Giỏ hàng

REVIEW "Vừa Nhắm Mắt Vừa Mở Cửa Sổ"

Tôi không biết khi Nguyễn Ngọc Thuần thấy người ta ví đứa con tinh thần của mình là "Hoàng Tử Bé của Việt Nam", bác sẽ vui hay buồn. Nếu là tôi thì tôi sẽ khá buồn đấy vì "Hoàng Tử Bé" Là "Hoàng Tử Bé" và "Vừa Nhắm Mắt Vừa Mở Cửa Sổ" cũng vẫn chỉ là chính nó với cái hồn cốt của Nguyễn Ngọc Thuần thôi.

Nếu bạn thấy câu quote ở tiêu đề nghe quen quen thì… đúng vậy, đây là một trong những câu văn kinh điển trong cuốn "Hoàng Tử Bé" của tác giả Saint-Exupéry. Và không phải ngẫu nhiên tôi dùng nó để mở đầu cho bài review này…

Giới thiệu "sương sương": quyển sách tựa như một trang nhật ký hồn nhiên, ngây thơ của một cậu bé lên 10 mà ở đó, mỗi chương là một câu chuyện nhỏ vụn vặt, ghi lại những mảnh kí ức cậu đã chứng kiến về gia đình, hàng xóm láng giềng, những con người hàng ngày được gặp, những suy tư đầy hồn nhiên mà triết lý khiến người lớn đọc qua cũng phải ngỡ ngãng, v.v… Nếu chỉ đơn giản vậy thì chắc chắn chính tôi cũng không hứng thú tìm đọc. Bởi motif (mô típ) này không còn quá xa lạ và hẳn các bạn cũng đọc được những cuốn sách có nội dung tương tự như thế nhiều rồi. Vậy điều gì khiến cuốn sách trở nên phổ biến, giành giải A cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi năm 2002, giải thưởng Peter Pan Thụy Điển năm 2008, giải thưởng Sách Hay 2011, đưa tác giả Nguyễn Ngọc Thuần, từ một họa sĩ trở thành một cây bút được chú ý trên văn đàn?

Xin được trích lời của người biên tập cuốn sách: "Lần đầu tiên, nỗi buồn, thậm chí cái chết được mô tả một cách không khoan nhượng trong văn học thiếu nhi Việt Nam". Đừng vội cảm thán và tìm đọc cuốn sách chỉ vì lời nhận xét này, bạn sẽ thất vọng đấy. Bởi tôi biết đã có rất nhiều cuốn văn học thiếu nhi khác viết về cái chết còn chân thực và sâu sắc hơn những gì được Nguyễn Ngọc Thuần viết. Xin được trích lời biên tập lần 2: "Cuốn sách được các nhà văn trong nước mệnh danh là 'Hoàng Tử Bé của Việt Nam". Quả thực, nếu đã từng đọc tác phẩm này, bạn sẽ không khó nhận ra một chút Saint-Exupéry đâu đây: dùng câu chuyện hồn nhiên vu vơ của con trẻ để ẩn ý những điều sâu xa, lớn lao khiến người lớn cũng phải giật mình ngẩn ngơ; văn phong nhẹ nhàng, mộc mạc không một chút gồng gắng nào nhưng có sức ám ảnh lớn; nói về những điều không còn mới bằng cái vỏ không hề cũ; và một chút fun fact: những bức tranh minh họa trong tác phẩm đều do chính tay nhà văn vẽ nên.

Tôi không biết khi Nguyễn Ngọc Thuần thấy người ta ví đứa con tinh thần của mình là "Hoàng Tử Bé của Việt Nam", bác sẽ vui hay buồn. Nếu là tôi thì tôi sẽ khá buồn đấy vì "Hoàng Tử Bé" Là "Hoàng Tử Bé" và "Vừa Nhắm Mắt Vừa Mở Cửa Sổ" cũng vẫn chỉ là chính nó với cái hồn cốt của Nguyễn Ngọc Thuần thôi.

"Vừa Nhắm Mắt Vừa Mở Cửa Sổ", cái tên nghe qua đã làm cho độc giả tò mò. Mắt là cửa sổ tâm hồn, nếu nhắm mắt ta sẽ nhìn bằng gì? Tác phẩm chính là lời giải đáp. "Phải dùng trái tim mà tìm kiếm", yêu thương một chút, chia sẻ một chút, buồn một chút, vui một chút,.. "Khi nhìn theo bóng một con người mà ta không thể quên được, ta sẽ thấy nỗi nhớ của mình", "Khi một người yêu thương của ta ra đi, cũng giống như khi chúng ta cắt lìa từng khoảng trời trong trái tim mình. Đó là khoảng trời rất rộng mà ta hít thở từng ngày". Tác giả đã viết về nỗi nhớ một cách hình ảnh, nhẹ nhàng mà thấm thía như thế. Tuổi trẻ con hồn nhiên vô tư, làm sao chúng biết thế nào là nhớ, là mong. Nhưng chúng cảm nhận được sự trống trải, thiếu vắng và hụt hẫng khi đánh mất một điều gì quý giá. Người lớn thì sao, có bao giờ ta nhận nỗi nhớ của chính mình giữa bộn bề, hối hả của cuộc sống hằng ngày?

"Nhắm mắt" để loại bỏ tạp niệm, định kiến, chỉ dùng tâm hồn, trái tim và những giác quan khác để cảm nhận, thấu hiểu một thế giới sau khi "Mở cửa sổ". Còn ta, vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, ta thấy gì?

Nội dung: Bảo Ngọc - Bila Team
Ảnh: Chu Loan - Bila Team
Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top