Giỏ hàng

Gen Z Kể Chuyện: Người Lớn Cũng Từng Là Trẻ Con

BÀI DỰ THI 66: NGƯỜI LỚN VÀ TRẺ CON 

Họ tên: irm

/Người lớn cũng từng là trẻ con mà... Chẳng lẽ họ không giống những đứa trẻ bây giờ, sao lại không hiểu trẻ con vậy.../

---

Càng lớn, đi qua bao chuyện, dần dần ta hiểu những điều mà cha mẹ, người lớn đã từng phải trải qua. Những khó khăn, áp lực đè nén, niềm lo lắng, và cả những sự mất mát.

Hồi nhỏ, ta hay thắc mắc đủ điều, hỏi cha mẹ rồi người lớn, giận dỗi họ vì không trả lời mình. Tâm hồn ngây thơ, được dạy bảo những điều tốt đẹp, mong muốn thế giới trở nên tốt hơn và cũng mang trong mình những khao khát lớn lao, ước mơ vời vợi. Trách những người lớn sao không làm những điều tốt đẹp cho xã hội hơn, quan tâm thế giới, môi trường, động vật trong thế giới này hơn. Nhưng khi trưởng thành, bản thân chúng ta tự lúc nào đó lại trở thành chính những người lớn mà chúng ta từng chê trách. Khi lắng nghe những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn mình kể chuyện, ta cũng tự cho mình cái quyền lắng nghe một cách thờ ơ, trả lời một cách vui đùa như cái đặc lợi của kẻ lớn tuổi hơn, cho rằng đó là những chuyện vặt vãnh của bọn nhỏ, mình cũng trải qua rồi có sao đâu. Những lúc đó ta lại không nhớ rằng khi ta là những nhóc tì như thế, ta cũng từng để ý tới sự thờ ơ của người lớn, không lắng nghe chuyện mình kể và chính vì thế, nhiều sự buồn rầu bởi việc chẳng ai lắng nghe câu chuyện của mình đã khiến bản thân ta khép mình lại và chẳng còn muốn kể những điều mà ta đang trải qua cho bất kì ai nữa, kể cả cha mẹ.

Những bữa cơm tôi kể chuyện về bạn bè, thầy cô trên lớp, ở trường,  mà chưa một lần kể về cảm xúc của bản thân mình với cha mẹ. Tôi kể chuyện dù biết có thể những câu chuyện của tôi chỉ là những chuyện trẻ con, vặt vãnh với người lớn, không khiến họ thích thú. Và đúng vậy, đôi lúc cha mẹ tôi cố lắng nghe hết nhưng có khi lại ngắt giữa chừng và nói chuyện về điều gì đó mang tầm vóc ""người lớn"" hơn hoặc sai tôi đi làm gì đó dù tôi đang kể giữa chừng. Khi còn quá nhỏ và ngây thơ, tôi chỉ thấy hơi buồn nhưng càng lớn, tôi lại thất vọng, và không muốn kể hay trò chuyện gì với cha mẹ nữa.

Vài lần ba mẹ đi vắng, nhờ người quen sang ngủ cùng tôi, đó là một người rất thân thiết với tôi, tôi tin tưởng. Khi ngủ cùng, tôi trò chuyện nhiều, và kể một điều mà tôi không kể cho ba mẹ nghe, bảo với người đó giữ bí mật. Đó là lúc tôi chỉ là đứa trẻ cấp một, câu chuyện cũng không phải điều to lớn gì nhưng người đó có vẻ đã coi tôi là đứa trẻ và bí mật được bật mí cho mẹ kể cả khi tôi ở bên. Tôi đã nghĩ có lẽ người đó làm vậy vì muốn tôi và mẹ thân thiết hơn nhưng chỉ một lần như vậy đã tác động tới đứa trẻ chỉ đang khám phá thế giới một cách non nớt ấy. Đứa trẻ đã chẳng còn ai để nói những điều mình sợ, những điều muốn giấu trong tim nữa. Những việc nhỏ nhặt hình thành con người và dẫn dắt quá trình trưởng thành. 

Khi còn là đứa nhỏ học mẫu giáo, bạn bè chỉ chủ yếu ở trong xóm, tôi chơi vui lắm, trẻ con mà, chỉ ăn, ngủ, chơi rồi phá. Tôi cùng đám trẻ quậy khắp các nhà rồi trong xóm. Nhưng thời gian rồi hoàn cảnh, nhiều thứ khiến cho chúng tôi chẳng còn nói chuyện, chơi cùng, bây giờ gặp nhau cũng ngại ngùng thậm chí nhiều năm tôi còn không gặp người anh mà hồi bé tôi vẫn hay chơi.

Kết thúc một độ tuổi, sang một năm, thêm một tuổi, cũng là lúc kết thúc những mối quan hệ và bắt đầu những trải nghiệm mới cùng những con người mới. Có lẽ cuộc sống là thế. Trẻ con nghĩ rằng sẽ mãi làm bạn với ai đó khi chỉ mới là đứa trẻ 5 tuổi, chẳng nghĩ về sau này tình bạn sẽ ra sao. Người lớn thì biết mối quan hệ lúc nào sẽ dài lâu hơn và tình bạn nào rồi sẽ kết thúc. 

Trẻ nhỏ thường nghe nói người lớn khổ lắm, phải lo toan nhiều thứ, vất vả đủ điều. Chúng biết điều đó, nhưng phải đến khi cảm nhận những nỗi niềm đó, chúng mới thấu hết những điều mà chúng được nghe hồi nhỏ. Giống mọi người thường nói : ""Con cái đến khi làm cha mẹ rồi mới hiểu được công lao, hy sinh của cha mẹ."" Khi đã lớn, mối quan hệ của tôi được mở rộng và việc cần đến tiền càng nhiều hơn. Trong khi bạn bè có tiền tiêu, rủ đi chơi, bản thân lại chẳng dám xin tiền ba mẹ, rồi đi vay, sống trong sự thiếu thốn, nợ nần dù chỉ là chút ít tiền. Hóa ra người lớn coi trọng giá trị đồng tiền cũng bởi vậy, chỉ vì tiền đáng giá thôi. Không có tiền, ta sẽ mắc kẹt trong vài mối quan hệ nào đó, đôi khi là tình bạn thân thiết, tình yêu - việc mà chẳng ai thoải mái lắm. Nỗi lo lắng, áp lực từ thất bại cũng khiến những đứa trẻ từng mơ mộng trở thành những người lớn chẳng còn nhớ ước ao ban đầu. Thành công và ai đó sẽ tin tưởng, kỳ vọng bạn rồi bùm....Thất bại khiến ta thất vọng, ngại nhìn những người xung quanh rồi áp lực đi lên từ thất bại sẽ nặng nề vô cùng. Nhưng nỗi đau từ việc mất đi ai đó là điều khiến đứa trẻ thực sự trưởng thành. Mất đi tình bạn, tình yêu không thể cứu vãn hay cái chết, sự sống do một vị thần nào đó ta chẳng biết được thay đổi cái nhìn, nhận thức của chúng ta. Nếm trải nỗi đau mất đi người thân thương đến cứa vào trái tim, ta mới biết người lớn trải qua biết bao nỗi đau như vậy. Trái tim họ đã chai sạn. Giữ trong mình biết bao suy tư, cô đơn chỉ có thể thổ lộ qua ánh mắt, vài câu nói vu vơ.... 

Người lớn cũng từng là trẻ con mà... Chẳng lẽ họ không giống những đứa trẻ bây giờ, sao lại không hiểu trẻ con vậy, sao không biết rằng trẻ con đang khao khát nhiều điều từ người lớn như người lớn từng khao khát khi còn là những đứa trẻ.... Người lớn đã trải qua quá nhiều sự đau buồn, họ đã sống vừa đủ để hiểu cuộc sống không còn màu hồng nữa.... Trẻ con thì lại quá nhỏ để hiểu được hết nỗi đau, suy nghĩ trong lòng người lớn đã khiến họ chẳng còn tâm trí để lắng nghe tâm tư trẻ nhỏ một cách sâu sắc nhất.... Và tuần hoàn như thế, người lớn thiếu sự lắng nghe khiến trẻ cô đơn, nhạy cảm và trẻ lại trở thành một ""người lớn"" tiếp theo. Có lẽ bất kì người lớn nào cũng từng ao ước về một thế giới tốt đẹp hơn, từng mang nhiều ước mơ đẹp đẽ, chỉ là cuộc sống, guồng quay xã hội, con người cuốn họ đi theo những điều mà họ mong rằng sẽ bớt chông gai hơn bởi nỗi đau đã làm họ quên đi ước mơ, nghĩ đến điều giản đơn hơn. "

---

#bila #đọc_để_trưởng_thành

Đọc các bài dự thi tại: https://bila.vn/blogs/nguoi-truyen-cam-hung. Các bài viết ấn tượng sẽ được Bila đăng trên fanpage Bila - Đọc để trưởng thành vào 15h và 20h hằng ngày.

 

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top