Giỏ hàng

[Chuyện Của Sách] Làm Thế Nào Để Con Người Sống Hạnh Phúc

BÀI DỰ THI 90:

Họ tên: Lê Vũ Hoài Liên

Chuyện của sách  “Dám bị ghét” - Kishimi Ichiro và Koga Fumitake

------ 

Tôi thích được nâng niu trên bàn tay mềm mại của cô chủ nhỏ, người lật từng lớp áo khám phá dòng tri thức trong tôi. Tôi thương những người bạn bên cạnh, lắm khi gối đầu lên nhau trong những cuộc trò chuyện ấm áp. Và hơn tất cả, tôi yêu dáng vẻ tự tin của mình trong mỗi ánh nhìn hướng về phía trước, bởi cái vật tráng bạc kia đang phản chiếu lung linh một hình ảnh mà nó hứng trọn, chính là bản thân tôi trong vẻ đẹp chân thực nhất. 

Tôi mến biết bao đôi mắt long lanh ngời sáng lên tên hai người cha ở xứ xở anh đào Nhật Bản đã tâm huyết tạo nên tôi, Kishimi Ichiro và Koga Fumitake, và tôi cũng đầy tự hào khi dòng tên “Dám bị ghét” của mình hiện lên rõ ràng trên chiếc áo choàng ấm áp, với đường chỉ thêu hình hai chiếc ghế trong buổi đàm đạo thân mân mật của hai vị cha đáng kính.

Tôi luôn cảm thấy may mắn khi được trưng bày ở một vị trí “đắc địa”, đứng kiêu hãnh ở phía đối diện với chiếc gương, một vật mà khi nhìn vào, diện mạo của tôi được phản chiếu một cách hoàn hảo. Thế nhưng tôi biết rằng, người ta có thể chỉ tốn vài phút để ngắm nghía vẻ đẹp bên ngoài, nhưng lại tốn rất nhiều năm để hiểu rõ được bản thân, và không ai có thể hiểu mình hơn chính bản thân người đó. Vì vậy, tôi luôn dành nhiều thời gian cho bản thân, và tôi đã biết, khi tấm áo choàng của tôi hé mở cũng là lúc dòng sông tri thức tuôn chảy, mang đến những tư tưởng cốt lõi của Alfred Alder, một trong “ba người khổng lồ của tâm lý học” sánh ngang với Freud và Jung, qua hình thức “cuộc đối thoại giữa Chàng thanh niên và Triết gia”. Đây chính là những tri thức mà cha Koga Fumitae đã đúc kết từ những cuộc đàm đạo với cha Kishimi Ichiro, và vận dụng thể loại đối thoại trong triết học Hy Lạp cổ điển để thổi vào tôi một tâm hồn độc đáo.

Tôi cảm nhận được giá trị đích thực mà mình đem đến, chính là câu trả lời đơn giản cho câu hỏi mang tính triết học “Làm thế nào để con người sống hạnh phúc?”. Tất nhiên, mỗi nét mực trên tấm áo của tôi, ai cũng có thể thưởng thức, và ngay cả chiếc gương trên tường kia cũng bắt trọn từng nét chữ thân thuộc. Tuy nhiên, việc lĩnh hội và vận dụng tri thức đó ra sao quả thật là vấn đề lớn, bởi mỗi người sẽ có cái nhìn khác nhau về tôi, và vì vậy, đáp án chính xác cho câu hỏi bên trên cũng sẽ dần hiện lên trong người đọc, chứ tôi không đưa ra sẵn bất kì câu trả lời nào. Sự kiên nhẫn trong quá trình nâng niu thưởng thức từng dòng chữ sẽ được đền đáp bằng cảm giác thỏa mãn với lời giải đáp cho những thắc mắc lớn từ chính bản thân người đọc.

Tôi biết, thật khó tin khi bảo việc sống hạnh phúc rất đơn giản, và chẳng phải đã có biết bao lời khuyên được đưa ra để dễ dàng tìm đến hạnh phúc hay sao. Tôi tin mình đủ sâu sắc để tạo dấu ấn trong lòng người đọc, bởi những giá trị của tôi không chỉ là liều thuốc nhất thời, mà con người sẽ thay đổi tư duy và vận dụng nó trong mỗi phút giây của quãng đời dài. Nếu tấm gương kia phản chiếu hình dáng bên ngoài, thì lớp áo của tôi sẽ là tấm gương đặc biệt làm nổi bật những chiều hướng suy nghĩ bên trong, để bạn hiểu rõ chính mình ở hiện tại và tìm ra con đường đúng đắn nhất.

“Gương kia ngự ở trên tường, thế gian ai đẹp được dường như ta?” là lời mà mụ hoàng hậu độc ác đã luôn hỏi chiếc gương thần trong cổ tích với hi vọng nhận được câu trả lời là chính ả ta. Nhưng chiếc gương trong tôi không đánh giá suy nghĩ của bạn, tôi chỉ dẫn bạn đến cánh cửa hạnh phúc, còn việc can đảm bước qua hay từ chối, là ở chính bạn.

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top