con từ chối công nhận nó, nó vẫn mạnh hơn con. Mạnh hơn tất cả”. Và rồi tôi còn thấy được nhiều câu khác nữa:

Vậy ra, tình yêu chỉ là một thứ vớ vẩn đúng không? Phải không bố? Tình yêu chẳng có ý nghĩa gì?

Có chứ, nhưng phải đấu tranh…

Đấu tranh như thế nào?

Đấu tranh từng chút một. Mỗi ngày một chút. Hãy dũng cảm để là chính mình, để tự quyết định hạnh phúc của mình…

Vậy rồi cuối cùng chúng ta “mệt mỏi” với cuộc sống để làm gì? Chúng ta “toàn tâm” với tình yêu để làm gì? Và chúng ta “đấu tranh” cho ai?

Tình yêu vốn là một mệnh đề khó giải nhất trong tất cả mọi mệnh đề trên thế giới này. Tại sao con người ta sinh ra, yêu rồi đau khổ? Và còn lại gì khi đã hết yêu và “ngủ với nhau” là thử thách? Rồi sau tất cả thì cái gì sẽ còn sót lại? Hẳn là “tình yêu” của người thân. Riêng Chloe's (cô con dâu) lại được nhận một thứ tình cảm đặc biệt từ bố chồng. Chẳng ai biết đó là thứ tình cảm gì, chỉ biết mỗi ông bố đều có một cách yêu thương của riêng mình. Đó hẳn là thông điệp mà Anna Gavalda đã gửi gắm vào quyển sách với tựa đề “Bố đã từng yêu” vô cùng nhẹ nhàng nhưng sâu bên trong là cả tá “chuyện” ngược đời.

Quyển sách chỉ có 226 trang nhưng truyền tải đủ toàn bộ nội dung và thông điệp. Hơn hết nó còn là một câu chuyện tình rất “Pháp” và “đủ đầy” sự dịu dàng. Trong truyện là một tình huống có vẻ rất ngược đời. Cô con dâu (Chloe's) bị chồng bỏ và được ông bố chồng (Pierre) an ủi. Tại sao trên đời này lại có chuyện “ngộ đời” như vậy? Một gã đàn ông sinh ra một gã phản bội lại đi vỗ về người đàn bà bị chính con mình phụ tình? Tất cả chỉ gói gọn trong một mệnh đề “Bố đã từng yêu”.

Rồi lại xuất hiện thêm một câu chuyện ngược đời khác nữa đó là ông bố đem chính câu chuyện ngoại tình của bản thân để vỗ về tình yêu đã đổ vỡ của cô con dâu. Không một ai ngờ được một người cha đáng kính lại có mối tình vụng trộm bên ngoài, hơn hết nó cũng không phải là chuyện tình “ăn bánh trả tiền “ mà thực sự rất sâu đậm - “Bố yêu người phụ nữ này. Bố yêu Mathilde này. Bố yêu giọng nói của cô ấy, tinh thần của cô ấy, tiếng cười của cô ấy, thế giới quan của cô ấy, một dạng thuyết định mệnh của những người đã từng ngao du rất nhiều. Bố yêu tiếng cười, sự tò mò, sự kín đáo, cái cột sống lưng, hai bên hông hơi nhô ra, những phút im lặng, sự dịu dàng và… tất cả những thứ khác của cô ấy. Tất cả… tất cả”.

Ông yêu Mathilde rất sâu đậm và chính cô cũng vậy. Họ cứ yêu nhau rồi chia tay rồi lại yêu nhau. Cả hai hiểu rất rõ thứ tình cảm này là gì? Rồi cái gì đến vẫn phải đến, Mathilde quyết định rời xa ông vì cô biết tình cảm của cô không đủ để vượt lên bức tường mà ông Pierre đã dựng lên. Đó là bức tường của trách nhiệm và nghĩa vụ. Còn có cả phán xét của xã hội. Liệu ông có dám vứt bỏ tất cả để đến với tình yêu chân thành của mình?

Cho nên khi ta nhìn nhận dưới con mắt của xã hội thì chuyện chồng cô Chloes rời bỏ cô là một việc làm đáng khinh bỉ mà việc đó chỉ có những “thằng đàn ông” hèn hạ mới làm. Nhưng dưới góc nhìn của ông bố chồng thì con trai mình rất dũng cảm. Dũng cảm từ bỏ một mối quan hệ gọi là vợ chồng, ngày ngày sống với nhau trong sự mệt mỏi. Sáng thức dậy đây mệt mỏi vì chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Tối đi làm về lại thấy sự mệt mỏi đó còn vương đọng trên mặt vợ và cả việc ngủ với nhau cũng là thử thách lớn. Vì thế ông bố chồng đã trở nên thần tượng con mình, nó đã làm điều mà trước đây ông không dám làm chỉ vì sợ “dư luận”.

Người ta có thể ra đi vì dũng cảm và ở lại vì hèn nhát! Pierre đã nhìn thấy điều đó trong cuộc hôn nhân của con trai mình. Còn ông, ông chạy trốn sự đớn hèn này để rơi vào một sự đớn hèn khác. Sự hèn nhát đã hủy hoại tình yêu lớn nhất cuộc đời ông. Sự hèn nhát có thể giữ cho ngôi nhà của ông không ngay lập tức đổ sụp. Nhưng những bức tường của nó cũng không còn nguyên vẹn, khi người vợ Suzanne của ông phát hiện ra chồng mình ngoại tình, khi con trai ông bỏ đi với người đàn bà khác, và con dâu của ông sống câm lặng với nỗi đau bị phản bội…

Câu chuyện “Bố đã từng yêu” tưởng chừng như không có gì hấp dẫn với từng đó trang giấy. Nhưng không, nó đã vẽ lên tất cả những góc khác nhau của xã hội, của câu chuyện chung và riêng từng gia đình, từng cá nhân. Ai cũng đặc cho mình một câu hỏi: Thế nào là trách nhiệm và tình yêu? Bạn hãy đọc và tìm ra cho riêng mình một câu trả lời.

Nội dung: Thanh Xuân - Bila Team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top