Cuốn Sách Truyền Cảm Hứng - Bác Sĩ Cuối Cùng Dưới Tán Hoa Anh Đào
BÀI DỰ THI 75:
Họ tên: Taurus
Cuốn sách: Bác sĩ cuối cùng dưới tán hoa anh đào - Atsuto Ninomiya
---
TOKYO MÙA HOA ANH ĐÀO, LIỆU CẬU CÒN NHỚ
Khi 2 người bác sĩ với 2 tư tưởng đối lập nhau vậy đâu mới là cái đúng?
Với nhiệt huyết cháy bỏng, muốn cứu lấy bản thân, khăng khăng ôm lấy cái gọi là "kỳ tích", vậy những người bệnh chỉ khao khát được sống bên cạnh gia đình vào những ngày cuối đời thì phải làm sao?
Ngược lại, với những bệnh nhân muốn được chiến đấu với bệnh tật để có được cuộc sống bên cạnh người thân lúc về già xong chết đi như bao người thì lại được phán một câu từ bỏ vì không thể chữa trị được nữa thì họ phải thế nào?
Thực ra lúc đầu tôi đọc cuốn sách này cũng chỉ đoán rằng "Chắc đây lại là một cuốn sách nhàm chán". Nhưng thực tế thì không. Tôi càng đọc, tôi càng bị cuốn hút bởi nội dung cuốn sách. Nhiều hôm tôi thức đến 12 giờ đêm chỉ để đọc quyển sách này. Có đứa bạn hỏi tôi rằng "cuốn sách này còn tốt hơn cả giấc ngủ của mày hay sao mà tao thấy mày đọc suốt ngày đêm vậy?". Tôi cười và bảo " Đúng vậy! Nó hay lắm". Nó hay ở chỗ nhà văn đã cho vào đó biết bao nhiêu cảm xúc khiến cho có những đoạn độc giả đọc mà phát khóc.
"Bác sĩ cuối cùng dưới tán hoa anh đào" của tác giả Atsuto Ninomiya là cuốn tiểu thuyết tâm lý- y học mà tôi được anh họ tặng nhân dịp sinh nhật.
Ngoài phần mở đầu ngắn, cuốn sách này gồm ba chương tương ứng với ba cái chết đặc biệt của nhân viên văn phòng, cô sinh viên và bác sĩ.
Ung thư hay các bệnh về thần kinh, chỉ nghe đến tên thôi là chắc hẳn chúng ta đã thấy sợ. Nhưng đối với những người bệnh bị những bệnh đó, họ còn sợ hơn. Họ sợ khi mình mắc những căn bệnh đó thì gia đình mình sẽ như nào, tương lai của mình liệu còn tươi sáng không, nếu mình chết đi sẽ có điều gì xảy ra….
Ở đây, ta được gặp hai nhân vật chính. Viện phó Fukuhara, với tình yêu nồng nhiệt dành cho bệnh nhân, sẵn sàng giành lại sự sống cho bệnh nhân. Còn Kiriko , người được mệnh danh là x tử thần" luôn đi khuyên nhủ những con người bị mắc bệnh hiểm nghèo ngừng điều trị và trở về sống hạnh phúc bên gia đình vào những ngày cuối đời.
Hai con người đó, hai tư tưởng khác nhau nhưng hơi đều chung mục đích: mong những điều tốt đẹp đến với bệnh nhân
Cách viết của tác giả vô cùng chân thực, giúp cho người đọc cảm nhận được một cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân là vô cùng ác liệt. Hơn thế nữa đó còn là sự yêu thương, sự sẻ chia,...
Còn lý do mà tôi muốn cho quyển sách này vào chiếc hộp thời gian 2020 ư? Rất đơn giản. Trước tiên đó là món quà mà người anh họ mà tôi quý nhận đã tặng cho tôi. Tiếp đến là những bài học tôi rút ra được sau khi đọc cuốn sách này. Con người đến khi sắp phải ra đi rồi thì họ mới cảm thấy hối hận vì đã không quan tâm gia đình, không cố gắng hơn nữa. Từ đó tôi mới trở nên yêu đời hơn. Bởi tôi hiểu được rằng, hãy sống hết mình cho ngày hôm nay. Cuộc đời chúng ta không biết trước được điều gì, vì thế hãy làm những việc mình thích, quan tâm gia đình hơn. Để rồi sau này ta không phải thốt lên hai từ "giá như". Tôi mong rằng bản thân mình của tương lai sẽ luôn sống hết mình để đạt được mục tiêu mà tôi đã đề ra. Và cũng mong tất cả những người tôi yêu quý được sống một cuộc sống khỏe mạnh, luôn bình an và vui vẻ.
Chiếc hộp thời gian của tuổi 15, liệu cậu còn nhớ. Khi cậu mở chiếc hộp này cũng là lúc cậu 25 tuổi, cậu có còn nhớ đã hứa gì không? Liệu ước mơ du lịch Nhật Bản của cậu đã thành hiện thực chưa? Liệu cậu đã ngắm được loài hoa của đất nước mặt trời mọc chưa? Liệu cậu đã quan tâm gia đình chưa? Liệu cậu có làm việc quá sức dẫn đến ngủ quên trên bàn làm việc như hồi nhỏ nữa không? Dù gì đi nữa thì hãy giữ lấy sức khỏe của mình đi, đừng thức khuya, uống cà phê nữa nhé, không tốt đâu. Chăm lo cho bản thân và quan tâm gia đình nhiều hơn đi. Mình mong rằng đến lúc đó mình sẽ thấy được sự thay đổi to lớn của cậu. Mình sẽ vẫn dõi theo sự trưởng thành của cậu.