Giỏ hàng

[CUỘC THI VIẾT ONLINE] Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu

[BÀI DỰ THI 004]
Họ tên: Nguyễn Thị Hải Yến
Cuốn sách cùng bạn trưởng thành: Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu – Rosie Nguyễn

----------------------------

Tân Yên, ngày 25 tháng 8 năm 2019
Gửi Hải Yến cuả quá khứ,
Hải Yến à, còn nhớ trước đây bạn là người như thế nào không? Để tôi kể cho bạn nhớ. Trước đây bạn là một đứa không mục tiêu, không đọc sách, chỉ có một suy nghĩ học thôi là đủ. Vậy mà nhờ một lần tò mò bạn đã mở ra cho mình một cánh cửa giúp mình trở nên tin vào mình, giúp gia đình tin bạn hơn. Điều làm nên bạn của hôm nay một phần góp sức là nhờ “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” của tác giả Rosie Nguyễn.

“Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” là cuốn sách tôi vừa đọc năm nay, năm tôi bước sang tuổi 18 và cũng là cuốn sách khiến tôi nhận ra đọc sách quan trọng đến nhường nào. Tôi của trước đây là một đứa cầm sách lên chỉ biết ngáp ngắn ngáp dài, không chút hứng thú với sách. Cô giáo dạy văn của tôi năm lớp 9 - một người cô đầy tâm huyết, là người truyền lửa cho học sinh học văn. Và vì vậy mà một đứa đọc văn hay buồn ngủ như tôi mới biết viết văn là thế nào?

Viết văn là trải lòng mình trên trang giấy- cô dạy chúng tôi như vậy. Thực sự tôi cũng chỉ nghĩ là học văn chỉ để thi, học văn bản và viết cảm nhận dựa trên cách hướng dẫn của cô. Dù là giờ văn nào cô cũng nói “ học văn là học cách làm người” và giới thiệu cho chúng tôi những cuốn sách hay trong đó cuốn sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” được cô nhắc chúng tôi nên đọc rất nhiều nhưng mà tôi thì vẫn cứ suy nghĩ học văn để thi thôi mà, đọc sách làm gì mất thời gian lắm.

Cũng bởi suy nghĩ đó đã ăn mòn theo tôi nên bao năm qua chưa có cuốn sách nào tôi đọc xong, lúc nào cũng chỉ lướt bìa hứng thú chút chút khi nhìn bè bạn đọc sách. Cho đến khi, tôi mệt mỏi vì thời gian trôi đi và không làm xong mọi việc, không kế hoạch tôi đã tìm đến một nhóm dậy sớm. Mỗi ngày chị Bang chủ của nhóm đăng bài và chúng tôi vào điểm danh, ai mà vượt qua được 30 ngày dậy sớm thì sẽ được nhận một cuốn sách. Và tôi đã cố gắng, lúc nào báo thức kêu lúc 4h45 phút là tôi bật dậy vào báo cáo, quyết tâm dậy sớm để nhận quà. Và 30 ngày cũng đã trôi qua, tôi đã làm được phần thưởng của tôi là cuốn sách “tuổi đáng giá bao nhiêu?”.

Thực sự là tôi cũng không muốn đọc lắm vì lười đọc sách, cuốn sách đã được để nguyên bao bì lên kệ 1 năm, cho đến khi sự tò mò của tôi xuất hiện khi thi xong, tôi nghĩ cuốn sách có gì thú vị mà cô giáo lại giới thiệu nhiều lần thế nhỉ? Mình cũng vừa ôn thi xong, thôi thì bỏ ra đọc thử xem nó có gì?
Và rồi khi tôi vô tình đọc bìa sau của cuốn sách thấy có nhà báo nhận xét “ Nếu tôi còn ở tuổi đôi mươi, hẳn tôi sẽ đọc tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu nhiều hơn một lần.” Đó chính là điều làm cho tôi càng tò mò hơn. Và đúng là “tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” của tác giả Rosie Nguyễn đã làm tôi thỏa mãn rất nhiều câu hỏi.
Những câu hỏi mà tôi luôn thắc mắc rằng mình nên làm gì khi là sinh viên? nên học hỏi như thế nào? Hay có phải lúc nào mình cũng sai và cha mẹ luôn đúng?... Tôi đã tìm được câu trả lời, tôi đã tìm được cái nút thắt mà trong lòng tôi bấy lâu nay tôi muốn gỡ, tôi đã biết mình cần phải làm gì? Tôi vẫn cứ tâm đắc câu hỏi của tác giả Rosie Nguyễn trong sách “Ta chỉ có một cuộc đời để sống. Sao không làm những điều thực sự có ý nghĩa với bản thân?” Câu hỏi ấy như làm tôi bừng tỉnh, tôi tự hỏi “ Rốt cuộc 18 năm qua tôi đã sống thế nào? và bây giờ tôi sống thế nào?” Câu hỏi ám ảnh ấy đã vớt tôi khỏi một đám bùn đen suốt 18 năm nhạt nhòa, học nhàng nhàng không mục tiêu. Nó đã thúc giục tôi, đẩy tôi đi và tôi đã bước ra khỏi cái mác tôi được gắn bao năm “ ngoan ngoãn, lễ phép, nghe lời”. Thật ra nói vậy thì hơi quá, tôi đôi lần vẫn phản ứng trước ý kiến của mẹ nhưng nếu mẹ gay gắt phân tích thì tôi cũng đồng tình theo.
Nhưng rồi…
Có một lần tôi được mời tham gia ngày tư vấn hướng nghiệp ở một trường đại học, tôi rất hứng thú, rủ được cả bạn đi cùng, bạn ở Hà Nội đón, nhưng mẹ không cho đi. Chỉ bởi một lí do là tôi chưa bao giờ đi đâu xa một mình mà không có mẹ đi theo. Vậy là hôm đó tôi đã năn nỉ mẹ đủ kiểu nhưng mẹ không đồng ý, cuối cùng tôi đã nói mẹ hãy cho con quyết định theo ý con một lần này thôi.

Mẹ tôi vẫn không bằng lòng nhưng mà vẫn cho tôi đi vì nếu mẹ không cho tôi đi thì tôi vẫn sẽ đi, tôi đã nói vậy, tôi biết tôi làm tổn thương mẹ nhưng mà nếu tôi không bước ra khỏi cái lồng mà tôi đặt cho mình thì tôi không bao giờ trưởng thành được. Vậy là tôi đi, tôi đã trưởng thành trong chuyến đi đó, tôi biết tự bắt xe ra sao, sang đường, nhìn bến xe chỗ nào mà bắt…

Và các bạn biết chuyện gì sau nữa xảy ra không? Ngày ra lấy giấy trúng tuyển vào đại học tôi đã đi một mình ra chỗ anh tôi rồi anh đưa tôi ra trường. Mẹ tôi đã tin tôi, điều đó khiến tôi vô cùng ngạc nhiên khi tôi hỏi mẹ, mai con ra nộp giấy rồi con lấy giấy trúng tuyển mẹ không phải ra ngay đâu. Vì mẹ tôi say xe nên tôi cũng không muốn để mẹ đi cùng. Và mẹ tôi chỉ bảo “Ừ, sang đường nhớ cẩn thận.” Tôi cảm thấy rất rất vui vì có được sự ủng hộ , tin tưởng của mẹ điều mà tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới.

Câu chuyện của tôi có thể bạn nghĩ nó có vẻ đơn giản vì chỉ đơn thuần là chuyện bắt xe buýt nhưng với tôi nó là cánh cửa mở ra để tôi sống cuộc đời theo bản thân tôi muốn. Quả thật tác giả Rosie Nguyễn đã thay đổi tư duy trong tôi, tôi biết rằng mình mới là người quyết định cuộc đời mình, không ai sống thay cho mình được và mình phải chịu trách nhiệm với quyết định đó, đã có gan làm phải có gan chịu. Không ai ngăn cản được bạn làm những điều bạn muốn, nếu bạn không làm thì chỉ là khao khát của bạn chưa đủ lớn.

Giờ đây, trong giây phút hiện tại, tôi biết ơn tôi của quá khứ vì đã dám một lần bước ra cái khuôn mà mình luôn bó hẹp cho chính mình. Tôi sẽ nhớ rằng tôi của quá khứ đã rất cố gắng và tôi của hiện tại phải cố gắng hơn nữa.

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top