Giỏ hàng

Gen Z Kể Chuyện: Đứa Trẻ Từ Một Cuộc Hôn Nhân Tan Vỡ

BÀI DỰ THI 172: ĐỨA TRẺ TỪ MỘT CUỘC HÔN NHÂN TAN VỠ

Họ và tên: Ngô Lan Vy

/Những đứa trẻ từ những cuộc hôn nhân tan vỡ luôn rất yếu đuối nhưng đồng thời là những người mạnh mẽ, trưởng thành nhất.. vậy nên hãy trân trọng rằng ‘Bạn đã cực khổ nhiều để đến được đây rồi, làm tốt lắm’./

---

Câu chuyện của tôi chắc hẳn là câu chuyện điển hình đối với nhiều người nhưng mọi người thường ít đề cập tới do đây là chuyện thường thấy, nặng nề hay quá khó để nhắc đến ? Đứa trẻ từ cuộc hôn nhân tan vỡ. 

Ba mẹ tôi ly hôn khi tôi được 4 tuổi, bắt đầu từ lúc ấy tôi trở nên khác biệt với các đứa trẻ bình thường. Bài học đầu tiên là chấp nhận. Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc ba tôi không còn quay về cùng một ngôi nhà với mẹ con tôi, có lẽ tôi quá nhỏ để hiểu và sau đó tôi có đòi như thế nào thì cũng sẽ không thể trở lại gia đình ấy, đứa trẻ năm ấy đã chấp nhận sự mất mát này bằng cách quên đi sự hiện diện và tập làm quen thiếu hình bóng của người cha, để rồi khi đối diện với thực tại tôi đã không còn khóc lóc, đòi hỏi việc có một người cha nữa. 

Bài học thứ hai là mạnh mẽ. Sau khi ly hôn, kinh tế của một người mẹ đơn thân nuôi con nhỏ không mấy khả quan, chính vì thế mẹ tôi trở nên bận rộn, dành ít thời gian hơn cho con. Nhưng tôi khá may mắn khi bên cạnh tôi còn có hai người anh họ lúc ấy đang học đại học luôn chăm sóc, chơi đùa và dạy học cho tôi, sự hiện diện của hai anh đã bù đắp tình cảm của người bố và chăm sóc thay cho người mẹ, như đã nói ở trên tôi chấp nhận với hiện tại đó và không muốn gì hơn. Nhưng khi đi học, trong một môi trường mà ai cũng có đầy đủ ba mẹ, tôi đã ghen tị và để ý đến những người bạn được cả bố mẹ đưa đón dẫu tôi có thầm nhủ rằng mình ổn với gia đình hiện tại bao lần đi chăng nữa và cảm giác này kéo dài tận đến hiện tại nhưng tôi không còn khao khát nữa mà chỉ còn ngưỡng mộ. Cảm giác của đứa trẻ khi ấy đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ, đứa trẻ ấy đã tủi thân vì ba mẹ nó sẽ không bao giờ cùng nhau đến trường đón nó nữa. Dù tôi đã ứa nước mắt bao lần đi nữa nhưng sau cùng tôi cũng sẽ lau đi và chưa một ai từng biết về những giọt nước mắt này. Các thầy cô hay bạn bè biết về hoàn cảnh của tôi đã khó tin rằng một đứa trẻ năng động, hoạt bát như thể con bé được xây nên từ tình yêu lại đến từ một gia đình ly hôn ?

Bài học thứ ba là nghi ngờ. Khi tôi hiểu chuyện hơn và bắt đầu thắc mắc về quá khứ thì những gì ba mẹ hay họ hàng hai bên nói về bên còn lại hoàn toàn khác nhau, họ cho rằng họ đúng và người kia sai. Tôi chẳng thể tin được lý do nào chính vì thế tôi từ bỏ việc tìm kiếm sự thật, vô tình cô bé lúc ấy nhận ra rằng ba mẹ cô đã nói dối cô ít nhiều. Từ đó trở đi tôi đã học được cách nghi ngờ mọi điều ba mẹ tôi nói để tránh việc tôi bị thất vọng về một trong hai người quan trọng khi tôi biết được sự thật, cũng như là tránh việc tôi bớt yêu họ hơn một chút vì tôi luôn muốn yêu họ với tình yêu trọn vẹn nhất. Thời gian học cấp hai, cô gái độ tuổi thiếu niên ấy rất mê các câu chuyện về tình yêu trọn vẹn cuối đời nhưng không phải vì cô tin vào tình yêu mà là do những câu chuyện đó giúp cô thoát khỏi thực tại đến một nơi mà tình yêu luôn vĩnh cữu, còn thực tế cô luôn chối bỏ việc sẽ cưới một ai đó trong tương lai vì cô sợ hãi rằng hôn nhân của cô có thể tan vỡ như ba mẹ cô. Mặc dù bây giờ tôi đón nhận tình yêu không còn sợ hãi nữa vì tôi đã hiểu rằng tình yêu thực sự rất đẹp cho dù tình cảm này có nhất thời hay không nhưng vào khoảng thời gian ấy, tôi đã rất chắc nịch với việc bản thân sẽ sống cô độc đến cuối đời.

Bài học cuối là bỏ quên. Càng lớn tôi càng tất bật với việc sống cho hiện tại, cho tương lai để rồi quên đi sự rối ren, khát khao, mơ ước của những tổn thương sâu trong trái tim nhỏ. Nhờ vào sự tạm gác lại này tôi đã thoát ra khỏi quá khứ để tiếp tục đi đến tương lai, sống như thể chẳng có gì có thể tổn thương tôi được nữa và tạo nên những bộ giáp sáng bóng che đi những góc khuất, khiến bất kỳ ai nhìn vào cũng ngưỡng mộ thay vì thương hại. Để rồi khi đối mặt lại với những vết thương âm ỉ này tôi đủ khả năng xoa dịu chúng hơn, mỗi ngày chữa lành chúng thêm một ít nhưng mỗi lần đối diện này luôn khiến tôi bị giật mình thì rằng bản thân tôi yếu đuối đến như thế, những mong ước nhỏ nhoi nhất trong tôi chỉ là về một khoảnh khắc tôi có đầy đủ ba mẹ bên cạnh dường như chưa bao giờ ngừng bập bùng cả. Sự bỏ quên là ổ khóa giúp tôi mạnh mẽ hơn nhưng cũng chính là chìa khóa mở ra một trái tim yếu đuối nhất trong tôi.

Đây là câu chuyện của riêng tôi và tôi không chắc được rằng những đứa trẻ giống tôi đều trải qua những điều này nhưng tôi tin chắc họ sẽ tìm thấy một phần bản thân họ trong này. Tôi kể câu chuyện này không phải lên án những bậc cha mẹ ly hôn hay để bạn thương hại cho những đứa trẻ này mà để mọi người biết rằng những đứa trẻ từ những cuộc hôn nhân tan vỡ luôn rất yếu đuối nhưng đồng thời là những người mạnh mẽ, trưởng thành nhất và hãy dành lời khen, lời trân trọng rằng ‘Bạn đã cực khổ nhiều để đến được đây rồi, làm tốt lắm’

---

#bila #đọc_để_trưởng_thành

Đọc các bài dự thi tại: https://bila.vn/blogs/nguoi-truyen-cam-hung. Các bài viết ấn tượng sẽ được Bila đăng trên fanpage Bila - Đọc để trưởng thành vào 15h và 20h hằng ngày.

 

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top