Giỏ hàng

[Chuyện Của Sách] Nguồn Cơn Quyết Định Một Người Là Ai

BÀI DỰ THI 108:

Họ tên: Phù Dung

Chuyện của sách “Suối nguồn”-Ayn Rand

----------

Trước hết tôi sẽ giải thích cho bạn biết tên tôi “Suối nguồn” có nghĩa là nguồn cơn quyết định một người là ai, sống như thế nào và tôi sẽ ở bên bạn trong lúc bạn đang loay hoay tìm kiếm giá trị của bản thân mình. Người phụ nữ đã tạo ra tôi đó là một nhà văn, triết gia người Mỹ gốc Nga- Ayn Rand. Bà đã sử dụng tôi như vũ khí để tấn công vào thế giới tư tưởng của con người để giành lấy cho mình một chỗ đứng dù khiêm tốn nhưng đầy kiêu hãnh mang tên chủ nghĩa cá nhân. Mặc dù được lấy bối cảnh là xã hội Mỹ những năm đầu thế kỉ 20 nhưng cho đến tận thời điểm này, những con người, cuộc đời trong tôi vẫn còn nguyên giá trị biểu tượng mà bạn có thể bắt gặp trong cuộc sống xung quanh mình.

Tôi là một cuốn tiểu thuyết nặng ký cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng với độ dày gần 1200 trang chứa đựng thứ văn chương bác học được cho là khó đọc. Có lẽ bởi điều này mà nhiều người không bị thu hút bởi tôi và không đủ kiên nhẫn để trải nghiệm hết thế giới phức hợp mà Ayn Rand đã dày công trang bị cho tôi. Mặc dù nội dung mang nặng tính triết lý nhưng không vì thế mà tôi khô khan, nhàm chán bởi những tình tiết hấp dẫn đã cuốn hút người đọc phải dõi theo mạch truyện về tình yêu, công lý, sự nghiệp, tinh thần cấp tiến và sự bảo thủ, cái tôi và đám đông để tìm ra cho mình một lựa chọn sống. 

Tôi sẽ dẫn dắt các bạn khám phá bốn nhân vật đại diện cho bốn lối sống khác nhau trong cùng một vở kịch cuộc sống: Peter Keating- một người ngay từ đầu đã từ bỏ “cái tôi” để có được sự công nhận của đám đông . Ellsworth M. Toohey- một người thao túng đám đông. Gail Wynand- một người sinh ra trong cơ cực phải vươn lên bằng cách vật lộn để che giấu “cái tôi”.  Và cuối cùng là nhân vật chính cũng là nhân vật mà Ayn Rand muốn thông qua gửi gắm triết lý sống theo chủ nghĩa cá nhân một cách lý tưởng của bà – Howard Roark, một kiến trúc sư tài ba đã kiên định “cái tôi” đến cùng cho dù phải đấu tranh với đám đông và những rào cản của truyền thống mà anh cho rằng đã kiềm hãm sự phát triển của loài người. Đây là nhân vật được lấy hình mẫu từ kiến trúc sư vĩ đại nhất nước Mĩ- Frank Lloyd Wright. Và nhân vật này đã chỉ ra sứ mệnh của sự tự do sáng tạo đã đưa loài người đến với thế giới văn minh ngày nay, dù cho phải vật lộn trong suốt chiều dài lịch sử, nhưng những cá thể đặc biệt vẫn vươn lên và chứng minh được sức mạnh của “cái tôi” sáng tạo trong mỗi con người.

 Bạn là người đi theo chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa tập thể? Nói cách khác, bạn yêu thích những gì mình làm và sẽ đấu tranh đến cùng để trở thành người mà chính bạn mong muốn, hạnh phúc và thành công phải theo cách bạn định nghĩa hay bạn cần sự kiểm chứng của đám đông và làm gì cũng phải theo tiêu chuẩn của đám đông? Có sự lựa chọn nào giữa cả hai? Mỗi nhân vật trong câu chuyện đều đã đưa ra lựa chọn sống của mình, mỗi lựa chọn đều có ánh hào quang và những góc tối riêng. Cuộc chiến bảo vệ quan điểm của bản thân mới tạo nên sức sống thực sự của câu chuyện. Tôi tin rằng giá trị của tôi đã được thời gian kiểm chứng và đặc biệt là những người trẻ khi có tôi trong tay có thể phần nào trở nên vững tâm, can đảm hơn, góp phần sức lực, tài năng và sự sáng tạo của mình để kiến thiết đất nước, xa hơn là giúp cho xã hội loài người vươn đến những tầm cao mới. 

   Sau cùng, tôi xin chân thành cảm ơn những bạn đọc đã luôn ủng hộ và lắng nghe tiếng lòng của tôi, chúc các bạn tìm thấy bản thân mình giữa thế giới bao la, kì diệu này!

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top