Giỏ hàng

Gen Z Kể Chuyện: Sẽ Ra Sao Khi Chứng Kiến Người Thân Yêu Nhất Chết Mòn?

BÀI DỰ THI 240: SẼ RA SAO KHI CHỨNG KIẾN NGƯỜI THÂN YÊU NHẤT CHẾT MÒN?

Họ và tên: Tuệ Mẫn

/Sự mất mát không phải là tuyệt vọng cũng chẳng phải khổ đau mà là khởi đầu của một cuộc đời và sự trưởng thành./

---   

Khoảnh khắc ấy, là bi kịch thảm hại của cuộc đời tôi, là cái giáng căm phẫn, thê thảm của ông trời xuống tâm trí của một đứa trẻ đang độ tuổi nổi loạn, nhằm trừng phạt cho sự ích kỷ của nó, buộc nó phải trả giá đắt cho sự vô tâm phảng phất trên gương mặt, sự đau đớn tột cùng trong cảm xúc và sự hối hận muộn màng của trái tim.

Tôi như bao đứa trẻ khác, khôn lớn một cách đơn thuần lặng lẽ trong sự bao bọc của gia đình. Rồi đến một ngày tôi cũng sẽ là một thanh thiếu niên hùng hổ, nổi loạn, cứng đầu, ham muốn ngấu nghiến, thưởng thức thế giới ngoài kia nhưng tôi không bao giờ quên rằng tôi cũng từng là một đứa trẻ nhởn nhơ, vô tư, hồn nhiên yêu đời, biết cười biết nói, biết khóc, biết đau….

Tôi cũng có cảm xúc mãnh liệt của một con người thực thụ nhưng nó đã bị chôn vùi sâu trong trái tim cũ mèm, nó tựa như chiếc lá cuối cùng của mùa thu không thể lao tới giành giật, không thể ngắm nhìn lần nữa. 

Tôi không lập dị, không khác thường nhưng cũng chẳng phải hòa ái, tôi chỉ hiểu duy nhất một điều, tôi là tôi.

Tôi nhớ tôi của hồi trước, cô bé đứng dưới mùa hoa nở, đem sắc trắng tinh khiết, giãi bày cả mùa hoa; chìm đắm trong mộng tưởng, nụ cười của cô tựa đóa ban trắng lung linh đầy sắc màu; hai má phúng phính hồng hây hây, mái tóc tựa dải lụa đào, phấp phới giữa gió thu.

Nhưng chỉ ít lâu sau khi nghe tin ông tôi phải nhập viện do suy thận, tôi tím tái mặt mày, dẫm đạp sự ngây thơ, mang hình hài người lớn. 

Bố mẹ tôi vừa ly hôn, tôi ở với mẹ, anh tôi ở với bố, tôi thấy cho dù tôi có chọn ai thì khoảng trống tình cảm vẫn không thể được lấp đầy chỉ bằng một người, nhưng sự thật là tôi thương mẹ, bà vất vả nhọc nhằn kiếm từng đồng bạc để trang trải cuộc sống.

 Vì vừa ly hôn nên lúc bố tôi đến thăm ông thì lại thiếu vắng bóng dáng mẹ và ngược lại. Tôi vẫn đi học như thường lệ, nhưng quả là tâm bất bình thì ở đâu cũng bất yên. 

Đối với tôi, ông là cả một tuổi thơ, ông dạy tôi nhiều thứ như làm diều, làm máy bay giấy và chong chóng. Mắt tôi luôn dính chặt vào con diều ông thả trôi trên bầu trời xanh thẳm, bị hút hồn bởi chong chóng bảy màu nhẹ nhàng xoay đều trong gió và thả hi vọng vào từng chiếc máy bay giấy nho nhỏ.

Ngày hôm ấy, sau khi đi học về, tôi không màng đồng phục hay sách vở. Chạy ngay lên bệnh viện chỉ mong ông vẫn còn nằm đó, vẫn chờ tôi trở về. Khung cảnh bệnh viện thật sang trọng, sạch sẽ biết bao nếu không có những bảng thông báo phòng khám, tôi cứ ngỡ như lạc vào tòa lâu đài của một vị lãnh chúa quyền lực.

Ông tôi phải chạy thận cấp tốc cũng như do cơ thể suy nhược nên được bố trí phòng riêng, tôi bước từng bước chân nặng nề, lẳng lặng đi vào phòng bệnh. Tất cả những gì tôi thấy là một cơ thể yếu ớt, đôi môi nứt nẻ, cánh tay gầy gò, nhăn nheo  phải chịu đựng sự đau đớn của những sợi dây truyền dày đặc xếp chồng lên nhau, những kim tiêm cắm sâu vào da thịt, bên cạnh giường bệnh là chiếc máy “chạy thận nhân tạo” được bệnh viện cung cấp để ông tôi có thể duy trì sự sống mong manh. 

Ông dường như trông thấy tôi, cánh tay do chịu áp lực nặng nề, không thể nhấc lên để bày tỏ sự chào đón, nhưng tôi cảm nhận được ánh mắt thoáng có sự mừng rỡ, trìu mến mà ông dành cho tôi. Hôm đó, tôi ở lại bệnh viện, kể chuyện trên trường  lớp cho ông nghe. Đến khi dừng lại để hít lấy bầu không khí, tôi mới chợt nhận ra, trời đã nhá nhem tối, tôi chào tạm biệt ông rồi nhanh chóng trở về nhà.

Vài ngày sau, tôi vẫn đến thăm ông như thường lệ nhưng hôm nay tôi phải thi để hoàn thành chương trình học. Sau khi đi học về tôi mệt lả người, không còn tí sinh lực, nằm uể oải trên giường, bỗng tôi nhận được một cuộc gọi của bác sĩ phụ trách phòng bệnh, bảo tôi phải đến bệnh viện ngay lập tức do không liên lạc được với người nhà.

Khi đến bệnh viện, bác sĩ hỏi tôi là người nhà đâu hết cả, cần nói chuyện gấp. Tôi biết ắt hẳn là liên quan đến ông, tôi vội bảo: “Bố mẹ cháu tạm thời có việc gấp nên không đến được hay là bác nói với cháu rồi cháu chuyển lời đến bố mẹ ạ.”

Bác sĩ thở dài, rồi nói với tôi về bệnh tình của ông: “Ông cháu do tuổi cao, sức đề kháng kém cộng với suy thận nên phải tiến hành phẫu thuật ngay, có thể chỉ còn vỏn vẹn hai tuần thôi.”

Tôi cố kìm lại những giọt nước mắt đang gào thét, tôi cảm ơn bác sĩ vì đã tận tình theo dõi ông. Tôi còn biết làm sao đây, tôi chẳng thể làm gì ngoài chờ đợi, tôi sợ lắm sợ cảm giác mất mát, sợ nỗi buồn lắng đọng, sợ hai tuần trôi qua trong tức khắc, sợ không còn được nắm đôi bàn tay ấm áp, quen thuộc.

…..

Sau khi phẫu thuật và xếp phòng ổn thỏa, tôi mới có thể về nhà. Bầu trời hôm đấy thật đẹp, hoàng hôn như dần hiện ra ngay trước mắt, những màu sắc vàng, đỏ, hồng loang vào nhau, tạo thành khung cảnh mê hoặc lòng người khiến cho ai cũng phải dừng lại chiêm ngưỡng.

Về đến nhà, tôi dùng tay đấm mạnh vào tường đến khi nó sưng đỏ, lấm tấm vài vết bầm tím, tôi hận bản thân vô dụng, hận chuyện đời rối ren, hận mảnh đời bất hạnh. 

Tôi chỉ là đứa trẻ còn cắp sách đi học, chứng kiến khung cảnh ông ngày một yếu dần, bàn tay ngày một lạnh lẽo như băng tuyết, chỉ biết nhìn ông khẽ bước từng bước về phía chân trời, lòng tôi không khỏi đau xót, nó nhói lên từng hồi, thổn thức trong vô vọng. Tôi cắn chặt môi đến khi nhỏ máu, từng giọt nước mắt ngắn, dài từ từ rơi xuống sàn nhà mới toanh tạo thành một vũng nước lắng đọng, sống mũi cay xè, ngạt ngạt và rất rát. Kể từ ngày hôm ấy, tôi như một bức tượng vừa được tạc, chẳng phải do tôi trắng trẻo, hoa mĩ, diễm lệ mà do tôi vô cảm.

Đôi mắt vô hồn lướt quanh căn phòng chật hẹp, tăm tối, lạnh lẽo rồi lại cắm mặt vào đùi nức nở. Tôi lại càng không thể tha thứ cho anh trai vì đã bỏ lại tôi trong thời khắc trống vắng, nhưng tôi không thể suốt ngày trách móc, suốt ngày khổ sở u sầu.

Tôi quyết định đến chào ông lần cuối, vẫn như vậy, vẫn là khung cảnh xa hoa, quen thuộc, tôi cũng không thể nào quên mua vài ba nhanh hoa hồng - loài hoa ông yêu thích từ bao lâu nay. Tôi mua đủ “mười sáu” bông, nó có ẩn ý rằng: “Chúc ông thượng lộ bình an”, tôi chọn những bông tươi nhất, đẹp nhất để không bị thua thiệt trước thời khắc ngắn ngủi nhưng lại bằng cả đời người. 

Khung cảnh vào một buổi sáng tinh mơ, ánh nắng gõ cửa phòng ông như nuối tiếc một cuộc đời vĩnh cửu, tôi cảm giác không gian xinh đẹp tựa như nữ thần “Aphrodite” của Hy lạp cổ đại. Tôi bước đến, đặt bó hoa bên giường, rõ ràng là buổi sáng nhưng sao mắt ông vẫn nhắm chặt, hơi thở lộ rõ sự kiên cường còn sót lại, tôi nắm tay ông như cứu vớt chút hơi ấm cuối cùng, cùng nỗi nhớ da diết pha lẫn sự tiếc nuối của một linh hồn đang chơi vơi giữa sự sống và cái chết lìa đời. Không biết có phải do bụng tôi đang than thở vì thiếu thốn nên hoa mắt hay thật sự là ông đã cười với tôi, nụ cười ấy không phải nụ cười gắng gượng chất chứa sự đau khổ trước lưỡi hái mà là nụ cười mãn nguyện cho kết thúc của một cuộc phiêu lưu đầy tình yêu và những trải nghiệm đáng nhớ.

 Đến cuối đời, ông vẫn chính là ông, “chạy thận nhân tạo” dù có quái ác, giằng xé cơ thể xơ xác cũng chẳng thể đánh bại nội tâm can đảm, kiên định và đầy ý chí. Người ông của những tuổi hồng nên thơ, người ông của lũ trẻ kiên cường. 

“Sự mất mát không phải là tuyệt vọng cũng chẳng phải khổ đau mà là khởi đầu của một cuộc đời và sự trưởng thành. Tôi có thể tưởng tượng cuộc đời mình là một đường ray xe lửa, tàu hỏa hiện thân cho tôi, cho dù đường ray có rạn nứt thì bánh xe tàu hỏa vẫn tiếp tục quay, chỉ có chấp nhận thử thách thì tôi mới trưởng thành.”

Tôi nói sự mất mát là tiếp nối của một cuộc đời, chẳng hạn như những tán lá lìa xa cành cây, lìa xa mái ấm vào thời điểm đổi mùa, nó chấp nhận nhường chỗ cho những mầm non mới nhú, nó trao sự sống cho những chồi non ở lại, cũng giống như con người có khởi đầu, có thất bại và có kết thúc.

Gửi đến bạn vài dòng thơ cũ, mong rằng bạn sẽ lắng nghe, lắng nghe thỉnh cầu của một tuổi trẻ, lắng nghe những suy nghĩ sâu tận đáy lòng:

“Đêm nay,

Khi cháu chìm vào giấc ngủ

Ông sẽ kể cháu nghe câu chuyện ngày xưa cũ

Chuyện kể rằng có một cô bé nọ

Trưởng thành với những nỗi nhớ miên man.”

---

#bila #đọc_để_trưởng_thành

Đọc các bài dự thi tại: https://bila.vn/blogs/nguoi-truyen-cam-hung. Các bài viết ấn tượng sẽ được Bila đăng trên fanpage Bila - Đọc để trưởng thành vào 15h và 20h hằng ngày.

 

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top