Giỏ hàng

REVIEW “Truyện cổ Andersen”: Cuốn Sách Của Tuổi Thơ

“Cuốn sách không hướng tới trẻ em” nhưng sao tuổi thơ tôi lại chìm đắm trong thế giới cổ tích của ông?

Hans Christian Andersen – Ông hoàng kể chuyện cố tích từng nói: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn từ chính cuộc sống viết lên.” Thế nhưng điều khiến tôi thật sự thất vọng khi cầm cuốn “Truyện cổ Andersen” trên tay đó là những hiện thực cuộc sống được phi thường hóa, huyền ảo, thu hút một cách đến lạ. Chính ông từng thổ lộ: “cuốn sách không hướng tới trẻ em” nhưng sao tuổi thơ tôi lại chìm đắm trong thế giới cổ tích của ông?

“Truyện cổ Andersen” là cuốn sách dày 700 trang với hơn 60 câu chuyện được ông lấy ý tưởng từ chính hiện thực cuộc sống. Tôi từng rơi nước mắt khi chứng kiến một cô bé giữa mùa đông giá lạnh, đi đôi chân trần, không phải vì cô không có dép, mà một chiếc bị bọn trẻ con cướp mất, ném đi, chiếc còn lại cũng bị chó tha mất. Đó là “Cô bé bán diêm” với ước mơ bình dị: Có một bữa ăn no, một mái ấm gia đình, hay chỉ là vượt qua đêm rét… mà sao lại khó thực hiện đến vậy.

Tôi từng giận Andersen khi viết lên chuyện tình đẹp như tiểu thuyết của nàng tiên cá và hoàng tử, dù đã phải đổi giọng hát của mình để lấy đôi chân nhưng cuối cùng nàng vẫn phải hóa thành bọt biển hòa mình vào đại dương bao la, còn hoàng tử sẽ chẳng bao giờ biết đến những thứ mà nàng đã đánh đổi để đến bên chàng.

Sau cùng, tôi khâm phục cho sự hy sinh vĩ đại của người mẹ trong câu chuyện “Một bà mẹ”. Vẫn luôn biết rằng “Không có tình yêu nào trên thế giới sánh bằng tình yêu mẹ dành cho con.” “Đã ba ngày ba đêm bà không ngủ.” nhưng chỉ vì một khắc thiếp đi mà Thần Chết đã cướp mất đứa bé trong vòng tay bà. Giữa trời đông giá rét bà ôm bụi mận gai, khóc đến mù hai mắt để được chỉ đường và đổi mái tóc đen thành mái tóc bạc để đòi lại con. Người phụ nữ ấy thương con, vì con mà đánh đổi mọi thứ. “Nếu chỉ cần như thế, thì tôi rất vui lòng.”

Bằng ngòi bút lãng mạn của Andersen, từ “Con vịt xấu xí” đến “Chàng chăn lợn” tới “Bộ quần áo mới của hoàng đế”… không phải câu chuyện nào cũng kết thúc trong hạnh phúc, nước mắt có, vui vẻ có, sự thờ ơ của những người xung quanh cũng có. Những câu chuyện nghe có vẻ hài hước đến phi lý lại được lấy ra từ trong đời sống, được Andersen lí tưởng hóa, phản ánh hiện thực cuộc sống.

Ông đã thành công ghi lại dấu ấn, trở thành tác giả được trẻ em trên toàn thế giới yêu mến, trong đó có tôi, một người đã từng chìm đắm trong thế giới cổ tích mà ông dày công dựng lên. Chính vì quá đỗi tài năng, mà đến khi tôi trưởng thành hơn, tôi đọc lại cuốn sách, nó lại là một cái gì đó mới mẻ và tinh tế.

Không rõ từ bao giờ, “Truyện cổ Andersen” đã trở thành cuốn sách đi cùng tuổi thơ, cùng bao bạn nhỏ lớn lên. Còn Andersen trở thành “Ông hoàng kể chuyện cổ tích” đưa trẻ em chìm đắm vào văn chương.

Nội dung: Nguyễn Kim Huế - Bila Team
Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top