Gen Z Kể Chuyện: Là Vì Mình Lớn Rồi Phải Không?
BÀI DỰ THI 60: LỚN RỒI
Họ tên: Ẩn Danh
/Là lớn rồi nên thấy ba mẹ nói cái gì cũng chán, cũng sai cả. Nhưng trời đất có sập, con vẫn là con của ba mẹ./
---
---- Là lớn rồi nên thấy ba mẹ nói cái gì cũng chán, cũng sai cả. Nhưng trời đất có sập, con vẫn là con của ba mẹ. ---
- Con không thích cái áo này đâu. Mốt mẹ không cần mua cho con nữa đâu, con tự lựa được rồi.
Cô năm nay được 17 tuổi rồi, cái tuổi mà người ta hay gọi là “dở dở ương ương”, không lớn mà mà cũng chẳng còn là đứa trẻ ngày xưa nữa. Cô chẳng biết tự bao giờ mà những lời mẹ đều cảm thấy chẳng có gì hứng thú cả. Giờ cơm bây giờ cũng chẳng còn rôm rả tiếng cô kể bao chuyện trường chuyện lớp cho mẹ nghe nữa mà chỉ còn những khoảng im lặng sau những ngày đi học mệt mỏi về.
Thứ “bất ly thân” với cô, thứ luôn “đồng hành” cùng cô 24/24 hiện tại chính là cái smartphone mà cô được tặng sau khi thi tuyển sinh 10. Lứa những đứa như cô tầm này ai cũng có riêng cho mình cái điện thoại cả, thậm chí là sớm hơn. Kể từ khi có nó, cuộc sống của cô bỗng dần thay đổi đi. Sáng - chiều: học ở trường; tối: đi học thêm; tối muộn: về ăn tối trong im lặng; gần khuya: nếu không có quá nhiều bài tập thì cũng chỉ lướt điện thoại. Có phải là cái tuổi này của cô, cái thế hệ này của cô khi ba-mẹ hình như không còn gì hay ho, thì cái thế giới trên màn hình kia lại có đủ thứ chuyện để xem? Có phải vì thế mà nó kéo cô khỏi gia đình của mình? Cô có thấy vui hơn không? Cô có gì sau những dòng bình luận, vài câu tin nhắn trên điện thoại kia?
Chán rồi, là chán rồi đấy! Nhưng dù thế cô vẫn lướt và lướt cái màn hình đến khi cái mắt và cái não “đồng tâm hiệp lực” ép cô đi ngủ mà thôi. Ngày nào cũng như thế, cô thức đến tận tối khuya. Và hậu quả là cô chẳng thể nào tỉnh táo được trong giờ học cả. Vốn chẳng mặn mà gì với các môn tự nhiên, thành tích của cô cứ như thế tụt dần rồi tụt dần, đặc biệt là môn Lý. Có phải ở cái tuổi như cô khi đã không thích cái gì đó thì bướng bỉnh vô cùng, chẳng mảy may để tâm? Cũng chính ở cái tuổi này mà những đứa trẻ như cô bắt đầu đi tìm những thứ có vẻ lớn lao: Đam mê của cậu là gì? Cậu có ước mơ nào không? Cậu muốn trở thành người như thế nào?. Cô ư? Cố rất thích môn Văn và tiếng Anh; cô thích những gì liên quan tới ngôn ngữ; cô thích mộng mơ; cô thích lạc vào thế giới của những con chữ tự bản thân viết ra; cô thích, thích rất nhiều… Cô tin rằng cuộc sống và những năm tháng trên ghế nhà trường rực rỡ nhất khi được làm những điều mình yêu thích. Bước vào trường học, nó như một thế giới khác: Ở đây, người ta không nói quá nhiều về tiền bạc, người ta không nói quá nhiều về những gì con người ta làm với nhau trong cái thế giới nghiệt ngã ngoài kia; ở đây đơn thuần có lẽ chỉ là những tiếng rôm rả những đứa trẻ nói với nhau về giấc mơ.
Những ngày như thế, cô cứ thế vẽ ra vô vàn mong muốn của mình. Cô khát khao được sống với những gì mình đã vẽ ra - ai cũng như thế cả… Nhưng đôi lúc theo đuổi những điều mình thích cũng thật khó khăn, nhất là khi nó đi ngược lại với những kỳ vọng của gia đình. Ba mẹ cô mong muốn cô theo những “ngành vàng”, dễ kiếm ra tiền như tài chính, ngân hàng,... Chữ cần nghe cô nhắc tới những cái tên như “truyền thông”, “báo chí”, “ngôn ngữ”,... thì mặt họ liền nhăn lại vì trong ý thức của ba mẹ, những ngành đó toàn ngành nghèo, chẳng có mấy giá trị mà lương cũng chỉ ba cọc ba đồng. Những ngày như thế, cô chỉ đành thở dài rồi lặng lẽ làm những điều mình thích sau cánh cửa phòng đóng chặt.
Ba mẹ cô thực tế, cô thì lại hay mơ mộng với lãng mạn, và những cuộc cãi vã không đi đâu về đâu cứ bất chợt nảy ra trong những bữa cơm. Cô nhớ những ngày còn thơ, những ngày mà ba mẹ là siêu nhân, là biết tuốt còn bây giờ cô nghe những gì ba mẹ nói cũng sai, cũng đầy áp đặt cả. Nhưng hằng ngày cơm nước vẫn là ba mẹ nấu, tiền học vẫn là ba mẹ đóng, quần áo vẫn là ba mẹ trả tiền mua cho,...
Cô bỗng cảm thấy hụt hẫng khi nhận thức được mình sẽ phải tự lập, tự đứng trên đôi chân của mình nếu cô muốn sải cánh trên bầu trời tự do của mình. À, hóa ra cô đang dần lớn rồi! Với một đứa con gái 17 tuổi như cô, thế giới người lớn trông thật xa vời, bí ẩn. Và có chăng sợ hãi những thứ mờ mịt, không rõ ràng là một bản năng mà cô chẳng thế nào chống lại được? Ai cũng sợ trưởng thành cả, nhưng rồi ai cũng phải trưởng thành.
Và trong cái nỗi lo lắng ấy, cô lấy ra trong cái bình thủy tinh con hạc giấy thứ mười bảy, và viết nên ước mơ của tuổi 17 - Hãy trở nên dũng cảm nhé! Hai từ “dũng cảm” nghe thật đơn giản, nhưng kỳ thực cô đã gửi gắm vào những dòng chữ như thế rất nhiều kỳ vọng và quyết tâm.
Cô nhất định sẽ theo đuổi ước mơ của chính mình, sống cuộc sống mà mình mong muốn - đó chính là dũng cảm của cô. Nhưng dũng cảm ở cô cũng chính là đối mặt với sự phản đối của ba mẹ, tìm cách thuyết phục ba mẹ của mình. Dẫu sao đó vẫn là ba mẹ của mình mà! Người an ủi khi cô buồn chính là ba mẹ; người chúc mừng những thành tựu của cô cũng chính là ba mẹ; người bất chấp trời mưa lớn thế nào vẫn đèo xe đón cô về chính là ba mẹ; người sẵn sàng mở cửa đón cô về ăn cơm cũng chính là ba mẹ,... Nhưng dù có thế, cô vẫn muốn bay thật xa, thoát khỏi sự áp đặt của ba mẹ. Cô vừa thích, lại vừa không thích ba mẹ.
Có lẽ cái dũng cảm của tuổi trẻ không hẳn là chiến thắng được ba mẹ rồi tách biệt khỏi gia đình, ẩn trong cái thế giới của bản thân, mà chính là tìm được cách hòa giải với ba mẹ, để mỗi khi khó khăn, quay lưng về sau lưng vẫn chính là ba mẹ. Thế thì, để dũng cảm như thế thật khó quá nhỉ? Nhưng thôi, không ai đánh thuế giấc mơ cả.
Tuổi 17, cô đã vẽ nên bao ước mơ như thế, có cái đơn giản, cũng có cái trông sao khó nhằn, viển vông quá. Nhưng cũng chẳng sao cả, cuộc sống còn dài, còn ước mơ cũng có thời hạn đâu!
---
#bila #đọc_để_trưởng_thành
Đọc các bài dự thi tại: https://bila.vn/blogs/nguoi-truyen-cam-hung. Các bài viết ấn tượng sẽ được Bila đăng trên fanpage Bila - Đọc để trưởng thành vào 15h và 20h hằng ngày.