Giỏ hàng

Cuốn Sách Truyền Cảm Hứng - Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời

BÀI DỰ THI 08:
Họ tên: Hạ Dương
Cuốn sách: Phía Nam biên giới, Phía Tây mặt trời - Haruki Murakami
---
Sài gòn, 2h19p, ngày 21 tháng 12 năm 2020

Gửi anh, em của 10 năm sau,

“Anh à, liệu anh có còn chạy về phía mặt trời…?”

Em đã loay hoay cả buổi tối để tìm lấy một cuốn sách mà gửi cho anh. Về “Lời hồi đáp 2020” đó, anh còn nhớ không? Và sau tất cả thì em đã chọn cuốn sách này, vì em nghĩ rằng, đến một lúc nào đó, trong tương lai, chắc anh sẽ cần đến nó. Là “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời” của Haruki Murakami.

Hầu hết thì mọi người sẽ bảo rằng đây là một câu chuyện tình yêu. Về những con người yêu nhau, và luôn tìm kiếm tình yêu. Cùng với những dại khờ và lầm lỡ của tuổi trẻ, ích kỉ. Và sự méo mó về tâm hồn. Nhưng đối với em, đây còn là câu chuyện về con người, con người trong cái xã hội bây giờ đó anh, những người vẫn mãi loay hoay tìm chính bản thân mình…

Vào đêm cuối cùng gặp mặt, Shimamoto-san đã kể cho Hajime nghe về một căn bệnh, căn bệnh mà hầu hết những người nông dân ở Siberia đều mắc phải. Một căn bệnh có cái tên kỳ quặc: “Hysteria siberiana”, khi mà những người nông dân ở Siberia phải sống và làm việc trong cảnh cô quạnh quá lâu. Ngày nào cũng làm ruộng, hoang mạc ngút tầm mắt, và bốn phía đều là đường chân trời. Mỗi sáng, khi mặt trời hiện ra phía trên đường chân trời phía Đông, họ ra đồng để làm việc. Và khi mặt trời biến mất sau đường chân trời phía Tây, họ lại về nhà đi ngủ. 

Cuộc sống xoay vần và lặp lại như vậy, ngày qua ngày. Một ngày đẹp trời, sâu thẳm trong họ có cái gì đó chết đi, khi mà suốt đời cứ nhìn mặt trời hiện ra phía trên đường chân trời phía Đông, hoàn thành cái vòng cung di chuyển của nó và đi ngủ sau đường chân trời phía Tây. “…Khi đó, anh sẽ vứt cái cuốc xuống đất, và không nghĩ ngợi gì nữa, anh đi thẳng về phía Tây. Về phía Tây mặt trời. Và anh cứ đi như thế hàng ngày trời không ăn không uống, như thể bị bỏ bùa, và cuối cùng anh gục xuống đất và chết.”

Và cho đến tận bây giờ, em vẫn không thể quên đi hình ảnh này!
Em đã từng đọc ở đâu đó, rằng “Go to the West” có nghĩa là chết, là qua đời, kết thúc, là đi về phía Tây phương cực lạc. Mặt trời lặn ở phía Tây. Và đó có lẽ cũng là kết thúc. Cho mỗi người…

Nhưng, một cách kì lạ, cả Hajime và Shimamoto đều không biết điều đó. Hoặc là không quan tâm đến nó. Vì vậy họ vẫn luôn chờ đợi. Và vẫn luôn tự hỏi rằng: Phía Tây mặt trời thì có gì kia chứ? Có lẽ cũng chẳng cần có được một câu trả lời thỏa đáng. Chờ một điều lớn lao và đẹp đẽ, một thứ dẫu biết rằng không có thực, nhưng vẫn chờ. Và luôn tìm kiếm điều nó, dù không biết là gì. Cả chúng ta cũng vậy. Với em, “Phía Tây mặt trời” không chỉ đơn giản là cái chết, là sự lìa xa khỏi cuộc sống này hay chỉ là một căn bệnh như Shimamoto đã nói. 

Hơn thế, nó như một biểu tượng, cho cuộc sống, cho mục đích sống, cho cái tôi của em, và cho cái tôi của mỗi con người. Và em cũng vẫn luôn chạy theo, tìm kiếm và níu giữ nó, suốt bấy lâu nay. Anh có còn nhớ không? Dẫu rằng đôi khi thật mông lung và em không thể mường tượng ra rằng thực ra mình đang làm gì. Nhưng nó cho em một mục đích, một ý chí để tồn tại. Vậy… anh đã tìm ra nó hay chưa? Có còn giữ lấy nó hay không? “Phía Tây mặt trời” của chúng ta ấy? Liệu anh có còn sống vì một điều gì, vì một ai đó, sống vì một tia sáng phía tây, le lói, cô quạnh và vô hình. Và chưa hẳn đã là có thực. Em mong là có. Vì em biết, không, là cả hai ta đều biết, sự trống rỗng… thì đáng sợ thế nào.

Em nhớ rằng ai đó đã từng viết rằng: “con người ta luôn phải thuộc về một điều gì đó, và luôn là vậy.” Thực ra không phải vậy đâu, anh à. Chỉ là con người ta luôn muốn mình thuộc về một thứ gì đó thôi. Bởi vì ta luôn cô đơn, như một điều bất biến. Và cô đơn thì, nó gắn liền với sự trống rỗng. Ta cũng như Hajime và Shimamoto vậy, luôn tìm kiếm nhau, tìm kiếm một điều gì đó, ở trong nhau, ở phía Nam biên giới, ở phía Tây mặt trời. Dẫu là hữu hình hay vô hình! Nó không chỉ đơn giản là đất nước Mexico nhỏ bé hay chỉ đơn thuần là cái chết, là một căn bệnh mà những người nông dân ở Siberia mắc phải đâu nhỉ? Luôn là một thứ gì đó lớn lao hơn. 

Một mục đích để tồn tại. Một ý nghĩa cho sự hiện diện của ta trong cuộc đời này. Để ta thuộc về... Như những người nông dân Siberia quanh năm suốt tháng chỉ sống với bầu trời và thảo nguyên, và sự cô độc. Họ chỉ đơn giản là sống-một cách vô cảm. Cùng với ngày tháng. Với tâm hồn, là những sợi dây đàn đang dần căng hết cỡ. Cho đến một lúc nào đó, phựt, họ nhận ra rằng họ đã mất đi chính bản thể của mình, mất đi khái niệm về chính bản thân, khái niệm và ý nghĩa về sự tồn tại của chính mình. Như một người mất đi cái bóng vậy. Và rồi hoàn toàn trở nên trống rỗng. Họ quyết định đi về phía mặt trời, đi tìm kiếm “Phía Tây mặt trời” của mình. Dẫu cho đó là một tình yêu, một ai đó, một… cái chết hay chính là bản thể của bản thân mình. Bất cứ điều gì họ có thể tô vẽ lên được.

Nghe như một câu chuyện cổ tích vậy, nhưng đó lại là sự thật anh ạ. Sự trống rỗng đang dần len lỏi vào trong mỗi chúng ta, một cách âm thầm. Không có một nỗi đau cụ thể nào. Như một con thú săn mồi vậy. Và nó đáng sợ lắm. Cả hai ta đều biết điều đó mà. Cuộc sống này ngày càng thay đổi, và con người, xét theo một mức độ nào đó, ngày càng trở nên vô cảm với nhau hơn. Những mệt mỏi, những đớn đau ta mãi đổ hết cho cuộc sống. Sự bận rộn, ngột ngạt và cảm giác tự ti, lạc lõng làm cho con người dần đánh mất đi những giá trị của chính mình, những giá trị mà mình đã từng coi trọng. Thì ta cứ tặc lưỡi: “Cuộc sống mà!” Nhưng mà, cũng chẳng phải cuộc sống làm gì cả. Chỉ là con người ta ngày càng trở nên khác đi thôi. Khác đến cái nỗi để mà nhận ra những điều đẹp đẽ khi xưa thực ra cũng chẳng cần thiết. Và nỗi buồn là một thứ thừa thãi. Khi những hàng cây trở nên trầm lặng và bầu trời mờ đục hơn bao giờ hết cũng là lúc con người ta rũ bỏ đi cảm xúc của chính mình. Như rũ bỏ đi chiếc áo khoác sau một ngày làm việc mệt mỏi. 

Một chiếc áo khoác ấm áp, nhưng vô dụng! Đối với họ, cảm xúc là một thứ ung nhọt không cần thiết. Em đã thấy rất nhiều người như vậy. Trống rỗng. Sống nhưng không thực sự sống. Khi chỉ chạy theo những giá trị của xã hội mà quên đi mình từng là ai và mình từng sống vì điều gì. Đôi lúc em tự hỏi, sau nụ cười kia ẩn chứa điều gì? Là niềm vui, là nỗi buồn, hay là sự căm phẫn, hoặc là hờn ghét, đau đớn khôn cùng? Nhưng không… có lẽ… lại không là gì cả. Tất thảy mọi cảm xúc của con người dường như cứ trôi tuột xuống như vậy, trơn nhẫy và chẳng thể níu giữ lại được. Cơ mà, hơi đâu để mà níu giữ cơ chứ, khi mà chỉ sống thôi đã mệt mỏi lắm rồi. Và chúng ta mất đi chính mình như vậy đấy. Đáng buồn thật, con người thì làm sao mà có thể sống thiếu cái tôi cơ chứ?

Vì vậy, anh à, chúng ta luôn muốn mình phải thuộc về một điều gì đó. Nhưng ta có còn dám đứng lên, có còn dám thừa nhận nó, và còn dám tìm kiếm nó hay không. Như Hajime vẫn luôn tìm kiếm hình bóng của Shimamoto, và như những người nông dân ở Siberia đã bỏ lại cuộc sống sau lưng để tìm lại chính mình. Dấn thân vào cuộc hành trình tìm kiếm lại giá trị cho chính mình. Nó không khó, nhưng cũng không hề dễ dàng. Vì ta nào đâu đủ dũng khí để bỏ lại mọi thứ sau lưng, những thứ đang ràng buộc và níu kéo ta, để dấn thân lại vào cuộc hành trình. 

Ta thầm mong mình được như những ngày xưa. Tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, với những ước mơ luôn cháy bỏng và một sức sống rạo rực. Tiếc thay, ngày đó ta luôn có một mục tiêu để hướng về, nhưng giờ thì không. Nhưng… làm sao bây giờ, ta cũng già rồi, và cũng đã sống như vậy quen rồi, nên thôi, cũng chẳng bao giờ trẻ ra được, và cuộc sống này tuy buồn chán nhưng cũng không quá tệ. Và ta cứ mãi luẩn quẩn vậy đó anh à. Em không muốn sau này chúng ta trở thành một con người như vậy. Bóc trần và tìm kiếm lại cái bản thể đã mất của mình. Tìm kiếm một mục đích và tia sáng cho bản thân. Hoặc là tìm cho mình một bản thể mới. Bởi vì chúng ta sinh ra là một con người, vậy làm sao chúng ta có thể chấp nhận chết đi như những cỗ máy được.

Cuối cùng, em của quá bây giờ, của quá khứ, vẫn tự nhủ với mình là vậy, vẫn mải miết đi tìm, mải miết giữ cho mình một điều gì đó. Và đôi lúc nó trở nên quá mù mờ, và mất niềm tin, và cảm giác muốn chấp nhận, nhưng,… hiện tại thì… em vẫn không từ bỏ. Mỗi ngày đều phải tự nhắc nhở mình là ai, và mình đang làm vì điều gì. Nó làm cho em cảm thấy rằng mình vẫn đang được sống. Và rằng em không phải chỉ là một cái máy vô cảm. Như trong một đàn cừu trắng thì mỗi cá thể cừu vẫn là duy nhất vậy. Chỉ là nó có nhận ra được điều đó hay không thôi. Em mong rằng sau này, à không, với anh thì là hiện tại, cũng sẽ như vậy. Sẽ thuộc về một điều gì đó, hoặc vẫn luôn tìm kiếm một điều gì đó và sẽ không hòa lẫn và biến mất vào trong những mệt mỏi của xã hội này. 

Sống là phải có mục đích. Chà… có khi em còn quá trẻ để có thể hiểu hết về cuộc đời và hiểu được rằng những điều gì đã đưa anh trở thành anh của hiện tại (nếu có lỡ theo chiều hướng tiêu cực). Nhưng ít nhất, bây giờ thì đây là những điều em thực sự tin tưởng. Và em mong sẽ truyền tải được những điều này đến anh, từ chính cái tôi của anh trong quá khứ. Qua cuốn sách này, một phần nào đó... Nhất định là vậy. Hãy sống cho đáng sống, sống cuộc sống của chính bản thân mình, vì mục đích của mình, đừng chỉ như một cái xác không hồn. Và đừng một lúc nào đó vì sự trống rỗng của cả xã hội mà để mất đi chính bản thân mình. Hãy là những người nông dân của Siberia, và hãy cứ chạy về phía mặt trời, dù đúng, dù sai, dù đau khổ, thế nào cũng được. Vì chúng ta ấy mà anh, chúng ta được sinh ra và luôn là duy nhất, luôn luôn là vậy.

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top