Giỏ hàng

Cuốn Sách Truyền Cảm Hứng - Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không

BÀI DỰ THI 43:
Họ tên: Ngọ Văn Chiến
Cuốn sách: “Khi hơi thở hóa thinh không” - Paul Sudhir Arul Kalanithi.
---
From: Ngọ Văn Chiến của năm 2020
To: Ngọ Văn Chiến của năm 2021, 2022, 2023,...

Gửi tôi của tương lai, có lẽ sẽ là một chàng trai trưởng thành và mạnh mẽ hơn bây giờ. Thời điểm tôi ngồi viết những dòng này là một buổi chiều mùa đông lạnh nơi Hà Nội phồn hoa. Cũng chẳng biết nên mở đầu như thế nào? Bằng một câu chào? Một lời chúc sức khỏe? Hay một điều gì đó thật ấm áp?...
Nhưng chắc không, đầu thư là những bề bộn của chàng trai 19 tuổi. Có thật là bề bộn? Là bế tắc? Là lo âu? Hay chỉ đơn giản là cảm xúc của một cậu thanh niên mới lớn như bao bạn bè đồng trang lứa bởi những deadline, những kì thi, những mối quan hệ mới,...? Không rõ nữa! Những thứ kia có thật sự khủng khiếp khiến chúng ta phải suy sụp, đánh mất bản thân mình? Nghe có vẻ đao to, búa lớn thật đấy! Nhưng đặt lên bàn cân cùng cái chết, tôi nghĩ nó vẫn chưa là gì.

Vâng! Một chàng trai 19 tuổi-cái tuổi thật đẹp trong cuộc đời đang ngồi bàn luận về cái CHẾT. Vì sao? Vì tôi thật sự rất trân trọng sự sống. Tôi hiếm khi đề cập tới vấn đề này với bất kỳ ai, vì một chữ “sợ”. Nhưng nó có thật sự đáng sợ? Câu trả lời tôi đã tìm thấy trong cuốn sách “Khi hơi thở hóa thinh không” của bác sĩ Paul Sudhir Arul Kalanithi. Tại đây, tôi cũng xin phép gửi tới anh cuốn sách và lá thư trong chiếc hộp thời gian-nơi sâu thẳm của trái tim này.

Trong thư, tôi không muốn nhắc nhiều về nội dung cuốn sách bởi tôi tin chắc dù là 5 hay 10 năm nữa chúng ta cũng chẳng thể quên được một bác sĩ Paul kiên cường, một bác sĩ Paul mạnh mẽ và đầy nghị lực. Thứ tôi muốn chia sẻ với anh chính là những cảm xúc, những bài học, những ý nghĩa mà tôi của 2020 nhận được từ cuốn sách. Liệu trong tương lai anh có cảm nhận được điều gì sâu sắc hơn hay không? Tôi không rõ!

Tôi tự hỏi rằng khi rơi vào hoàn cảnh của Paul, liệu bản thân có đủ mạnh mẽ, đủ kiên cường, đủ dũng cảm như anh ấy? Rất khó! Chúng ta đều yêu những giây phút mình được sống, được cống hiến, hay nói trắng ra là không ai muốn chết. Paul cũng vậy! Anh kể cho độc giả nghe quá trình chiến đấu với bệnh tật của anh, luôn cố gắng, luôn hành động để có thể kéo dài thời gian. Sự sống quý giá lắm anh ạ!

Tôi của những năm sau ơi, anh có còn giữ cho mình những thói quen không lành mạnh nữa không? Xin hãy nhớ rằng: anh của tuổi 19 đang cố gắng thay đổi, cố gắng quan tâm nhiều đến bản thân mình hơn. Nhớ rằng bác sĩ Paul đã phải chiến đấu như thế nào để duy trì sự sống! Anh đã quên chưa? Anh ở cái tuổi 19 đang lên án những hành động, những việc làm của người trẻ tuổi. Anh cho rằng đua xe, vượt đèn đỏ, nghiện hút,... là những điều thật ngu ngốc! Anh bảo họ đang coi thường mạng sống của mình. Còn anh thì sao? Anh cũng từng thức đêm, nhịn ăn,... Anh nghĩ những điều đó sẽ không dẫn anh về với ông bà tổ tiên ư? Vậy nên nếu sau này còn giữ những thói quen ấy thì xin hãy dừng lại. Hãy cầm cuốn sách này lên, đọc lại nó thật nhiều lần để anh thấy rằng có những người vẫn đang cố gắng kéo dài sự sống của mình từng phút, từng giây.

Chúng ta đã từng nghe ở đâu đó một đại ý là: đọc một cuốn sách cũng như bạn đang sống thêm một cuộc đời nữa. Có lẽ khá đúng! Tôi như được hòa mình vào cuộc sống của Paul. Đặc biệt là với những đam mê của anh: một bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh nhưng lại khao khát trở thành một nhà văn. Hai lĩnh vực nghe tưởng không liên quan tới nhau, nhưng lại là ước mơ của vị bác sĩ-nhà văn ấy. Đến đây tôi phải thừa nhận rằng bản thân rất khâm phục vị bác sĩ kia. Bởi lẽ anh đã luôn cố gắng sống cho đam mê, cho lý tưởng của mình dù là cận kề trước cái chết. Cuốn sách mà tôi cất giấu trong chiếc hộp ký ức để gửi cho anh chính là tác phẩm cuối cùng mà người bác sĩ, nhà văn ấy để lại. Nó không chỉ là một quyển nhật ký nơi Paul chia sẻ về những ngày tháng anh chiến đấu với bệnh tật mà còn là cuộc hành trình anh theo đuổi đam mê của mình. Tôi của tương lai ạ! Anh có đang làm tốt mọi thứ chứ? Có vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê của chúng ta? Nếu có cảm thấy khó khăn, bế tắc xin hãy nhớ về tôi nhớ về bác sĩ Paul, nhớ rằng trước đó anh đã vất vả như thế nào!

Này chàng trai trưởng thành kia ơi, anh có nhớ khi đọc cuốn sách này tôi nghĩ đến ai không? Ừ! Là bà và bố của chúng ta! Những mảng ký ức đau buồn. Làm sao để quên được hình ảnh ấy? Hình ảnh bà đau đớn hằng đêm? Hình ảnh người mọi người trong nhà chăm sóc cho bà, đặc biệt là bố! Người cha của chúng ta đã từng thức khuya, dậy sớm, đã từng lặn lỗi đến những vùng sâu: Nghệ An, Hải Dương, Lạng Sơn,... chỉ để tìm thầy tìm thuốc. Bố của chúng ta đã từng áp lực như thế, đã từng mệt mỏi, lao đao vì kinh tế. Tôi vẫn nhớ dù có nhiều thứ phải lo âu, nhưng bố chưa từng kể lể với ai, có chăng thì cũng là mẹ. Tôi thấy bố hút thuốc nhưng không nỡ can ngăn. Bởi có lẽ đó là cách duy nhất để người đàn ông ấy giải tỏa những áp lực của cuộc sống ra ngoài. Và người vợ hiền-Lucy của Paul đã gợi nhớ tôi lại những hình ảnh ấy. Cô luôn bên cạnh, ân cần chăm sóc cho Paul, luôn đồng hành cùng anh trong mọi chuyến đi, trong quá trình trị liệu và chính cô cũng là người giúp anh hoàn thành cuốn sách này khi anh không còn nữa. Vậy nên hỡi chàng trai kia ơi, những gì anh tự nói, tự hứa với mình liệu anh có còn nhớ không? Tôi không muốn nhắc lại trong thư, vì tôi biết chúng ta sẽ không quên.

Cái chết có thật sự đáng sợ? Tôi nhớ lại câu nói của Paul với người vợ Lucy: “Anh đã sẵn sàng!”. Sẵn sàng làm gì? Sẵn sàng để được chết! Một bác sĩ nằm trên giường bệnh sẵn sàng cho cái chết của mình. Nghe có vẻ thật đau lòng, nhưng tôi lại không cảm thấy như vậy. Cách Paul đón nhận về sự ra đi của mình bình yên và nhẹ nhàng đến lạ kỳ. Tôi của những năm tháng sau này ạ! Anh hãy làm những điều mình thích, những điều mà bản thân không hối tiếc. Rồi sau này khi là một ông chú trung niên hay một ông lão tuổi xế chiều, anh hãy đừng than rằng: “Nếu ngày ấy...” Vì sẽ chẳng có một ngày nào nữa đâu! Tôi cũng vậy! Tôi cũng đang cố gắng để hoàn thành những mục tiêu của mình, để cho thanh xuân trôi qua một cách đáng nhớ nhất. Tôi cũng sẽ giống như Paul, để sau này không hối tiếc về quãng thời gian đã qua.
 

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top