Giỏ hàng

Cuốn Sách Truyền Cảm Hứng - Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ

BÀI DỰ THI 110:
Họ tên: Zin
Cuốn sách: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ - Nguyễn Nhật Ánh
---
Ngày 29 tết âm lịch năm 2030…

Tôi lụi cụi lau nốt bộ bàn ghế gỗ ở phòng khách, tết năm nào cũng như đánh vật với đống hoa văn chạm khắc này. Vẫn còn đống đồ lỉnh kỉnh ở trong kho chờ giải quyết nữa, bảo là nghỉ tết mà cuối cùng còn mệt hơn đi làm. Cái kho bé như mắt muỗi mà sao lắm thứ thế không biết: những hộp các tông sao chẳng chịu bán đồng nát luôn đi, mấy cái chổi với cây lau nhà hỏng rồi còn để lại làm gì, rồi chai lọ, quần áo cũ… cứ nhét hết vào để giờ lại phải lôi ra dọn dẹp. Rồi cái hộp gì đây nữa, cũ kỹ bám dày cả mảng bụi, nhìn như đồ của cả thập kỷ trước rồi. Tôi tháo găng tay, mở hộp ra coi thử. Bên trong là cuốn truyện: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh kèm một phong thư nhỏ. Trời ạ, đây chẳng phải món quà tôi gửi tặng mình năm 30 sao? Nó đến vào những ngày cuối cùng của tuổi 30. Kì diệu thật!

Mở bức thư, tôi đọc…

“Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2020

Gửi mình, Hạnh tuổi 30.

Mình không biết món quà này có thể giữ được sau 10 năm hay không, mong cậu đọc được nó khi đã ở tuổi 30, không cần sớm hơn nhưng cũng đừng quá muộn.

Mình sẽ chẳng hỏi cậu những câu kiểu: bây giờ cậu làm gì, đã cưới ai, có mấy con rồi, mọi người trong gia đình như thế nào… những câu chuyện tương lai mình chẳng hề muốn mà cũng không biết được. Mình viết bức thư này để nhắc cậu nhớ về tuổi 20 của chính mình ra sao.

Giờ thì khoan đọc tiếp, hãy đọc cuốn truyện kia trước nhé.”
Tôi buông lá thư, cầm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” lên đọc một lèo. Tôi không nhớ trước đây đã đọc nó bao nhiêu lần nhưng lần nào đọc tôi cũng bật lên cười nắc nẻ, thấy gần gũi, thân thương, thấy chính mình trong ấy…

Đọc xong bài thơ kết truyện, tôi lại cầm vội vào lá thư, nóng lòng muốn biết mình viết gì vào năm ấy.

“Cậu đã đọc xong rồi chứ? Mình cá là cậu lại cười. Còn tại sao mình muốn gửi tặng cậu quyển truyện này?

“Bạn có thể trở về thăm lại thời thơ ấu của mình bất cứ lúc nào, hay nói khác đi lúc mà bạn nhận ra rằng thỉnh thoảng tắm mình trong dòng sông trong trẻo của tuổi thơ sẽ giúp bạn gột rửa những bụi bặm của thế giới người lớn một cách diệu kỳ.”

Nhưng thời gian mà mình muốn đưa cậu trở về là mình - Hạnh của tuổi 20 - thời gian chông chênh nhất với mình, và có thể là với cậu tuổi 30 nữa. Cậu liệu có còn nhớ những tháng ngày ấy không? Khi cậu bắt đầu bước vào cái tuổi trưởng thành, với đủ những vấn đề tâm lý và bắt đầu hành trình chữa lành đứa trẻ bên trong. Gia đình khi ấy với cậu từng là nỗi sợ hãi, ngôi nhà với cậu từng như nhà tù, người yêu thì bỏ cậu để yêu người khác. Đó là những sáng tỉnh dậy vô định và trống rỗng. Đó là những chiều đôi chân chệch choạng và hoang hoải. Đó là những đêm khóc rưng rức ướt đẫm gối nằm. Nỗi sợ hãi vây lấy cậu từng phút, cảm giác hoang mang, mất định hướng trùm kín lên người khiến cậu không sao thoát ra khỏi… Khao khát được giải phóng, được tự do, được biết, được hiểu bản thân rằng mình là ai, mình xuất hiện trong cuộc đời này làm gì, mình phải làm gì để vừa là đứa con ngoan lại vừa được sống như những gì mình muốn… cứ kêu gào, la hét trong đầu như muốn nổ tung... Cậu liệu có còn nhớ hay không?

Tại sao mình lại muốn nhắc cậu nhớ về những mảng ký ức buồn này? Là để khen cậu, và cũng là khen chính mình. Bởi chúng ta đã dũng cảm lắm Hạnh ạ. Khi cuộc sống dường như chỉ còn là một màu đen tối, mình đã không chọn cách kết thúc cuộc đời như một sự giải thoát hèn nhát và trốn tránh. Chúng ta đã cứ đi, lần mò trong cái đêm đen ấy chỉ với đúng một niềm tin rằng cuối con đường là ánh sáng. Và chúng ta đã đúng, nghe theo tiếng trái tim chưa bao giờ là sai Hạnh ạ. Khi ngồi viết những dòng này cho cậu, nỗi sợ hãi, những thương tổn vẫn còn, chất chồng và bừa bộn. Nhưng sự vô định đã không còn. Cuối cùng thì sau chuỗi ngày mò mẫm ấy, mình đã biết mình cần phải làm gì, mình đã hiểu được phần nào cái chênh vênh của tuổi 20. Những nỗi sợ, chúng đến từ đâu? Những tổn thương, chúng hình thành từ khi nào? Nỗi đau mang dáng hình ra sao, mình học được gì từ chúng…

Và Hạnh của tuổi 30 ơi, điều ý nghĩa nhất mà cậu của tuổi 20 học được chính là 2 tiếng “gia đình” đấy. Gia đình hóa ra không phải là một thứ kinh khủng để phải sợ hãi, ngôi nhà cũng chẳng phải là nhà tù mà cậu ngại rằng về đó là mất tự do. Bố mẹ thực ra luôn yêu thương cậu thật nhiều, chỉ là cậu có thể hiểu và cảm nhận được cách yêu đó hay không? Ai cũng có những tổn thương của riêng mình, nhưng cách họ làm là có tổn thương thế nào, thì tình yêu thương với con không thay đổi, vẫn luôn muốn dành cho con những điều tuyệt vời và tốt đẹp nhất. Ngày đó, cậu có nhớ đã bật khóc khi nghe giọng bố qua điện thoại: “ về thôi con, về ăn cơm với bố mẹ.”

Đó là những gì mà mình muốn cậu nhớ lại, muốn cậu trở về. Trở về cái tuổi 20 đầy những chông chênh, nước mắt, trở về cái tuổi mà đôi chân đã tự bước những bước đầu tiên của cuộc đời. Để nhớ rằng mình đã từng đau đớn ra sao, quằn quại thế nào. Nhưng rồi sau đó, đã mạnh mẽ và dũng cảm biết bao, đã khôn lớn dần từ những thương tổn ấy. Tuyệt vời, nhỉ?

Vậy dạo này cậu ra sao? Có thi thoảng thấy chênh vênh, trống rỗng? Có còn lang thang vô định, thả người trên cỏ hay trèo lên sân thượng uống bia? Có thi thoảng ôm chầm lấy mẹ mà bảo con yêu mẹ nhiều lắm? Có còn lắng nghe tim nói gì?

Chúc cậu một đời bình an.

Hạnh - 20 tuổi.”

Buông lá thư, mắt tôi nhòe nước, đôi tay lần tìm điện thoại ấn số của mẹ...

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top