Giỏ hàng

REVIEW "Thú tội": Khi Tội Ác Giấu Đằng Sau Vỏ Bọc Trẻ Con

Bạo hành, nó không phải chỉ là hành động. Bạo hành, nó còn đến từ những lời nói cay nghiệt để đả kích. Số đông luôn chiếm ưu thế, có quyền hành quyết. Những người đi trái số đông đều là tội phạm. Cho dù 100 điểm tốt của tội phạm có được liệt kê thì bạn vẫn mãi là tội phạm.

Thanh xuân luôn là thời điểm đẹp nhất trong đời. Nhiều người, khi trưởng thành rồi, vẫn mong muốn được đắm chìm lại trong những giây phút đó. Một chút ngây ngô, một chút bỡ ngỡ, một chút trong sáng…

Nhưng, đâu phải thanh xuân của ai cũng đẹp, đâu phải thanh xuân của ai cũng phủ màu hồng thơ mộng. Ở cái tuổi học sinh cấp 2, tâm sinh lí thay đổi, một số đã nổi loạn, biến đổi tâm lý và nhân cách một cách mất kiểm soát và sau đó là hàng loạt hậu quả không thể tưởng tượng được.

Điều này được thể hiện một cách đầy ám ảnh và rợn người trong tác phẩm Thú tội của Minato Kanae. Cuốn sách nói về “chuyện giết người” của những học sinh cấp 2 và nạn nhân là con của giáo viên chủ nhiệm.

Mặc dù bước vào sự nghiệp sáng tác khá muộn nhưng Minato đã khẳng định được vị trí của mình với tác phẩm đầu tay này, và tác phẩm đã lọt vào top 10 đầu sách bán chạy nhất thế giới. Cuốn sách gồm các phần: Lời thú tội, Nhà truyền đạo, Lòng tốt của một người mẹ, Thiên tài lạc lối. Và những phần trong tác phẩm đều là dòng chảy tâm lý, góc nhìn của từng nhân vật thông qua cốt truyện chung.

Một đứa bé còn ở độ tuổi học mẫu giáo, vì sợ mẹ mắng, đã lén trốn ra gần hồ bơi ở trường- nơi mẹ dạy, để mang bánh mỳ tới gần bể bơi của nhà cho chú chó lang thang khỏi bị đói mỗi lần mẹ dắt em đến nơi làm việc của mình để đợi.

Một đứa trẻ đáng nhẽ ra phải có được một số cuộc sống hạnh phúc, êm đềm thì đã bị tước đoạt bởi 2 học sinh của cô giáo Moriguchi. Và cô giáo biết rõ điều đó. Tại đây, mọi sự trả thù đau đớn đã bắt đầu. Cô hiểu rằng dù luật pháp có nghiêm trị đến mức nào thì cũng đều có lỗ hổng. Cô hiểu rằng một đứa trẻ vị thành niên nếu trừng trị bằng luật pháp thì cũng sẽ được xử nhẹ tay.

Trong chương đầu, đó là buổi xét xử trên thực tế diễn ra trong nỗi bàng hoàng của tất cả học sinh cũng như khiến cho độc giả “ớn lạnh”. Xuyên suốt chương đầu có thể tóm gọn bằng hai chữ: hành quyết. Bằng cách đánh vào đòn tâm lý của những đứa trẻ cấp 2 chưa kiểm soát được mình thì đây quả là một cách trừng trị tốt. Nhưng sau đó là sự thật không một ai bị nhiễm HIV, không một ai phải uống sữa có máu của người nhiễm HIV.

Và những chương còn lại là những chuỗi bất ngờ đang đợi người đọc khám phá. Từng sự thật được lật mở. Đau đớn, than khóc, sợ hãi, nuối tiếc.

Có một câu nói trong truyện làm tôi luôn nhớ mãi: "Tuy nhiên, người chỉ trích đầu tiên, người đứng đầu cuộc chỉ trích cần phải tương đối dũng cảm. Vì có thể sẽ chỉ có một mình lên tiếng. Song việc hùa theo kẻ chỉ trích lại vô cùng dễ dàng. Bởi chẳng cần đến ý kiến cá nhân, cứ nói "tôi cũng thế, tôi cũng thế" là xong."

Con người, họ nghĩ, họ có quyền phán xét người khác hay sao?

Người gây ra lỗi là người có tội. Người tự cho mình quyền xử phạt người khác cũng là người có tội.

Bạo hành, nó không phải chỉ là hành động. Bạo hành, nó còn đến từ những lời nói cay nghiệt để đả kích. Số đông luôn chiếm ưu thế, có quyền hành quyết. Những người đi trái số đông đều là tội phạm. Cho dù 100 điểm tốt của tội phạm có được liệt kê thì bạn vẫn mãi là tội phạm.

Đừng tự lừa dối bản thân rằng quá khứ rồi, bỏ đi thôi. Chúng ta chẳng ai quên được quá khứ đâu. Mãi mãi. Đặc biệt là những lỗi trong quá khứ...
Ám ảnh, thảm kịch, hành quyết, trả thù.

Nội dung: Hoàng Vy - Bila Team
Ảnh: Thuý Tiền - Bila Team
Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top