Giỏ hàng

REVIEW “Cô gái lai da trắng”: Cuộc Đời Của Những Đứa Con Lai Trong Chiến Tranh

Hết thảy những câu văn trên đều đã vẽ ra được một góc cuộc sống của những người dân Việt Nam đương thời, từ việc chịu đựng sự bóc lột, sự phân biệt nặng nề đến việc chịu cảnh tha hương khắp chốn hay phải sống chung với những định kiến mang nặng tính cổ hủ đối với đàn bà phụ nữ… Từ đó mà ta có thể mường tượng ra được một số phận nhỏ bé, lầm lũi và đầy sự cay nghiệt của “lũ dân đen Annamite” xưa kia.

Nếu ai đó nhắc đến chiến tranh, tôi liền nghĩ ngay đến những tháng ngày chết chóc đau thương, phải đi bôn ba khắp nơi để tìm một nơi để ngã lưng của những người dân, của những người lính và đặc biệt là của những đứa trẻ được sinh ra vào thời kì đó. Nhưng có lẽ, những đứa trẻ lai mới là những người thiệt thòi nhất. Còn gì đau khổ hơn khi biết mình là một con lai giữa Pháp và Việt ngay trong một bối cảnh chiến tranh chống Pháp còn đang dai dẳng tại Việt Nam, còn gì đau khổ hơn khi biết người cha Pháp của mình đã ruồng bỏ mình như ruồng bỏ một người xa lạ. Kim Lefèvre đã khắc họa được phần nào số phận và cuộc đời của những đứa con lai tại Việt Nam thông qua “Cô gái lai da trắng”, thông qua chính câu chuyện của cuộc đời bà.

“Tôi được sinh ra, hình như ở Hà Nội, vào một ngày mùa xuân, ít lâu trước cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, kết quả của một cuộc hôn phối chốc lát giữa một cô gái An Nam và một người Pháp.

Về chuyện này, tôi chẳng có bằng chứng gì xác thực, mà cũng chẳng ai làm giấy khai sinh cho mãi đến năm tôi mười lăm tuổi.

[…] Tôi nung nấu mối hận thù mãnh liệt với người cha không hề biết mặt ấy, dường như chỉ có những đứa con bị tổn thương đến cùng cực mới có thể hận thù được đến như vậy.”

Ở những dòng đầu, Kim đã kể lại với người đọc nơi mình sinh ra đồng thời cũng nói đến gia cảnh của chính bản thân mình. Bà là một người con lai mang trong mình dòng máu giữa Pháp và Việt. Trong cuộc đời của chính mình, bà có nhiều cái tên và họ khác nhau, chúng gắn liền với những sự kiện, những biến động trong dòng chảy số phận của bà. Từ lúc sinh ra cho đến lúc sang Pháp du học, bà đã trải qua rất nhiều biến cố từ việc bị quấy rối tình dục bởi người anh họ của mình “thấy bàn tay to tướng mềm nhũn của ông anh họ nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của mình mà gí vào chỗ kín của anh ta” cho đến việc bị đưa vào trại trẻ mồ côi bởi chính người mẹ của mình, phải chạy trốn nay đây mai đó vì chiến tranh rồi đến việc bị bắt quả tang khi bà hò hẹn với người thầy giáo, tất cả đều lột tả được số phận bi thảm của bà. Tuy nhiên bà vẫn vượt qua những bi thương đau khổ ấy và rồi cuối cùng giành được học bổng sang Pháp.

Song song với chuyện cuộc đời mình, Kim còn phần nào tái hiện được một góc xã hội Việt Nam thời bấy giờ thông qua những chi tiết như:

“[…] mẹ tôi là dân Bắc Kỳ. Bà vẫn nói giọng Bắc, đầu chít khăn chứ không búi tóc, đấy là bấy nhiêu bất lợi trong bối cảnh những mâu thuẫn địa phương rất khốc liệt. Tại Nam Kỳ, tức là ở phía Nam, người ta cho rằng dân Bắc Kỳ là những kẻ hà tiện và chỉ sĩ diện vẻ ngoài.”

hay

“Người ta nhớ lại hình ảnh những phu xe đã sức cùng lực kiệt mà vẫn phải chở những tên thực dân to lớn gấp ba mình và chỉ nhận được những cú đá thay cho tiền công.”

Hết thảy những câu văn trên đều đã vẽ ra được một góc cuộc sống của những người dân Việt Nam đương thời, từ việc chịu đựng sự bóc lột, sự phân biệt nặng nề đến việc chịu cảnh tha hương khắp chốn hay phải sống chung với những định kiến mang nặng tính cổ hủ đối với đàn bà phụ nữ… Từ đó mà ta có thể mường tượng ra được một số phận nhỏ bé, lầm lũi và đầy sự cay nghiệt của “lũ dân đen Annamite” xưa kia.

Khác với giọng văn đầy chất thơ của những nhà văn Pháp khác, giọng văn của Kim Lefèvre mang một nét gần gũi và bình dị, gần giống với giọng văn của các nhà văn Việt Nam. Trong “Cô gái lai da trắng”, Kim đã kể lại cuộc đời bà một cách vô cùng thân thuộc, hệt như cái cách mà những người bạn quen thân tâm sự với nhau. Khi tôi đọc, dường như có một cái gì đó cuốn hút tôi vào từng câu chữ, từng chương truyện trong tác phẩm. Và theo như tôi nghĩ, phải chăng chính sự bi thương, sầu thảm của số phận bà đã hấp dẫn tôi, lôi kéo tôi vào trong những trang sách, để tôi chiêm ngưỡng được một phần nào số phận người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến tranh loạn lạc?

Ấn tượng nhất của tôi về “Cô gái lai da trắng” chính là nét độc đáo trong việc bà kể lại các biến cố trong cuộc đời mình, từ đó mà đưa ra những bài học để đời và những quan niệm nhân sinh rất đặc sắc. Ví dụ như từ việc bà hẹn hò với chính người thầy của mình, dù biết việc làm này là sai trái, đi ngược lại với những luân thường đạo lý, nhưng bà vẫn kiên trì theo đuổi những cuộc đụng chạm da thịt chớp nhoáng này để rồi về sau bị bắt quả tang, phải chịu cảnh bị coi thường, khinh rẻ, ta rút ra được một bài học là đừng bao giờ để tình cảm che mờ đi lý trí của mình… Ngoài ra còn rất nhiều những bài học khác mà tôi sẽ đề cập đến trong bài viết sắp tới.

Nguyễn Du từng viết:

“Đau đớn thay phận đàn bà

Lời này bạc mệnh cũng là lời chung.”

Chắc có lẽ như giữa bà và Nguyễn Du cũng có một nét tương đồng, đó chính là sự thông cảm và thương tiếc cho những phận đàn bà, phụ nữ Việt Nam ở cái thời “đời người con gái là con đường nhỏ hẹp dẫn từ trinh tiết đến hôn nhân”, ở cái thời mà “người ta sợ Việt Minh như sợ cọp trong rừng xưa kia” vì “nghĩ rằng Việt Minh không phải là người mình”…

Hầu hết các tác phẩm văn chương thời chiến đều nói đến những người lính, những người dân hay nói đến bọn thực dân tàn ác mà ít đề cập đến số phận của những người con lai. Chính quyển sách này sẽ giúp mọi người hình dung rõ nét hơn về những con người mang danh phận con lai ở Việt Nam thời bấy giờ. Song song với nội dung đặc sắc trên, giọng văn và cách đề cập đến các vấn đề của bà cũng rất khéo léo, không gây gãy mạch truyện hay gây mất tự nhiên. Chính vì những điều trên, tôi nghĩ đây là quyển sách cần phải có trong tủ sách chiến tranh của mỗi người và tôi cũng rất khuyến khích các bạn nên đọc thử.

Nội dung: Đào Phụng - Bila Team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top