Giỏ hàng

REVIEW "Nghệ Thuật Truyền Đạt": Bí Quyết Thành Công Của Người Nhật

Thực tế, đa số mọi người đều biết rõ tầm quan trọng của diễn đạt nhưng lại chẳng mấy ai trui rèn. Biết cách diễn đạt sẽ giúp bạn tận dụng tốt hơn những cơ hội, bạn có thể ghi điểm trong những thời khắc quan trọng của cuộc đời.

“Nếu bạn nghĩ mình là người kém ăn nói, thường gặp khó khăn trong việc diễn đạt chính xác mọi suy nghĩ. Nếu bạn tưởng giao tiếp tốt là năng lực bẩm sinh, người  bình thường không thích cách nào rèn luyện hay học tập được. Và nếu bạn cho rằng tạo nên ngôn từ cảm động lay động lòng người là việc vô cùng khó khăn, bạn không bao giờ làm nổi thì bạn đã lầm!” Cuốn sách “Nghệ thuật truyền đạt” của tác giả Keiichi Sasaki sẽ cho bạn biết những bước đơn giản  mà hiệu quả nhất để đi từ “không” thành “có”

Diễn đạt là kỹ năng có thể rèn luyện được

Đã bao giờ bạn gặp trường hợp muốn nói một ý gì đó nhưng lại không biết diễn đạt ra sao và phải nói như thế nào? Nhiều khi nghĩ một đằng nhưng lại nói một nẻo. Những trường hợp như vậy không phải là hiếm gặp. Thực tế, đa số mọi người đều biết rõ tầm quan trọng của diễn đạt nhưng lại chẳng mấy ai trui rèn. Biết cách diễn đạt sẽ giúp bạn tận dụng tốt hơn những cơ hội, bạn có thể ghi điểm trong những thời khắc quan trọng của cuộc đời.

Vậy diễn đạt có thể rèn luyện được không? Câu trả lời là “Có”, bạn hoàn toàn có thể học tập và rèn luyện được khả năng diễn đạt. “Ta có thể học được cách diễn đạt. Nhưng chẳng mấy ai biết điều đó”. Trong chương 1 của cuốn sách “Nghệ thuật truyền đạt” sẽ lý giải cho bạn tại sao lại là “Có”. Những điều đó đều được rút ra từ chính những trải nghiệm thực tế của tác giả, từ chính những thay đổi đáng kinh ngạc của các học viên trong những khóa học dành cho người đi làm mà tác giả đã tổ chức ở nhiều trường đại học. Bản thân tác giả từng là một người rất kém trong diễn đạt, dẫn đến stress nặng đến nỗi mắc phải chứng cuồng ăn. Và kết quả đã tăng 10 cân trong vòng 1 năm. Nhưng giờ đây, đã trở thành người dẫn dắt và giúp bao nhiêu người cải thiện kỹ năng diễn đạt.

Không chỉ nói đến tầm quan trọng của diễn đạt, mà trong chương đầu tiên này, Keiichi Sasaki còn chỉ cho bạn thấy được nhiều điều như: trong diễn đạt cũng sẽ có những kỹ thuật, thời đại hiện nay đòi hỏi khả năng truyền thông cá nhân, ngôn ngữ đúng đắn trong sách giáo khác với ngôn từ có hiệu quả thực tế,…Hay đưa ra cho bạn lời khuyên như: Học tập chuyên gia sẽ giúp bạn rút ngắn được thời gian.

Kỹ thuật biến câu trả lời từ  “Không” thành “Có”

 Bạn có biết, nhiều khi, kết quả khi bạn đi xin việc, thuyết trình hay nhờ vả bạn bè,… phụ thuộc nhiều vào cách diễn đạt của bạn. “Phỏng vấn xin việc chính là minh chứng rõ ràng nhất. Trong khoảng thời gian phỏng vấn ngắn ngủi, đối phương không thể nào chứng kiến tận mắt cuộc đời bạn đã và đang trải qua nên chỉ có thể đánh giá dựa vào cách bạn diễn đạt. Tùy theo phương thức diễn đạt của bạn, mọi chuyện xảy ra trong đời từ nhỏ đến lớn đều có thể thay đổi…Sẽ có rất nhiều ngã rẽ trên con đường phía trước. Bạn nghĩ sao nếu bản thân có thể biến nhiều câu trả lời “Không” thành “Có” hơn?” Thực tế, “Ta có thể tạo ra sự đột phá bằng sức mạnh của ngôn từ đối với tất cả những việc tưởng chừng không thể”

Ở trong chương 2, chúng ta sẽ được khám phá những kỹ thuật để biến câu trả lời từ “Không” thành “Có”. 3 bước để biến câu trả lời “Không” thành “Có”:

Bước 1: Không biến toàn bộ ý nghĩ thành lời nói

Bước 2: Tưởng tượng những gì đang diễn ra trong suy nghĩ của đối phương

Bước 3: Đưa ra lời đề nghị kết hợp với lợi ích của đối phương

Bên cạnh 3 bước trên, tác giả cũng sẽ đưa ra cho bạn 7 gợi ý để biến câu trả lời thành “Có”

Gợi ý 1: Sở thích của đối phương

Gợi ý 2: Tránh những điều đối phương chán ghét

Gợi ý 3: Quyền tự lựa chọn

Gợi ý 4: Khao khát được thừa nhận

Gợi ý 5: Chỉ dành riêng cho bạn

Gợi ý 6: Tạo tinh thần làm việc nhóm

Gợi ý 7: Lòng biết ơn

Kỹ thuật tạo ra ngôn từ mạnh

Ngôn từ mạnh được tác giả định nghĩa là “những ngôn từ có nguồn năng lượng đủ khả năng tác động đến cảm xúc của người khác”.  Việc bạn sử dụng ngôn từ mạnh cũng sẽ ảnh hưởng đến cách diễn đạt. Cũng giống như kỹ thuật biến câu trả lời “Không” thành “Có”, ở chương trước, kỹ thuật tạo ra ngôn từ mạnh cũng có công thức riêng. Chỉ cần làm theo công thức, bất cứ ai cũng có thể tạo nên ngôn từ mà bản thân chưa từng tượng tượng tới. 5 kỹ thuật tạo ra ngôn từ mạnh:

  1. Phương pháp gây bất ngờ
  2. Phương pháp chênh lệch
  3. Phương pháp trần trụi
  4. Phương pháp lặp lại
  5. Phương pháp cao trào

Sau mỗi phương pháp được nêu ra là những ví dụ, những dẫn chứng vô cùng cụ thể và dễ hiểu. Bạn sẽ học được rất nhiều điều bổ ích và thú vị từ mỗi phương pháp trên. Ví dụ như khi bạn khi bạn học được phương pháp bất ngờ bạn sẽ biết được rằng: “Từ ngữ bất ngờ không dùng khi bản thân cảm thấy ngạc nhiên. Hãy dùng chúng khi muốn tác động đến đối phương”.

Bên cạnh đó, ở chương cuối cùng này, chúng ta sẽ biết được cách: Nâng cấp đoạn văn dài trong vòng 10 phút bằng câu mở đầu, câu kết và tựa đề, cũng như cách gia tăng 30% tình cảm trong email để giảm bớt độ lạnh lùng của các ký tự điện tử.

Lời kết

Khi bạn biết cách diễn đạt tốt thì cũng là lúc bạn có nhiều hơn những cơ hội. Với những ai đang gặp khó khăn trong cách diễn đạt hay muốn nâng cao hơn khả năng diễn đạt của mình. Vậy thì cuốn “Nghệ thuật truyền đạt” với những ví dụ cụ thể sinh động và dễ hiểu sẽ là một lựa chọn phù hợp.

Nội dung: Xuân Sang - Bila Team
Ảnh: Lim - Bila Team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top