Giỏ hàng

Cuốn Sách Truyền Cảm Hứng - Nhà

BÀI DỰ THI 102:
Họ tên: Thanh Thương
Cuốn sách: Nhà - Nguyễn Bảo Trung
---
Bạn thương mến, bao lâu rồi bạn không về nhà ?

Bạn có bao giờ nghĩ hạnh phúc của một người đôi lúc chỉ là được trở về nhà không ?

Câu hỏi này xuất hiện trong đầu mình sau khi đọc được những dòng chia sẻ trong cuốn Nhà của bác sĩ Nguyễn Bảo Trung.

Nhà là cuốn sách của tác giả Nguyễn Bảo Trung với một góc nhìn đầy tính nhân văn của vị bác sĩ ngày đêm chứng kiến những mảnh đời số phận đứng giữa lằn ranh giữa hai bờ sinh tử.

Nhà là một trong những đứa con tinh thần được tác giả gửi gắm rất nhiều tâm tư và tình cảm của mình ở trong đó. Sau Vô Thường, thì đứa con được tác giả đặt tên Nhà lần này vẫn là những câu chuyện sinh lão bệnh tử của bác sĩ và bệnh nhân, vẫn là những lần chứng kiến bệnh nhân của mình ra đi, là những lần nghe thấy tiếng khóc đầy ân hận của người nhà ,là những giọt nước mắt, những nụ cười giữa cuộc đời quá nhiều thay đổi… Nhưng tác giả đã khoác lên đó một tình thương, một tấm lòng “mong mọi người hãy sống thiết tha với nhau hơn nữa, hãy là NHÀ thật sự để người thương có thể trở về”.

Trước đây, lúc còn ở nhà mình từng nghĩ việc về nhà sẽ không quá quan trọng. Nhà thì một năm về thăm một lần, nếu Tết không về được thì lần khác về cũng chẳng sao. Suy nghĩ đó vội dập tắt khi chiếc xe đưa mình rời xa nhà vội lăn bánh, bên ngoài ô cửa là bàn tày ba đang vẩy theo, miệng luôn nhắc: ‘‘nhớ giữ gìn sức khoẻ, có chuyện gì gọi ngay cho ba”. Xe chạy đến đâu thì nước mắt con bé cũng rơi đến đó, nó thốt lên ‘‘con nhớ nhà” trong vô thức.

Từng trang sách của Nhà mình cảm giác đang lắng nghe những lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng đầy cảnh tỉnh về căn bệnh ung thư. Nhắc đến đây mình lại nhớ đến mẹ. Nếu trong Nhà của bác sĩ Trung hàng ngày chứng kiến những khoảnh khắc sinh lão bệnh tử, những hình ảnh nghị lực phi thường vượt qua cái chết.Thì mẹ lại chính là tấm gương điển hình và chân thực nhất đối với chính bản thân mình. Hơn bốn năm về trước, lúc mẹ mình nằm trên giường bệnh với kết luận viêm màng não, mọi người nhìn vào đều nghĩ sau đám tang của bà nội sẽ đến lượt mẹ mình ra đi. Ngày đó, mình chăm mẹ lúc tang lễ của bà nội đang diễn ra, cơ thể xanh xao và ốm yếu của mẹ cộng thêm triệu chứng mất trí nhớ tạm thời đã khiến mình nhiều lần nghĩ đến việc mẹ không thể vượt qua. Nhưng sau tất cả, mẹ đã chiến thắng căn bệnh ấy, người phụ nữ ấy đã mạnh mẽ và kiên cường thế nào mới đạp lên cái thử thách ấy để vẫn vui vẻ và hạnh phúc đến tận bây giờ.

Ở Nhà của Nguyễn Bảo Trung, tác giả từng nói ‘‘Đối với bác sĩ và cả bệnh nhân khi đối mặt với bệnh tật, bắt buộc ai cũng phải có hai thứ, đó là lòng thương và hi vọng. Có rất nhiều người đã cứu và sống được trong cuộc đời này là nhờ hai thứ đó”. Và quả thực mẹ mình đã vượt qua được nhờ điều đó mặc dù đó. Đằng sau mẹ luôn có tình yêu thương của cả gia đình đặc biệt là ba, là những hy vọng của mọi người và cả bản thân mẹ. Hơn hết, mẹ có một ngôi nhà trong trái tim mình.

Đọc Nhà, mình luôn cảm thấy trước giờ mình đã bỏ lỡ quá nhiều và thờ ơ với mọi thứ thuộc về nhà. Là ba, là mẹ, là người thân trong gia đình, là căn phòng, hay một vật dụng nào đó có trong nhà. Khi đọc Nhà, mình cứ tự hỏi tại sao bác sĩ này lại có thể viết ra được những con chữ, nói ra được những suy nghĩ tuyệt vời như thế này. Phải chăng, tác giả đã phải đánh đổi nhiều thứ, trải qua biết bao nhiêu biến cố của cuộc đời, đi thật xa, lạc lối thật sâu và gặp gỡ thật nhiều mới có thể viết ra những điều chạm đến trái tim của người khác như vậy

Nhiều người đọc sách của bác Trung xong sẽ vội vàng thu xếp để trở về ngay bên ba mẹ mình, trở về nhà nhanh nhất có thể hoặc chỉ một cuộc điện thoại để được nghe giọng những người thân của mình vang lên cũng đủ cảm thấy hạnh phúc.

Mình từng nghe một bài hát có hai câu thế này: ‘‘Rồi một ngày con nhận ra cuộc sống không như những gì con hằng mong ước, củi gạo dầu muối cứ bao vây những mộng tưởng lớn lao của con. Nếu một ngày nào đó đóng vai người lớn đến mệt rồi thì cứ yên tâm, vẫn còn nhà để con trở về làm một đứa trẻ”.

Nhà có lẽ là phần kiên cường yếu đuối nhất của mỗi người. Là chỗ dựa tinh thần của mỗi người, là ánh sáng chiếu rọi trong đêm tối, là ánh sáng ấm áp chữa lành mọi thứ. Khi còn nhỏ, ai cũng muốn rời đi khỏi nhà, lớn lên lại cố chấp rời đi xa và nghiễm nhiên tùy hứng mà cho rằng nhà luôn ở phía sau. Còn nhỏ cứ nghĩ thường xuyên về thăm nhà chỉ là một câu hát vui, lớn lên mới thấy thường xuyên về thăm nhà là một điều vô cùng may mắn và và hạnh phúc.

Người nhà lại chính là mối quan hệ thân thiết nhất và không thể dưt bỏ nhất của mọi người. Vì cứ nghĩ là vì yêu thương, là thân thiết nên nghiễm nhiên nghĩ họ vẫn luôn ở đó, sau lưng và bên cạnh mình, rồi tuỳ tiện rời xa, không quan tâm , bỏ mặc. Bạn tin không? Cuộc sống này rất vô thường. người ngày nào cũng cùng bạn ăn cơm, trò chuyện, đi dạo, ngày nào cũng thấy mặt đến phát ngán, người hôm qua còn cãi nhau với bạn, người vừa nãy còn chạy nhảy đùa vui với bạn. chớp mặt làm ngơ một cái, quay lại đã không còn cùng nhau nữa rồi. Lơ đãng một chút thì đã là kỉ niệm. Đừng đợi có cơ hội, có lý do, có dịp mới chịu về nhà. Hãy xem nó là một trong những việc ưu tiên, cố gắng về nhiều hơn, lâu hơn bạn nhé. Dần dần bạn hiểu ra dù cho có chuyện gì xảy ra sẽ luôn có một bến đỗ cho ta neo đậu bất cứ khi nào, đó là nhà.

Theo tác giả “Nhà là sông, là núi rộng lớn ngoài kia. Chẳng phải chúng ta bắt đầu từ cát bụi rồi trở về cát bụi hay sao? Đi phượt cũng là một hành trình về nhà, về với cát bụi, về nơi bắt đầu có tiếng khóc ban sơ” Mình đã tự hỏi đôi chân kia đã đi qua bao nhiêu dặm đường, con người ấy đã trải qua bao nhiêu cuộc gặp gỡ để có thể đặt bút viết lên những dòng chữ nhẹ nhàng những lại khiến con người ta ngẫm nghĩ mãi đến vậy cơ chứ.

Đến hết cuối của cuốn sách, điều in hằn rõ nhất lên trí nhớ của mình là thông điệp tác giả gửi gắm đến con người “Ngày mà chúng ta thôi phán xét và không còn tìm mình trong sự phán xé là ngày chúng ta về nhà”.

Mình tin dần dần bạn sẽ hiểu ra dù cho có chuyện gì xảy ra sẽ luôn có một bến đỗ cho ta neo đậu bất cứ khi nào, đó là nhà.

Chiếc hộp thời gian này mình muốn dành cho tất cả mọi người, dù bạn là ai, đang ở đâu và đang làm gì. Mình muốn gửi đến bạn một món quà đấy là cuốn sách mà mình tâm đắc nhất 2020, của tác giả mà mình một lòng ngưỡng mộ và tò mò rốt cuộc vị bác sĩ ấy đã trải qua những gì mới có thể viết ra những dòng chữ như vậy.

Bạn thương mến, lời cuốn mình muốn gửi đến tất cả các bạn“Trở về nhà nhiều hơn bạn nhé, đừng để người thân một mình nữa, vì đến cuối cùng nhà là nơi để trở về chứ không phải để rời đi”

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top