Giỏ hàng

REVIEW “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”: Bước Chân Ra Thế Giới

“Quảy gánh băng đồng ra thế giới” như là một quyển ghi chép hành trình của Nguyễn Phi Vân đi qua 19 quốc gia trên thế giới. Đó không giống như những quyển du ký bình thường nói về phong cảnh, những món ăn ở mọi nơi trên thế giới mà đây là hành trình mở lòng ra với thế giới của người phụ nữ ngày còn chân ước chân ráo bước ra thế giới tới các vị trí lãnh đạo.

Thời đại 4.0 này, người ta bỗng quăng vô giới trẻ khái niệm công dân toàn cầu. Nghe qua thì có vẻ hay hay, vui vui, vì chắc là được đi vòng quanh thế giới mà, sướng quá rồi còn gì? Mà công dân toàn cầu chính xác là cái gì, có phải vui vui, sướng sướng như ai cũng nghĩ? Hãy để Nguyễn Phi Vân cùng “Quảy gánh băng đồng ra thế giới” kể cho các bạn nghe về câu chuyện của người phụ nữ đã đi và làm việc ở hơn 80 quốc gia, rồi bạn suy nghĩ xem công dân toàn cầu đối với bạn có ý nghĩa như thế nào nhé.

Nói một chút về tác giả Nguyễn Phi Vân, cô là người đã làm việc và trải nghiệm cuộc sống tại hơn 80 quốc gia trên thế giới. Hiện nay, cô là diễn giả chuyên ngành bán lẻ & nhượng quyền quốc tế và đã viết năm ấn phẩm bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.

“Quảy gánh băng đồng ra thế giới” như là một quyển ghi chép hành trình của Nguyễn Phi Vân đi qua 19 quốc gia trên thế giới. Đó không giống như những quyển du ký bình thường nói về phong cảnh, những món ăn ở mọi nơi trên thế giới mà đây là hành trình mở lòng ra với thế giới của người phụ nữ ngày còn chân ước chân ráo bước ra thế giới tới các vị trí lãnh đạo. Lồng vào những câu chuyện của cô chính là sự sẻ chia về những bài học, về những trải lòng của mọi người ở bốn bề Trái Đất trên hành trình 20 năm của một công dân toàn cầu.

Cuốn sách bao gồm 20 chương, dẫn bạn qua 19 quốc gia, đó là những câu chuyện về niềm đam mê khám phá, về văn hóa, về con người bốn bể dưới góc nhìn của một công dân toàn cầu. Ngoài văn hóa, nghệ thuật, con người, tác giả còn lồng vào đó những số liệu về kinh tế để người đọc có dịp tìm hiểu về những đất nước mà mình chưa tìm hiểu trước đó, để mở rộng kiến thức ra thế giới và hiểu hơn về vị thế của Việt Nam trên thế giới. Đi qua từng chương của cuốn sách, người đọc có cơ hội tìm hiểu ý nghĩa của công dân toàn cầu.

Đằng sau những câu chuyện, là những mẩu thông tin nho nhỏ thêm về các quốc gia để người đọc có cái nhìn sâu hơn về các quốc gia như cảm nhận sự cuồng văn hóa ẩm thực nước nhà của những con người nước Ý trong “cuộc chiến củ tỏi”, dân làng của một ngôi làng nhỏ ở Ý tên là Amatrice quyết chiến với một đầu bếp Michelin người gốc Milan tên là Carlo Cracco khi đầu bếp cả gan đưa thông tin có cho tỏi vào món sốt Amatriciana, một món sốt cà chua đặc trưng của làng Amatrice hay cảm nhận cái cuộc sống vội vã của người dân Trung Quốc qua dịch vụ chuyển phát tình yêu, một dịch vụ thăm bố mẹ giùm với chi phí từ 10 tệ đến 5000 tệ, tùy thuộc vào mức độ tình yêu! Tình cảm mà cũng định giá được cơ! Hay cảm nhận việc cơ sở vật chất thấp kém có thể ảnh hưởng cuộc sống thế nào trong câu chuyện cay mắt vì lũ ớt ở Indonesia, vì cơ sở hạ tầng kém mà giá ớt tăng cao do chi phí vận chuyển tốn kém, cảm nhận cái khổ của con người bắt đầu từ những nguyên nhân mà ngày thường ta không để ý tới.

Không chỉ là việc đi khắp bốn bể, khám phá nghệ thuật, văn hóa mà cuốn sách còn là câu chuyện cho giới trẻ suy ngẫm về bản thân mình có gì, bản thân mình đã và sẽ chuẩn bị gì trên hành trình bước ra thế giới, trở thành công dân toàn cầu. Nguyễn Phi Vân đã chia sẻ những bài học đó trên hành trình qua 19 quốc gia của mình. Tác giả hướng mọi người đến việc suy ngẫm về việc xây dựng giá trị bản thân sau mỗi câu chuyện như bài học về một tầm nhìn UAE. Vì có một tầm nhìn, có mục tiêu cụ thể, UAE đã thực hiện một chuỗi các kế hoạch để hiện thực hóa điểm đến của mình, từ một đất nước sa mạc trở thành nơi sa hoa bậc nhất thế giới. Phải chăng người trẻ chúng ta trước khi bước ra thế giới cũng nên xây dựng cho bản thân một tầm nhìn? Hay là bài học về sự đầu tư phát triển cho con người từ Singapore với người dân thuộc nhóm làm việc hiệu suất nhất thế giới, để chỉ từ một đất nước không có gì mà bây giờ cả thế giới trầm trồ trước một cường quốc kinh tế. Đó là bài học về sự cam kết đầu tư xây dựng giá trị, về căn bệnh “Kiasu” - bệnh sợ thua cuộc để luôn luôn học hỏi, phấn đấu vươn lên cao hơn nữa, luôn luôn học tập, đổi mới và phát triển bản thân, dồn năng lượng tích cực vào những gì bản thân có thể làm được. Chính việc xây dựng bản thân của mỗi người mà Singapore từ một làng chài nhỏ đến một đất nước được mệnh danh là Châu Âu giữa lòng Châu Á.

Đằng sau câu chuyện của Nhật Bản, từ đống đổ nát chiến tranh vươn mình lên thành một cường quốc kinh tế chỉ sau vài thập kỷ, cũng chỉ là bài học về sức mạnh bên trong của con người, những giá trị về nghĩa, dũng, nhân, lễ, thành, danh dự, trung thành, kiềm chế. Hành trang của một cường quốc cũng đơn giản là sức mạnh nội tại của hàng triệu con người. Sao mà đơn giản thế? Và hành trình đi ra thế giới có lẽ cũng chẳng quá phức tạp. “Phải chăng những lời nói hoa mỹ, tráng lệ đã làm che lấp đi cái bình thường vĩ đại? Phải chăng điều phức tạp mà con người mãi đi tìm chỉ là cái tôi chân chất đằng sau lớp vỏ ngoài bóng lộn”

Hành trình bước chân ra thế giới cũng chỉ bắt đầu đơn giản bằng những giá trị bên trong một con người, những giá trị về lòng danh dự, lòng nhân ái, sự chính trực và những giá trị sẽ dẫn con người ta đi đúng hướng.

Đến với đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, qua góc nhìn của tác giả, là một đất nước hài hòa sắc màu lịch sử của đế chế Ottoman vĩ đại với dòng năng lượng của những kiến trúc hiện đại đang vươn lên trên nền những mái vòm Hồi giáo, những tường thành cũ kỹ. Thổ Nhĩ Kỳ là thế, ôm chặt quá khứ vào lòng, tiến về phía trước, di sản được trân trọng, thế giới mãi ngắm nhìn. Hành trình bước ra thế giới cũng là hành trình giữ gìn di sản bản thân, đó chính là giá trị sống có nhân, có thành và có nghĩa. Bốn bể biết bao nhiêu cám dỗ, ta đánh mất di sản của bản thân cũng là đánh mất chính mình.

Chuyến hành trình tiếp tục với nước Úc, một bài học về cách giải quyết vấn đề, làm mọi thứ đơn giản hơn. Rồi nối tiếp là hành trình đến nước Mỹ - một hình mẫu về việc luôn học hỏi, đổi mới và phát triển bản thân hay Hong Kong về việc định vị bản thân, xác định khả năng của bản thân, tập trung vào mục tiêu trên hành trang trở thành công dân toàn cầu. Hay là những câu chuyện về việc nuôi dưỡng lòng yêu thích và giữ gìn văn hóa, nghệ thuật của Ý, của Anh để nuôi dưỡng một tâm hồn phong phú, rộng mở ra với thế giới, giữ gìn sự mộc mạc, chân thật của bản thân cũng như việc bảo vệ bản gốc của những di sản văn hóa,....

Cuốn sách là những câu chuyện, những kinh nghiệm trên hành trình bước ra thế giới của một công dân toàn cầu, là quá trình người trẻ suy ngẫm về những giá trị bản thân trên con đường “bốn bể là nhà”. Cuốn sách mở ra những góc nhìn mới cho người trẻ về thế giới, dẹp đi những điều lớn lao mà truyền thông thêu dệt nên, bắt đầu từ cái bản chất bên trong mỗi người. “Đỉnh cao của sự tinh tế là tận cùng của sự đơn giản”, một bài học mà tác giả gặt hái được sau bao năm bôn ba trên thế giới, giờ hiện lên các trang giấy kể chuyện để người trẻ đọc và suy ngẫm, rồi thấu hiểu rồi tìm ra con đường cho mình. Thế giới ngoài kia có biết bao cơ hội lớn lao, bao nhiêu cái hay để học hỏi, hãy dũng cảm bước ra và ôm thế giới vào lòng. Cuốn sách như một kim chỉ nam cho những ai đang loay hoay không biết làm gì trên hành trình nhảy ra khỏi ao làng, giếng nước, vươn ra biển lớn và gạt đi nỗi sợ hãi trước những điều tưởng chừng lớn lao nhưng lại đơn giản vô cùng. “Nếu chỉ chạy loanh quanh để kiếm hơn chút tiền, sao không đủ dũng cảm để chạy ào ra thế giới?”

Nội dung: Khang Dương - Bila Team
Ảnh: Thanh Thanh - Bila Team
Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top