Giỏ hàng

Cuốn Sách Truyền Cảm Hứng - Bố Con Cá Gai

[BÀI DỰ THI 201]
Họ tên: Khánh Lê
Cuốn sách cùng bạn trưởng thành: Bố con cá gai - Cho Chang - in


Gửi tôi của tuổi 30,

Nếu khi về nhà, cô đã dọn ngăn bàn lộn xộn của mình, thì cô sẽ thấy món quà này. Không biết cô 10 năm sau đang sống thế nào, nếu đau khổ, chán chường, hãy nhận lấy nó để tiếp thêm sức sống, nhưng nếu cô hạnh phúc,... cũng hãy nhận lấy nó, như một lời cảm ơn đến tôi bây giờ nhé.

“Ngày XX, tháng X, năm 2019.
“Tôi đứng trước gương của ngày hôm nay, không phải là tôi của ngày hôm qua. Tôi đứng tước gương của ngày mai , cũng không còn là tôi của ngày hôm nay nữa rồi.”

Cứ một ngày qua đi, tôi càng khác đi một chút. Tôi có ước mơ hơn, yêu đời hơn, cũng trở nên trầm lắng hơn, ưu tư hơn. Nhưng đôi khi, giống người lạc đường trong rừng thẳm, nơi chỉ có những thân cây thẳng tắp và ánh mặt trời loang lổ, tôi chỉ có tôi và cái bóng của mình, không hướng đi, không mục đích, không lời chỉ dẫn. Như một tòa lâu đài trống rỗng, nơi mọi cơn gió đều có thể đi qua, đầy hoài nghi và trống trải. Lúc chơi vơi như thế, tôi gặp được một “người bạn”. “Cậu ấy” dịu dàng, ấm áp và mang theo một nỗi buồn sâu lắng, day dứt. Và quan trọng, “cậu ấy” đã chỉ cho tôi một con đường. Như là người thầy của tôi, “cậu bạn” ấy_ đứa con tinh thần của Cho Chang-in - cuốn sách “Bố con cá gai”, đã dạy tôi trưởng thành.

Tôi gặp “cậu” trong một buổi chiều mưa. Đó là một ngày ẩm ướt trong chuỗi ngày ẩm ướt của mùa mưa, tôi cùng với cô bạn cùng phòng dạo tiệm sách. Khi gặp “cậu”, tôi phải lòng ngay bởi màu bìa vàng trắng nhẹ nhàng. Hình ảnh người đàn ông với bờ vai rộng, cõng cậu bé nho nhỏ trên lưng, bước đi trên đường rải đầy lá rẻ quạt. Tôi nghĩ, đây chắc hẳn là câu chuyện thật đẹp và ấm áp. Cô bạn cùng phòng thấy tôi yêu thích không buông tay, liền nhắc khẽ: “Mày phải có một trái tim sắt đá, mới có thể đọc hết được cuốn sách này.” Tôi nghi ngờ.

Nhưng “cậu ấy” vẫn nằm trong cặp tôi khi bước ra khỏi hiệu sách. Trời Sài Gòn thật lạ. Cơn mưa đến một cách bất chợt, nhưng đi cũng bất chợt. Vội vàng như người Sài Gòn vậy. Tôi về đến ký túc xá, ngồi trước cửa sổ đầy nắng, không chờ đợi được mà tìm hiểu “cậu ấy”.

Bạn tôi nói không sai. Có lẽ, tôi phải “hóa đá”, mới không cảm thấy đau lòng.

“Bố con cá gai” kể cho tôi nghe câu chuyện của bố con Daum. Daum, cậu bé con mới lớp 3, bị mắc căn bệnh ung thư tủy sống quái ác. Chắc có lẽ, nó sẽ là một câu chuyện khiến người ta tiếc thương, hoặc tiếp cho ta thêm nghị lực sống, khi nhìn thấy quá trình cậu bé con ấy đấu tranh với bệnh tật và chiến thắng nó. Nhưng, nếu dừng lại ở đó, thì “cậu ấy” cũng sẽ chỉ là một cuốn sách truyền nghị lực sống bình thường. Có thể làm tôi cảm khái, nhưng sẽ không đủ để rung động. Nhưng “cậu” không như vậy. Điều làm nên sự đặc biệt cho “cậu bạn” của tôi, đó là nhân vật bố của Daum. Ông Bố cá gai. Với người đàn ông ấy, dường như cả thế giới đều co lại, chỉ nhỏ bằng Daum bé bỏng. Như một ông bố cá gai thực thụ, ông sẽ chết, nếu Daum ra đi.

“Cậu bạn” của tôi thật biết cách kể chuyện. Khi tưởng như Daum bé nhỏ đã được cứu sống, hai bố con đã có thể ngẩng đầu lên nhìn ánh sáng mặt trời, thì cuộc đời lại đẩy họ đến phía bờ vực thẳm, sâu hun hút.
Cả câu chuyện này, mở đầu làm tôi hồi hộp, chờ mong, ở giữa khiến tôi bất bình, khó chịu, và cuối cùng, xé rách trái tim tôi, mỗi khi nghĩ tới.

Đọc xong “Bố con cá gai”, giống như tấm ngăn trong khối óc biến mất, mọi ký ức tràn về như thác lũ. Những lúc ba gọi tôi xem bóng đá cùng, mẹ gọi tôi dậy sớm ăn cơm, ba gọi tôi cùng ngồi uống trà, mẹ cằn nhằn khi tôi lười biếng, tiếng ba mẹ trong căn bếp, phòng khách, phòng ngủ, ba chột dạ khi mẹ kiếm ra quỹ đen, mẹ đau lòng khi xem phim truyền hình, ba dài dòng dặn khóa cửa trước khi ra khỏi nhà, mẹ cầm cây chổi mỗi khi tôi đi chơi về muộn, bài tập điểm thấp giấu trong ngăn bàn, tưởng kín kẽ nhưng vẫn bị mẹ phát hiện, mẹ luôn chê tôi nhưng bao giờ cũng nở nụ cười, ba luôn cầm kết quả của tôi đi khoe khắp công ty, hai chị em cãi nhau, tôi đều là người phải xin lỗi, mẹ nặng lời khi tôi lông bông, ba chảy nước mắt khi biết tôi trốn học, mẹ khóc rất nhiều khi tôi có kết quả đại học không như mong muốn, ba thở dài, động viên tôi cố lên, chị bảo vệ tôi khi làm điều dại dột, ba mẹ lo lắng đến không ngủ được cho tương lai của tôi...

Như một cuốn phim quay chậm, nhìn lại mình đã không biết quý trọng như thế nào. Tôi hối hận. Ba mẹ tôi, cũng như Bố cá gai thôi, sẵn sàng làm tất cả, để cho tôi được sống.

Tôi cứ như người nghèo đói ôm chặt lấy “con bò” của mình. Luôn cho bản thân lời ngụy biện khi làm sai, vì nghĩ cuộc đời còn mở cho tôi nhiều cánh cửa. Nhưng sau khi đọc “Bố con các gai”. Tôi mới biết, chỉ mới đây thôi, khi mình nghĩ cuộc đời sao dài thế, thì ngay sau đó, mình chẳng còn cơ hội để nhìn thấy những người thân yêu thêm một lần nào nữa. Tôi đã sống gần một phần ba cuộc đời, nhưng lại không thể hiểu chuyện bằng một góc của Daum. Chắc có lẽ, cuộc đời quá suôn sẻ, khiến cho tôi ảo tưởng rằng mình đã có mọi thứ. Trong khi đã đạp lên kỳ vọng của ba mẹ, trốn trong vỏ ốc của mình, không chịu thò đầu ra.

“Bố con cá gai” mang lại cho tôi cảm giác rất kỳ lạ, “cậu ấy” làm tôi đau lòng, làm tôi mỉm cười, cũng làm tôi xấu hổ trước cậu bé Daum bé bỏng. “Cậu ấy” nhắc nhở tôi, không thể như thế này được nữa. Trước kia tôi tự ti vì không bằng bạn bằng bè, nay tôi đứng dậy, học ngoại ngữ, học tin học, kiếm việc làm thêm, khiến bản thân tôi trở nên có giá trị. Trước kia tôi chỉ lo cho bản thân mình, nay tôi quan tâm đến ba mẹ nhiều hơn, gọi điện cho họ nhiều hơn, để họ yên tâm. Trước kia cái “tôi” của tôi quá lớn để chịu chấp nhận là mình sai, nay hiểu bản thân mình hơn, chấp nhận thực tại, không mơ mộng hão huyền nữa. Tôi tập thể dục nhiều hơn, yêu cuộc sống nhiều hơn, nghĩ thoáng hơn, ít dằn vặt mình bằng suy nghĩ tiêu cực, và dũng cảm đối mặt với mọi chuyện. Dù chưa dũng cảm bằng Daum bé bỏng, nhưng tôi cũng sẽ cố gắng như thế.

Phóng khoáng, tự do, dũng cảm, mỉm cười tươi tắn với thế gian!
Và, cảm ơn cậu. “Bố con cá gai” ạ.”

“Phóng khoáng, tự do, dũng cảm, mỉm cười tươi tắn với thế gian.”
Vậy, cô đã trở thành người như tôi và cô mong muốn chưa, cô bé của 10 năm sau?

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top