REVIEW "Nghệ Thuật Tinh Tế của Việc “Đếch” Quan Tâm"
“Hạnh phúc thực sự chỉ diễn ra khi bạn tìm thấy được những vấn đề mà bạn thích thú và vui vẻ giải quyết chúng.”
(Trang 33)
Nghệ Thuật Tinh Tế của Việc “Đếch” Quan Tâm của Mark Manson là một cuốn sách thông minh (thông minh là tính từ mà tôi luôn luôn yêu thích nhất).
Manson đưa ra hàng loạt những tranh luận khác thường, tuy vậy, được củng cố bằng các nghiên cứu và phương pháp loại suy. Những ý kiến, suy nghĩ của ông không khiến bạn phải mỏi mòn tìm kiếm như trong những bài nói chán ngắt mà cao ngạo, hay một bài xá tội nặng nề. Manson nói trực tiếp, và quan sát phản ứng của bạn ra sao, theo sau đó sẽ là tiếng cười khàn khàn cùng với cái vỗ lưng an ủi.
Cuốn sách này sẽ rất phù hợp nếu bạn muốn
- Tìm kiếm nguyên nhân của mọi sự khổ đau và cuối cùng nhận ra rằng việc tìm kiếm đó là không thể.
- Phát triển khả năng tự nhận thức về một lối sống giúp bạn hạnh phúc lâu dài.
- Giảm bớt những áp lực về mục tiêu, thành tích và năng lực.
- Hiểu được tại sao chúng ta thường quan tâm quá nhiều đến những việc không quan trọng, còn những việc quan trọng thì lại không.
Những câu chuyện đáng ghi nhớ
Hầu hết những cuốn sách phi giả tưởng sử dụng nghệ thuật kể chuyện để bày tỏ quan điểm, suy nghĩ. Dưới đây là một số mẩu chuyện nhỏ từ cuốn sách này và nơi bạn có thể tìm thấy chúng.
Tự đem lại cho mình sự đau khổ (Trang 9)
Bạn biết việc gì rất ngớ ngẩn không? Đó chính là bị ám ảnh với cái mà bạn không hề có. Manson đã đưa ra một dẫn chứng quan sát thuyết phục rằng mong muốn những cái “tích cực”, vốn dĩ đã mang trong mình những cái “tiêu cực”. “Bạn càng muốn trở nên giàu có, thì bạn lại càng cảm thấy bản thân mình nghèo và vô dụng, dù cho trên thực tế bạn có kiếm được bao nhiêu tiền đi chăng nữa. Bạn càng muốn trở nên quyến rũ và được khao khát bao nhiêu, bạn càng nhìn nhận rằng bản thân mình xấu xí, dù cho nhan sắc thực của bạn có ra sao. Bạn càng muốn trở nên hạnh phúc và được yêu thương bao nhiêu, thì bạn lại càng cảm thấy cô đơn và sợ hãi, dù người bên bạn có là ai đi chăng nữa.”
Vậy, nếu bạn không tìm kiếm những trải nghiệm tích cực, thì phải làm gì để được hạnh phúc? Mark trả lời rằng: Hãy theo đuổi cái tiêu cực. “Sự đau đớn mà bạn theo đuổi tại phòng tập gym sẽ dẫn đến một cơ thể cân đối và sức khỏe tốt hơn. Sự thất bại trong kinh doanh sẽ dẫn tới sự hiểu biết rõ hơn về điều gì là cần thiết cho thành công. Cởi mở trước các mâu thuẫn về sự bất an của bản thân sẽ khiến bạn trở nên tự tin và hấp dẫn hơn trước mọi người. Nỗi đau của đối đầu với thực tại là những gì sẽ mang lại niềm tin và sự tôn trọng trong các mối quan hệ của bạn. Vượt qua nỗi sợ hãi và lo lắng sẽ giúp bạn gây dựng lòng dũng cảm và ý chí.”
Mời một luật sư (Trang 15)
Có thể bạn sẽ hơi chút nhầm lẫn về điểm tinh tế của việc đếch quan tâm. Nó không ca tụng sự thờ ơ mà nó đấu tranh cho những hành động đúng đắn khi phải đối mặt với khó khăn.
Để minh họa, Manson kể câu chuyện rằng mẹ của ông đã bị lừa đảo một số tiền lớn. Khi đó, ông đã có thể nhún vai, chấp nhận cách thế giới này vận hành và xem hết bộ phim trên Netflix. Nhưng thay vì vậy, ông đã nghĩ khác “Không, mặc kệ nó, mẹ ạ. Ta nên tìm luật sư và kiện cái lão khốn kia thì hơn. Tại sao á? Bởi vì con đếch quan tâm. Con sẽ nghiền nát cuộc đời thằng cha này nếu buộc phải vậy.”
Trách nhiệm và thiếu sót (trang 98)
Manson chỉ ra sự khác biệt giữa trách nhiệm và thiếu sót. Thường thì trách nhiệm sẽ đến sau lỗi sai (Nếu xe tôi đâm vào bạn, tôi có lỗi và chịu trách nhiệm bồi thường), nhưng còn rất nhiều tình huống khi mà bạn không sai nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm.
“Ví dụ như, nếu như bạn thức dậy vào một ngày nọ và nhìn thấy một đứa bé sơ sinh trước thềm nhà, có thể đấy không phải là lỗi của bạn khi đứa bé được đặt ở đó, nhưng đứa bé giờ đây đã trở thành trách nhiệm của bạn. Bạn sẽ phải lựa chọn xem cần làm gì. Và dù cho cuối cùng quyết định của bạn có ra sao đi nữa (giữ đứa bé, vứt nó đi chỗ nào đó, bỏ mặc nó, vứt nó cho một con chó bull), thì vấn đề sẽ nảy sinh cùng với lựa chọn của bạn – và bạn sẽ phải chịu trách nhiệm cho những điều này nữa.” Tóm lại là, chả có ích gì nếu bạn cứ đổ lỗi cho người khác về tình cảnh của mình. Chỉ có bạn là phải tự chịu trách nhiệm. Nếu như ông sếp của bạn rất ngớ ngẩn, chương trình TV yêu thích bị hủy bỏ hay bị bạn gái lừa dối (Theo như chia sẻ của Mark), bạn sẽ là người duy nhất phải chịu trách nhiệm cho những cảm xúc và cách bạn phản ứng. Vậy thì bạn sẽ lựa chọn cách nào?
Dịch: Thu Hương - Bila Team
Ảnh: Ngọc Huyền - Bila Team