Giỏ hàng

Gen Z Kể Chuyện: Học Cách Để Trở Thành Chính Tôi

BÀI DỰ THI 168: HỌC ĐỂ TRỞ THÀNH CHÍNH “TÔI”

Họ và tên: Dứa

/Tôi học không phải để trở thành “ông nọ bà kia” mà để trở thành “chính tôi”./

---

Tôi của những năm tháng lớp 12 trải qua rất nhiều thời gian để loay hoay đạo hàm, để tìm nghiệm của cả tá phương trình mà tôi từng nghĩ rằng 10 năm sau dù có không nhớ hàm logarit ra làm sao tôi vẫn có thể sống tốt, giải những đề Hóa trong cái cuống cuồng, vội vã như sợ rớt mất thanh xuân, vật lộn với vài ba chương Lý, điện là ĐIÊN NẶNG mà cơ là CƠ CỰC.

Thời gian ấy bị phủ đầy bởi những trang đề và được soi chiếu bằng ánh đèn học nửa đêm sáng sớm, tất cả chỉ để THI ĐẠI HỌC, tôi rất cố gắng nhưng thật lòng đôi khi thấy chán ghét.

Tôi từng ngồi mà nghĩ: học cấp 1 để biết đọc biết viết, học cấp 2 để lên cấp 3, học cấp 3 để bước chân vào cánh cổng Đại học, kết thúc Đại học để có công việc kiếm ăn, tốt hơn là phải thu nhập cao, là cái cách để thoát ly “đồng ruộng” như ba mẹ, người thân tôi đã nói khi nhắc đến cuộc sống “thuần nông” của chính họ… nhưng rõ ràng nó không phải cái tôi muốn.

Tôi lại nhớ ánh mắt, lời khen của họ hàng, cô bác vào những dịp cuối năm Tết đến “con bé ấy nó học hành giỏi giang lắm”… đó cũng chẳng phải điều khiến tôi tự hào.

Có một lần chuẩn bị cho bài phát biểu “Học để làm gì?” đại diện cho học sinh cuối cấp, tôi ngồi viết ra những câu chữ quen thuộc đến sáo rỗng “ học để nâng cao kiến thức, hoàn thiện nhân cách, để cảm thông, chia sẻ, quý trọng, để mang lại giá trị cho cá nhân và cộng đồng…”. Đó là chuẩn mực nhưng chẳng phải suy nghĩ của tôi, và tôi quyết định bỏ nó đi, nói những lời mình thật sự muốn nói, dù cho nó có lạ lùng hay khác biệt nhất với những bài phát biểu từ trước đến nay của anh chị khóa trên. Nhưng tôi thật sự muốn nói lên… với tất cả bạn bè tôi.

“Lần đầu tiên tôi được nghe câu hỏi này là từ người thầy dạy lớp 4 – học để làm gì- tôi chỉ ngô nghê mà nói “ học để được điểm cao”, thầy chỉ cười “ vậy thì vẫn còn phải học tiếp”.

Cho đến một lần đọc được bài báo trên mạng về GS. Hồ Ngọc Đại, người thầy của Ngô Bảo Châu đã nói “ Là thầy, tôi cũng rất tự hào. Nhưng Ngô Bảo Châu không phải là học sinh khiến tôi tự hào nhất, ưng ý nhất. Niềm tự hào lớn nhất của tôi là một cậu học trò giờ làm nghề sửa xe. Đi du học với hai tấm bằng Đại học nước ngoài nhưng đến khi về nước, cậu ấy không làm việc văn phòng máy lạnh, mà mở một quán sửa xe. Cậu ấy nói với con trai tôi – cũng là bạn học của cậu ấy: "Tao bây giờ hạnh phúc lắm vì ngày nào cũng được vặn ốc.”

GS tự hào vì với người học trò ấy ông đã giáo dục thành công, biết mình muốn gì, cần gì và trở thành chính mình chứ không bận tâm đến áp lực của bố mẹ hay sức ép của người đời. 

Kể như thế không phải nói các bạn ngừng ước mơ cao, ngừng nghĩ đến những cái lớn lao mà chỉ là để muốn chia sẻ suy nghĩ của bản thân.

Học để trở thành cái tôi, để hình thành bản ngã, để đi tìm chính mình, để khám phá, bộc lộ và thỏa mãn giá trị bản thân.

Chẳng có chữ “hoàn thiện” hay “vì xã hội” nào trong cái mục đích của việc học mà tôi muốn nói cả, bởi trong quá trình dũng cảm đi tìm chính mình ấy, tự nó sẽ là sự hoàn thiện đắt giá nhất để tạo nên một cái “tôi” vốn dĩ đã TỒN TẠI, nay được SỐNG và YÊU- tự do và có nghĩa. Khi con người chạm đến được giá trị bản thân, tự khắc sẽ tôn trọng giá trị của người khác, sẽ chẳng còn những soi xét, khuôn mẫu, định kiến.

Người nhà lầu xe hơi, tiền tài giàu có, nhiều người ngưỡng mộ chưa chắc là kẻ hạnh phúc, nhưng chắc chắn người biết bản thân mình muốn trở nên như thế nào và đang trong hành trình đi tìm chính họ thì lại luôn tỏa ra thứ năng lượng thật đẹp, hạnh phúc tự nó hình thành và lớn lên trong hành trình ấy. 

Học để trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?” và để dũng cảm theo đuổi bản thân “Tôi trở thành tôi”

Tôi mơ ước về một nền giáo dục không cần phải làm quá nhiều bài tập, không đánh giá bằng điểm số vì cho cùng việc học kiến thức hàn lâm này chỉ là một khía cạnh thôi, không thể để nó đánh giá khả năng của một người được, khao khát về một nền giáo dục khuyến khích học trò đặt câu hỏi, tôn trọng, lắng nghe và yêu thương chính mình, dám bỏ ngoài tai phán xét của người đời, dám cả đi ngược chiều để tìm thấy bản thân, một bản thân hạnh phúc, có phẩm chất, khí chất và kiên định theo cách của riêng mình.

Nói chung, học để là “chính tôi”.

Hãy học thật tốt và trở thành phiên bản mà chúng ta hằng mơ nhé!

P/S : Ước mơ của tôi là được… làm vườn, tạo ra những sản phẩm từ cây thuốc thiên nhiên bằng tình yêu Hóa học của mình, nhưng ba má lại muốn tôi học Kinh tế. Tôi đã đấu tranh nhưng vẫn hèn nhát chấp nhận. Một năm đầu qua đi, thật sự không được học cái mình mong ước rất tồi tệ, không phải vì điểm thấp, cũng không phải vì môi trường không phù hợp, mà điều tồi tệ nhất là mình không hề muốn chấp nhận, tìm hiểu và cố gắng vì nó. Điều ấy chỉ đến khi mình yêu và đam mê mà thôi, THỨ VỪA VẶN NHẤT VỚI MÌNH CHÍNH LÀ CÁI MÌNH YÊU THÍCH. Và tôi muốn sửa sai, muốn lần này dũng cảm theo đuổi con đường mình từng mơ và vẫn đang mơ. Tôi sẽ bắt đầu lại và làm tân sinh viên một lần nữa, nhưng là với nơi tôi muốn thuộc về…

---

#bila #đọc_để_trưởng_thành

Đọc các bài dự thi tại: https://bila.vn/blogs/nguoi-truyen-cam-hung. Các bài viết ấn tượng sẽ được Bila đăng trên fanpage Bila - Đọc để trưởng thành vào 15h và 20h hằng ngày.

 

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top