Giỏ hàng

Gen Z Kể Chuyện: Sống Ảo Có Phải Là Sống Không?

BÀI DỰ THI 216: SỐNG ẢO CÓ PHẢI LÀ SỐNG KHÔNG? 

Họ và tên: Dương Trân

/Mỗi người trong thế giới này cần đặt niềm tin vào bản thân, đặt niềm tin vào năng lực, can đảm nhìn bản thân, can đảm sống và biết “sự sống” thực sự là gì./

---

Cụm từ “Sống ảo” có lẽ đã quá quen thuộc với chúng ta. Mọi người thường rủ rỉ truyền tai nhau rằng sao thế hệ ngày nay thích sống ảo vậy nhỉ, rồi nào là sống ảo chả có gì tốt đẹp cả. Sinh ra trong một thời đại mà công nghệ trở thành một phần tử không tách biệt với sự phát triển về tinh thần và thể chất, tôi đã lớn lên trong thế giới “ảo”. Người ta hay định nghĩa rằng sống ảo là cuộc sống mà những gì ta thể hiện trên mạng xã hội hay trên các trang thông tin trực tuyến khác với những gì ở ngoài đời thực. Nhiều người lại nghĩ rằng sống ảo là lối sống luôn chăm chăm vào sự hoàn hảo hão huyền mà quên đi cuộc sống thực tế. Tôi lại nghĩ rằng thế giới này liệu có phải ảo khi mà mỗi người đằng sau màn hình vi tính rõ ràng là cũng là con người cả mà.

Nói đến đây tôi hay thường chất vấn bản thân mình, “sống” là gì? Dù tôi sinh ra ở cột mốc giữa thế hệ Z, năm 2005, thì tôi cũng như bao người khác cũng được sinh ra và rồi ra đi. Tôi đang sống. Đối với tôi sống với con người nói riêng là được suy nghĩ là được hành động và có những lý tưởng hay mục đích riêng. Tôi thuộc tuýp người coi trọng đam mê như thể đó là cả bầu trời của sự sống. Tôi cố gắng làm mọi thứ để có thể thực hiện những dự định cao xa của mình. Tôi bắt đầu từ những bước chân bé nhất nhưng khi đi được một quãng đường dài tôi lại hỏi bản thân tại sao tôi phải làm điều này, ảnh sáng ở cuối đường hầm khi nào mới đến? Ở độ tuổi 16, người lớn hay trẻ em đều không đúng với tôi, chật vật với nhiều deadline, bài thi, điểm số, sở thích,.. Tôi chỉ biết làm hết sức mình, làm những việc ưu tiên trước.

Tôi được nghe kể về câu chuyện “This is water” (Đây là nước) của David Foster Wallace. Câu chuyện kể rằng có hai chú cá đang bơi thì có một chú cá tới nói: “Chào buổi sáng? Nước hôm nay thế nào?” 

Hai chú cá bơi được một chút thì một trong hai quay lại nhìn người bạn của mình và hỏi “Nước là cái quái gì?” 

Đúng thật, con người chúng ta cũng chẳng khác gì chú cá trong truyện- trời sinh ta ra để lao động trong cuộc sống cũng như loài cá là bơi trong nước. Bơi, bơi, bơi mà chẳng hề đặt câu hỏi mình đang ở đâu. Tôi thấy mình cũng giống những chú cá ấy, khi nào cũng tự nhủ hôm nay phải thật năng suất, hôm nay phải cố, hôm nay phải nỗ lực. Tôi chưa bao giờ hỏi rằng “sống” là gì. Giờ đây tôi cũng tìm thấy một mảnh ghép trong vô vàn mảnh ghép trong cuộc đời này. Chúng ta cần lùi lại một bước để hiểu được cuộc sống là gì, chuyện gì xảy ra để khi tiếp tục bơi, mình sẽ có phương hướng. 

Trong thế giới mà công nghệ là xương sống của xã hội, tôi nhìn thấy mạng xã hội hay những gì hiển thị trên màn hình không phải là điều gì xấu xí và bóng bẩy. Đó là cơ hội của mỗi người chúng ta có thể soi chiếu bản thân mình với cuộc sống thực tại. Mỗi người chỉ có một cuộc sống nhưng thế giới ảo ấy lại cho ta sống thêm nhiều lần. 

Tôi là người rất cẩn trọng, tôi ít nói và cũng chẳng muốn thể hiện quan điểm của bản thân nếu thấy người đối diện không cảm thấy hứng thú. Nhưng đối với nền tảng số thì khác, tôi có thể thể hiện cá nhân tôi, tôi có thể nói lên những điều mình chưa bao giờ dám đối mặt trước đó. Sẽ có nhiều người lại tranh biện rằng, vì sự tự do ấy khiến chúng ta không ngừng chà đạp lên những người khác, đăng những bình luận ác ý và bêu xấu người mình không thích. 

Tất nhiên mọi việc đều là con dao hai lưỡi, tự do thì luôn đi kèm trách nhiệm. 

Một điều tôi cảm thấy khó làm nhất trong đời không phải là can đảm vượt qua nỗi sợ mà là đối diện với suy nghĩ sâu trong đáy lòng mình. Biết được mình có suy nghĩ khác với những gì mình từng có trước đây là sự mâu thuẫn trong tâm hồn bản thân. Tuy vậy khi mạnh dạn nhìn vào bản thân ở quá khứ, khi được tiếp thêm nguồn động lực hay được nghe những lời khuyên của những người xa lạ mà đôi khi chỉ mới lướt lên được 1 giây lại khiến tôi có câu trả lời với chính bản thân mình. Tôi thích một câu trong cuốn sách thế hệ Z - thế giới này không phẳng, nó chỉ được kết nối mạnh mẽ mà thôi. 

Nhưng mặt trái của thế giới tiện nghi ấy đã khiến tôi cảm thấy mệt mỏi với việc nhìn thấy những hình mẫu, cuộc sống đẹp đẽ của người khác. Có những lúc tôi cảm thấy mình như chú ếch ngồi đáy giếng cứ nghĩ mình tốt nhất, mình tuyệt vời nhất- kiêu căng. Thế nhưng nếu chú ếch được sống trong thế giới thực ngay từ đầu chú ấy có hạnh phúc không? Chú ếch ấy có thấy thế giới này phù hợp với mình nữa không? 

Trên các nền tảng số cũng vậy, đó là một thế giới rộng mở, nó là cánh cửa và cũng là giọt nước mắt khiến tôi cảm thấy mình thật tệ hại và không giỏi giang. Vậy tôi có đổ lỗi cho “sống ảo”? 

SỐNG ẢO CÓ PHẢI LÀ SỐNG KHÔNG? 

Tôi nghĩ sống ảo là sống- thật vậy, ở đây ta có cảm xúc, có thể hiện, có sự tương tác, được trở thành một hình mẫu mà vòng quan hệ của ta không chấp nhận. Khi ta được bước ra thế giới không có biên giới ta lại nhận được sự thấu hiểu từ người lạ hơn quan hệ ruột thịt. Tôi luôn nhớ đến một câu quote "Con chim đậu trên cành không bao giờ sợ cành cây gãy, bởi niềm tin của nó không đặt vào cành cây, mà đặt vào đôi cánh của chính mình". Tôi nghĩ mỗi người trong thế giới này cần đặt niềm tin vào bản thân, đặt niềm tin vào năng lực, can đảm nhìn bản thân, can đảm sống và biết “sự sống” thực sự là gì.

---

#bila #đọc_để_trưởng_thành

Đọc các bài dự thi tại: https://bila.vn/blogs/nguoi-truyen-cam-hung. Các bài viết ấn tượng sẽ được Bila đăng trên fanpage Bila - Đọc để trưởng thành vào 15h và 20h hằng ngày.

 

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top