Giỏ hàng

Gen Z Kể Chuyện: Có Nên Tiếp Tục Duy Trì Một Cuộc Hôn Nhân Không Hạnh Phúc?

BÀI DỰ THI 224: CÓ NÊN TIẾP TỤC DUY TRÌ MỘT CUỘC HÔN NHÂN KHÔNG HẠNH PHÚC?

Họ và tên: Nguyễn Trần Khánh Linh 

/Hôn nhân không phải là ván bài có thể bỏ ván này chơi lại ván khác… ở thời đại nào cũng cần nghiêm túc, không phải vì cảm xúc nhất thời mà đánh cược hạnh phúc của mình và con cái vào đó./

---   

Các bạn sẽ làm gì nếu các bạn là một cô gái không được gia đình người yêu chấp nhận vì trước đó bạn bị xâm hại tình dục? Và trong cuộc hôn nhân không được gia đình cho phép, bạn liệu có hạnh phúc?

Chuyện trinh tiết đối với xã hội bây giờ, với nhiều người có lẽ không còn khắt khe như xã hội xưa. Ở thời ông bà, bố mẹ chúng ta, nó là cái duy nhất chứng minh sự trong trắng của người con gái. Cuộc sống của nhiều người có thể bị ảnh hưởng, bị ám ảnh bởi cái màng mỏng ấy. Và chị tôi cũng vì bị xâm hại tình dục, bị mất đi trinh tiết mà suốt từng ấy năm sống chung với gia đình chồng, chị tôi phải chịu những điều tiếng không mấy tốt đẹp. 

Chị tôi luôn bị ám ảnh bởi cái ngày đen tối đó. Nó như một bóng ma tâm lý đè nặng thể xác lẫn tinh thần của chị tôi. Và chị tôi đã gặp anh ấy, người đàn ông chấp nhận quá khứ, yêu thương chị tôi rất nhiều. Những tưởng cuộc sống sau này của chị tôi đã sang một trang mới, nhưng không, gia đình anh ấy không chấp nhận và rồi không một đám cưới, hai người đăng ký kết hôn. Sống chung với gia đình chồng còn nhiều điều xa lạ, trước đó gia đình chồng cũng không chấp nhận một người con dâu không còn trong trắng nên cuộc sống hôn nhân là chuỗi những ngày tháng áp lực. Có thể các bạn đang nghĩ tại sao gia đình chồng lại có thể cho phép đi đăng ký kết hôn mà không chịu tổ chức đám cưới? Chị tôi có thai, chồng chị tôi nghĩ đứa bé xuất hiện có thể làm xoa dịu mối quan hệ, bố mẹ anh ấy vì đứa cháu mà mở lòng với chị tôi hơn. Nhưng mọi thứ lại đi ngược lại với suy nghĩ của anh rể tôi. Tôi thật sốc khi nghe chị mình kể, gia đình chồng nói chắc gì đứa nhỏ là giọt máu của anh rể. Đợi đứa nhỏ sinh ra nếu không phải cháu của nhà anh ấy thì sẽ bắt chị tôi phải ly dị. Chị tôi đã khóc rất nhiều. 

Đứa nhỏ ra đời, gia đình chồng vẫn lời ra tiếng vào, nhìn hai mẹ con chị ấy rất không thuận mắt. Chị ấy luôn có một suy nghĩ một ngày nào đó ba mẹ chồng sẽ thay đổi thái độ, sẽ chấp nhận chị ấy nên luôn nhắc nhở bản thân phải hiếu thuận dù bố mẹ chồng có cay nghiệt. Nhưng thật buồn, chị tôi bị trầm cảm sau sinh. Bố mẹ tôi vì thương con nên qua nhà thông gia để xin đón chị tôi về để chăm sóc.

 Tôi đã rất giận chị mình. Tôi nghĩ sao chị không ly hôn để tìm kiếm một cuộc sống mới. Tôi đã từng nghĩ hôn nhân là một ván bài, thua ván này, chị ấy có thể chơi ván khác. Nhưng chị ấy lại nói, chị ấy có thể kiên nhẫn, ở lại với cuộc hôn nhân này là vì bên cạnh chị ấy còn có một người chồng ngay từ khi bắt đầu, anh ấy đã không chê bai chị, anh ấy đã vì chị mà chống đối với gia đình. Và hơn hết là con của chị. Chị ấy không thể ích kỷ mà để đứa nhỏ sinh ra mang tiếng không có bố. 

Tôi nghĩ mình thật bốc đồng khi chỉ nhìn về một phía. Khi con người ta bước chân vào cuộc sống hôn nhân, tình yêu không phải là điều quan trọng hơn hết để duy trì một cuộc hôn nhân. Ở đó, trách nhiệm là thứ buộc chúng ta phải nhìn lại. Chúng ta không thể vì một chút bất đồng mà quay lưng, đẩy con cái vào lựa chọn như người ta hay trêu trẻ con “Con thương bố hay thương mẹ hơn”. Phải chăng đó chính là lý do khiến chị tôi dù có bị đối xử lạnh nhạt vẫn nhất quyết duy trì mối quan hệ với nhà chồng. Tôi chưa làm mẹ, nên tôi không cho phép người người khác tỏ thái độ với mình. Nhưng nhìn chị tôi, tôi mới hiểu làm mẹ, làm vợ không đơn thuần là không thích sẽ không làm nữa. Đó là cuộc sống hôn nhân. Mạnh mẽ, kiên cường đôi khi không giúp mọi thứ tốt hơn mà nó vô tình làm đau lòng những người khác. 

Các bạn có thể thử nghĩ nếu chị tôi ngay từ đầu không kết hôn, một mình nuôi đứa bé thì sẽ thế nào không? Chắc chắn sẽ không bị người khác coi thường, chì chiết, nhưng những năm tháng sau này, đứa nhỏ và chị tôi sẽ thế nào? Chị tôi vì con thì vẫn có thể sống mặc kệ những điều tiếng xã hội. Còn đứa nhỏ, nếu là đứa bé hiểu chuyện sẽ thương chị tôi rất nhiều, nhưng có những lúc bản thân nó sẽ rất cô đơn, đôi khi là thù hận. Các bạn và tôi đều không muốn mình thiếu thốn đi tình thương của bố hoặc mẹ. Vậy nếu chỉ vì hạnh phúc bản thân mà làm con cái mình tổn thương thì thật không công bằng.

Hôn nhân không phải là ván bài có thể bỏ ván này chơi lại ván khác. Hôn nhân là cả hai cùng có trách nhiệm trong một mối quan hệ. Ở đó không phải vì bản thân hết cảm xúc với đối phương mà cho mình cái quyền làm tổn thương những đứa trẻ. Vấn đề ly hôn đang là vấn nạn nổi cộm, xã hội thay đổi, kéo theo cách nhìn về hôn nhân, cuộc sống gia đình đổi thay. Hôn nhân ở thời đại nào cũng cần nghiêm túc, không phải vì cảm xúc nhất thời mà đánh cược hạnh phúc của mình và con cái vào đó.

---

#bila #đọc_để_trưởng_thành

Đọc các bài dự thi tại: https://bila.vn/blogs/nguoi-truyen-cam-hung. Các bài viết ấn tượng sẽ được Bila đăng trên fanpage Bila - Đọc để trưởng thành vào 15h và 20h hằng ngày.

 

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top