Giỏ hàng

Gen Z Kể Chuyện: Tôi Của Quá Khứ

BÀI DỰ THI 255: TÔI CỦA QUÁ KHỨ

Họ và tên: Kashiko Nguyen

/Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thật sự trở thành ‘tôi’ nhưng tôi đã hạnh phúc hơn rất nhiều. Tôi vẫn sẽ tiếp tục bước trên con đường mà mình chọn cho dù có chông gai ra sao./

---

“Bạn đã từng tìm lại chính mình của quá khứ chưa? Nghe thật kì cục đúng không? Cũng bởi, thông thường người ta sẽ hướng đến tương lai để thay đổi tốt hơn nhưng tôi thì ngược lại, tôi đã và đang tìm lại bản thân của ngày xưa đây! Cùng ngồi xuống và lắng nghe nhé!”

“Tôi sẽ bắt đầu câu chuyện với trường mầm non thân yêu.”

Cứ mỗi dịp chuẩn bị cho văn nghệ hay cuộc thi hát mà tỉnh tổ chức, tôi dám chắc rằng: cô giáo sẽ chọn tôi đầu tiên. Bởi lẽ, lúc ấy, tôi là đứa có gương mặt dễ thương, giọng hát tốt và khả năng múa không đến nỗi là tệ. Bên cạnh đó, gia đình tôi cũng rất thích tôi tham gia những cuộc thi nên ủng hộ nhiệt tình bằng cách: tập cho tôi hát đúng nhịp, kiểm tra động tác múa,... Có một hậu phương vững chắc như thế thì tôi không thể nào thiếu tự tin được. Tôi tỏa sáng hết mình trên sân khấu, phô diễn hết kỹ năng mà mình học. Và vì vậy...tôi đã “ẵm” hàng chục giải thưởng từ bé đến lớn. 

“Mọi thứ thật tuyệt!”

“Đúng vậy! Lúc kể lại tôi vẫn cảm giác lâng lâng cơ mà, nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi ở trường tiểu học đấy! Cùng lắng nghe tiếp nhé!”

Với “Profile” hoàn hảo về mảng ca hát, không khó đoán được rằng các giáo viên bộ môn âm nhạc trường tiểu học sẽ săn đón tôi. Tôi tiếp tục “sự nghiệp” cho đến lớp 2 thì biến cố ập đến. 

Ngày ấy, quê tôi là một vùng quê vẫn chưa phát triển. Hầu hết người dân sống dựa vào nghề nông là chính nên cuộc sống không được khá giả. Con cái trong nhà thì mặc đồ của nhau, đồng tiền lo cho bát gạo còn chưa đủ thì làm sao người ta dám nghĩ đến làm đẹp, văn hoá lễ hội,...Tôi lại may mắn được sinh ra trong gia đình có kinh tế khá ổn nhờ bố làm giáo viên và mẹ là y tá. Bên cạnh đó, mẹ tôi là người chu đáo, tinh tế muốn tất cả thành viên trong gia đình luôn phải ăn mặc lịch sự, tươm tất. Vì điều đó mà tôi khác chúng bạn về phong cách ăn mặc. Ngoài ra, tôi cũng thường tham gia cuộc thi ca hát nên tôi khác về sự tự tin trên sân khấu cùng với khả năng ca hát.

Đến trường, bạn bè nhìn tôi bảo: “Còn đó mặt trát đầy phấn, *mần trạng đồ, bày đặt”. Đi đến đâu, tôi cũng thấy những ánh mắt châm chọc, dè bỉu, mỉa mai vì trước đó, tôi đã hát trong buổi lễ khai giảng. Các bạn cũng bắt đầu xa lánh tôi, chúng nó “kéo bè kéo lũ” tẩy chay tôi cũng vì chuyện đó. Trong suy nghĩ của một đứa trẻ thì điều đó thật sự rất tồi tệ. Tôi ghét chính bản thân mình vì TÔI KHÁC BIỆT. Tôi bắt đầu né tránh các buổi ca hát của trường mặc cho thầy cô, gia đình hết mực khuyên bảo. Có lẽ, vì tôi không nói ra lí do nên người lớn vẫn cố bắt ép. Tôi cũng dần xa lánh mọi người và chọn “niềm vui một mình” cho bản thân. Tôi luôn né tránh những người bạn mới vì tôi sợ một ngày nào đó họ cũng sẽ giống những người trước khi.

Và một mùa Trung Thu nữa lại đến, tôi vẫn tiếp tục cố gắng né tránh việc ca hát, mặc váy, trang điểm,...nhưng cái bản năng, cái niềm yêu thích đó đã ngăn tôi lại. Tôi ĐÃ CHẤP NHẬN HÁT trong buổi văn nghệ trung thu ấy. Tôi lại được luyện hát với chị gái, mặc lên mình một bộ váy thật đẹp. Thế nhưng, 2 giờ đồng hồ trước khi biểu diễn tôi sực nhớ lại những hình ảnh cũ, những ánh mắt dè bỉu, mỉa mai. Tôi đã bật khóc và nhất quyết không đến trường tham gia. Chị tôi phát bực lên vì chẳng biết vì sao. Tôi cố khóc lớn hơn để sự thương cảm của chị cứu lấy tôi. Đáng tiếc thay, tôi không thành công. Chị tôi vẫn tiếp tục ra sức thuyết phục và một lần nữa, cái mong muốn trong tôi lại chiến thắng ngay phút 45. 

Chị tôi lao nhanh trên con xe đạp cũ đến trường tiểu học để kịp buổi biểu diễn. Còn một tiết mục nữa là tôi lên sân khấu, cũng khá lâu rồi tôi mới được là chính mình. Tôi đứng sau cánh gà, lau đi những giọt nước mắt còn sót lại và run sợ. Tiếng cô giáo đọc to lên tôi với tiết mục “Tết Suối Hồng”. Tôi bước ra khỏi tấm màn sân khấu. Đùng...Bao nhiêu ánh mắt đang hướng về tôi, những em nhỏ lớp 1, lớp 2, những người bạn với ánh mắt ám ảnh tôi ngày ấy và những anh chị lớp trên. Trong tâm trí tôi xuất hiện câu hỏi:

“Nếu mình biểu diễn thì các em nhỏ sẽ nghĩ gì? Các anh chị lớn hơn sẽ mỉa mai tôi là đứa mần trạng?”

Ngay lúc ấy, nốt nhạc dự báo vào lời bài hát vang lên đánh động tôi quay lại tiết mục. Tôi...đã HÁT SAI LỜI BÀI HÁT. Ngay câu đầu tiên của bài, tôi nhầm sang lời của bài hát khác, tôi đứng hình và mắt tôi lại trào ra một thứ nước tưởng chừng đã cạn. Tôi hoang mang, tôi sợ hãi, tôi chỉ biết đứng đó và khóc để một lần nữa, mong nước mắt sẽ cứu lấy chính mình. Trong ánh mắt ấy tràn ngập nỗi sợ của hình ảnh châm chọc ngày xưa. Tiếng cười vang khắp sân trường hôm ấy, tôi được đưa xuống sân khấu mà chẳng dám nhìn ai. Ngay cả ca sĩ chuyên nghiệp, họ cũng đã phải tập luyện xử lý rất nhiều tình huống bất ngờ nhưng vẫn không tránh khỏi loay hoay khi gặp phải trường hợp này, huống gì tôi đã lâu không đứng trên sân khấu. Đây quả là một “món quà tuyệt vời” để TÔI CHẤM DỨT “TÔI” 

“Theo tôi nghĩ, chỉ cần có một người đến và an ủi tôi thì mọi chuyện sẽ không tiếp tục tệ như thế nữa đâu!”

“Gia đình thì sao? sao cậu không chia sẻ?”

“Tôi đã ‘lục’ trong trí nhớ của mình rồi! Nhưng không có. Có lẽ vì thế mà nó vẫn ám ảnh tôi những năm cấp 2 sau đó đấy! hoặc gia đình tôi chỉ quan tâm trong phút chốc ấy thôi”

Năm tháng ấy trôi qua lặng lẽ, thật nhạt nhoà. Tôi vẫn đến trường với niềm vui được mọi người đối xử tốt hơn. Nhưng đâu đó trong đôi mắt tôi vẫn ánh lên mong muốn được đứng trên sân khấu, được làm những điều mình thích, được nói chuyện với những người mình mong muốn,... Phải chăng muốn trở thành chính mình đồng nghĩa với việc tôi phải đánh đổi những người bạn? Và sách đã đến để mang tôi ra khỏi cái “tổ” lo sợ ấy. 

Bắt đầu với những cuốn truyện mà chị tặng. Tôi bắt đầu biết tận dụng Internet nhiều hơn, đặt mua cho mình những cuốn sách phát triển bản thân. Dần dà, tôi nhận ra rằng khác biệt thật tuyệt vời. Sẽ luôn có người nhận ra khi mình lạc giữa đám đông, sẽ luôn có một ấn tượng riêng khi ai đó nhìn thấy mình. Tôi đã thử bước ra khỏi “cái tổ” từng bước, từng bước … Dù thay đổi không quá nhiều nhưng đủ để tôi thấy mình của ngày xưa ấy. Một người tự tin, hòa đồng với mọi người, làm những điều mình thích,...

“Đó là chặng đường sóng gió tôi tìm lại chính mình. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thật sự trở thành ‘tôi’ nhưng tôi đã hạnh phúc hơn rất nhiều. Tôi vẫn sẽ tiếp tục bước trên con đường mà mình chọn cho dù có chông gai ra sao. Cảm ơn vì đã sinh ra con bé với cuộc sống đầy giông tố này, tuy đã vùi dập nó nhưng vẫn dành một con đường nhỏ để nó tiếp tục kiên cường, tiếp tục cố gắng. Cuộc đời cứ ngỡ là không công bằng nhưng nó thật sự công bằng. Không gì tuyệt hơn khi mình được là chính mình.”

*Mần trạng (tiếng địa phương): thích được trang điểm, thích kiêu kỳ cho người khác xem

Bày đặt (tiếng địa phương): cố tỏ vẻ

---

#bila #đọc_để_trưởng_thành

Đọc các bài dự thi tại: https://bila.vn/blogs/nguoi-truyen-cam-hung. Các bài viết ấn tượng sẽ được Bila đăng trên fanpage Bila - Đọc để trưởng thành vào 15h và 20h hằng ngày.

 

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top