Giỏ hàng

Cuốn Sách Truyền Cảm Hứng - Ngữ Văn 8

[BÀI DỰ THI SỐ 076]
Họ tên: Tống Thị Thanh
Cuốn sách cùng bạn để trưỏng thành: Ngữ Văn 8


Hà Nội ngày 8 tháng 9 năm 2019
Gửi cho tôi!

Đến bây giờ tôi đọc rất nhiều sách. Cuốn tôi đọc vì hiếu kì, cuốn tôi đọc vì thích thú, cuốn tôi đọc vì say mê, cuốn tôi đọc vì ưa thích, cuốn tôi đọc vì xúc động, cuốn tôi đọc vì quen thuộc, cuốn tôi đọc vì tò mò… Tôi đọc vì tôi có cơ hội được tiếp cận với sách, môi trường học tập, làm việc và không gian sống, cuộc sống khác hẳn trước kia.

Gửi tôi thời niên thiếu. Những năm đấy không có dịp đọc sách, báo nhiều. Ngôi trường tôi theo học, kì báo quen thuộc là tờ Thiếu niên Tiền phong, Giáo dục và Thời đại. Thư viện mà người ta gọi là Trung tâm văn hóa cộng đồng chưa thành lập. Cửa hàng sách tít ngoài thị xã. Giải quyết nhu cầu đọc sách. Tôi đọc các cuốn sách giáo khoa của chị tôi.

Cuốn sách tôi đọc năm tôi còn bé. Cuốn sách mà đã rất lâu tôi không hề đọc lại. Cuốn sách gây ấn tượng và tác động mãnh liệt tới tôi. Bây giờ tôi vẫn mường tượng những tác phẩm tiêu biểu trong cuốn sách giáo khoa môn văn học lớp tám của chị tôi. Lão Hạc của Nam Cao, nhiều câu vè, ca dao, tục ngữ, các đoạn trích trong Thời thơ ấu của M. Gorki, Cố Hương của Lỗ Tấn…

Thầy giáo Thứ về làng. Thầy rất nghèo nhưng lão Hạc còn thê thảm hơn. Lão nuôi con chó vàng, con trai lão không ở cùng lão mà đi làm ăn xa tận đồn điền cao su. Lão không nuôi chó vàng nữa. Sau hôm tâm sự cùng giáo Thứ, lão Hạc ăn bả chó tự tử. Củ chuối không còn để ăn, lão chết không chịu bán sào vườn để dành cho con trai. Aliosa, cậu bé mồ côi. Cậu có người bà hiền hậu, dịu hiền. Cậu làm bạn với những đứa trẻ hàng xóm. Đồng cô pếc được trả công. Tình bạn của hội trẻ con khác nhau về giai cấp nhưng không khác biệt về mặt tâm hồn.

Cố Hương của nhà văn Lỗ Tấn là niềm cảm xúc và ám ảnh. Thuyền trôi trên sông đưa nhân vật “tôi” về làng. Ngôi làng ngày tác giả còn bé và đến bây giờ khác nhau nhiều. Nỗi buồn trĩu nặng thậm chí nhân lên. Nhuận Thổ ngày xưa chơi cùng “tôi”, cậu bé mũm mĩm, nước da bánh mật vụt biến mất như ảo ảnh. Trước mắt tác giả là người đàn ông khốn khó, đờ đẫn. Tây Thi đậu phụ “dáng đứng compa” như một niềm ai oán. Trôi dạt đến ngôi làng cạnh con sông, Tây Thi đậu phụ làm thuê cho gia đình khá giả, biến cố chưa dừng trên đời con người bơ vơ, chị ngơ ngác, leo lét, chết mà chiếc giỏ xin ăn cùng tiếng hờ vẫn chưa dứt.

Cuốn sách giáo khoa của chị tôi cho tôi gặp hầu hết các nhà văn nổi tiếng và tâm sự của họ. Tôi đọc và không dám nói hết nỗi niềm của mình. Tận bây giờ, mỗi lần buồn rầu, thất vọng, cô đơn lạc lõng giữa cuộc đời, tôi nghĩ về Cố Hương mà tôi đọc, về ca dao, hò vè, về giáo Thứ, về mảnh vườn của lão Hạc, về M.Gorki của nước Nga Xô Viết.

Tôi mạnh mẽ, nghị lực, yêu cuộc sống hơn và không muốn quê hương mình sẽ như những điều thật thê lương mà Lỗ Tấn đã viết cách đây hơn thế kỉ. Tôi đọc lại cuốn sách giáo khoa trong đầu mình. Vùng quê xa xôi của Trung Quốc màu xám bạc trong bóng tối chiều muộn. Cậu bé Nhuận Thổ mặc bộ quần áo mới, cầm vật dụng lao động trên cánh đồng dưa. Chị Tây Thi đậu phụ son trẻ cập bến đò quê, chị tươi tỉnh, rạng rỡ, linh hoạt. Chị như người yêu mảnh đất mới, như Chế Lan Viên của chúng ta từng viết “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Tôi học Lỗ Tấn cách mà ông nhìn cuộc đời. Chữa bệnh thể xác bằng kiến thức y học cho nhân dân Trung Quốc cực kỳ quan trọng nhưng chữa căn bệnh tinh thần của quần chúng thì vô cùng gấp rút. Nhà văn bỏ nghề y, xác định cầm cây bút làm nghiệp viết để chữa bệnh ngu dân, tăm tối, lầm than, mê muội, nghèo đói, loạn lạc của nhân dân và đất nước Trung Quốc.

Tác phẩm của Lỗ Tấn trong cuốn sách giáo khoa như đang vẽ ra trước mắt tôi. Đất nước Trung Quốc rộng lớn, kì vĩ, giàu có, giàu lòng người. Trang sách nói với tôi về tình hữu nghị Việt – Trung mà lãnh đạo và nhân dân hai nước đã gạt bỏ mọi nghi kị, hiềm khích, dư chấn lịch sử để dựng xây. Đất nước chúng ta khác đất nước bạn về diện tích, địa hình, khí hậu, điều kiện thiên nhiên… Đất nước chúng ta yêu chuộng hòa bình, yêu nền văn hiến, yêu tiếng mẹ đẻ, yêu biển Đông. Kinh Thi của bạn, thơ Đường, thơ chữ Hán, hát Xoang, võ thuật, điện ảnh Trung Quốc tôi mến mộ. Nắm tay các bạn để nói về “rừng vàng biển bạc”, nói về “Cá nhụy cá chim cùng cá đé, Cá song lấp lánh đuốc đen hồng. Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe, Đêm thở sao lùa nước Hạ Long.”

Niên thiếu tôi là học sinh trường làng, đi bộ trên đường quê, leo đồi dốc đến lớp. Tôi không nổi trội nhưng hoạt bát. Tôi từng nằm mơ nằm trong căn nhà đầy bánh kẹo hoặc đầy sách báo. Thực tế cuộc sống cho tôi 20% cổ tích! Cuốn sách giáo khoa về đất nước Trung Quốc, về đói nghèo của nhân dân Việt Nam qua cảm nhận của Nam Cao, về tâm hồn bà ngoại của Aliosa… song hành cùng tôi thời tuổi trẻ. Tôi đọc lại câu chuyện của Lỗ Tấn, của Nam Cao, của M.Gocki khi tôi buồn. Văn học đã cứu rỗi hồn tôi. Tôi dám nói trước đông người. Tôi biết mình yêu văn học.

Đứa trẻ là tôi, tìm đến sách, giữ trong lòng ấn tượng nhưng luôn đọc lại sách, nhận thức một điều sâu sắc, cuốn sách và câu chuyện chỉ có ý nghĩa khi ta trưởng thành hơn ngày hôm qua.

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top