Giỏ hàng

[Chuyện Của Sách] Có Thứ Tình Cảm Vượt Xa Ngoài Con Chữ

BÀI DỰ THI 71:

Họ và tên: Vũ Ngọc Ngân Giang

Chuyện của sách “tuyển tập truyện ngắn Nam Cao” - Nam Cao

-------------

Hôm nay là một ngày trọng đại trong cuộc đời tôi. Lâu lắm rồi, kể từ cái ngày mẹ của cậu chủ cũ bán nhầm tôi vì tưởng tôi là một phần của đống ve chai, tôi mới có một tổ ấm đúng nghĩa, nói trắng ra là tôi đã thoát cái kiếp lang thang. Tôi vừa nằm hai tiếng trên xe khách đường dài Nam Định- Hà Nội. Tôi thở phè phè. Các cô Loa Kèn cảnh trông kiêu kì thế mà thân thiện đáo để, giọng cứ lanh lảnh:” Anh cứ nghỉ cho đỡ mệt, để bọn em đưa gió vào. Chà chà... tỉnh cả người, nhưng ý chừng vẫn còn mệt lắm. Tôi lại thầm cảm ơn cái sự mệt đã cho tôi cơ hội nằm đây mà suy ngẫm lại cuộc đời..

.Hôm qua cô chủ mua tôi trong một gian sách cũ tại hội chợ quê. Gọi là gian cho oai chứ người ta trải tấm bạt to xuống đất, rồi dốc chúng tôi từ các bao tải to ra. Mỗi lần như thế, tôi thấy ruột gan lộn tùng phèo, mắt thì hoa lên, đầu óc bùng nhùng như ai cầm trống cơm đứng gõ nhịp trong tai vậy. Tôi và các anh em nằm phơi nắng, chốc chốc lại có người đến xem, bới, nâng lên đặt xuống, trả giá, kì kèo. Chỉ phơi nắng thôi thì cũng là sự thường, anh em tôi dầm sương dãi nắng quen rồi. Ngán ngẩm nhất là lúc hội đông người ta chen nhau, dẫm cả cái giày đầy những bẩn lên thân chúng tôi, đau điếng. Chuyến này tôi đi sớm, chưa biết lành dữ thế nào, cũng đã là may mắn hơn anh em rồi.

Tên tôi thì lạ lắm: “tuyển tập truyện ngắn Nam Cao”-  nơi  Nam Cao gửi tất cả nỗi phẫn uất, đồng cảm và khát vọng. Cha là người tình cảm lắm, nhưng cả cuốn sách chả mấy khi thấy ông đặt bút viết chữ buồn, chữ thương, chữ yêu. Cái tình cảm của cha đã vượt ra ngoài con chữ. Nhớ lúc sinh thời cha thường nói:” Sống đã rồi hãy viết, phải hòa mình vào cuộc sống của nhân dân”. Bởi thế mà những truyện ngắn của cha rất thực, là những lát cắt sống động từ chính cuộc đời truân chuyên khổ ải của ông. Cha tạo ra tôi để gói ghém những mảnh đời cơ cực, những con người xấu xí, dị dạng, bần cùng; cả những nhân vật chẳng biết có còn là người hay không nữa. Họ khổ quá, nhục nhằn quá, kiếp người có bao giờ khổ đến thế này chăng? Tôi gắn liền với những giọt nước mắt: giọt nước mắt của Chí Phèo, Lão Hạc, chị Đĩ Chuột khi bị hoàn cảnh dồn tới đường cùng; giọt nước mắt chua chát của Hộ, của Thứ- những trí thức bị thời đại bỏ quên. Và cả giọt nước mắt của bạn đọc rơi xuống lòng tôi. Chao ôi! Kì diệu thay ông trời tạo ra giọt nước mắt- “hạt châu của loài người”. Tôi sinh ra để lên tiếng cho nỗi khổ đau, thì làm sao mà cái áo tôi nó màu hồng như thằng sách ngôn tình kia được. Các sách mĩ miều khác hay khinh khỉnh hỏi tôi rằng cuối cùng số phận của con trai Lão Hạc, cái bụng bầu của Thị Nở, sự nghiệp của Hộ, của Thứ,  gia đình của Dần, của Nhu, của Dì Hảo, mụ Lợi... sẽ đi về đâu. Tôi chỉ cười, tôi làm sao mà biết được. Cha tôi viết như thế, để bạn đọc có đất tưởng tượng, kiến tạo, hiểu sách, hiểu cha tôi và hiểu cả chính lòng mình. Cái ngày ấy đã xa rồi, đã thành một thời để nhớ. Nhưng người ta vẫn đọc, vẫn yêu truyện ngắn Nam Cao. Quá khứ chính là bệ phóng để kiến tạo hiện tại và tương lai.

Tạch... Tạch... Giọt nước mắt của cô chủ rơi xuống lòng tôi, mặn đắng và rất đẹp. Tôi tự hào vì cuộc đời đã cho tôi trở thành một cuốn sách cũ nát. Để hôm nay có thể đủ can đảm nói ra rằng giá trị của cuốn sách không nằm hoàn toàn ở tấm bìa hay những con chữ, mà sống dậy ở những giá trị nhân văn tốt đẹp mà chúng gợi mở cho con người.

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top