Giỏ hàng

Gen Z Kể Chuyện: Trước Khi Làm Cha, Cha Cũng Từng Như Con

BÀI DỰ THI 131: TRƯỚC KHI LÀM CHA, CHA CŨNG TỪNG NHƯ CON

Họ tên: Chân Đất

/Còn sau đó, khi con lớn thật rồi, lúc ấy cha lại già đi. Khi ấy con mới hiểu được làm cha cũng thật khó./

---

Cha và con trai, đó lại là một câu chuyện bình thường trong gia đình Việt Nam. Với con trai, việc thể hiện tình cảm với cha là một điều gì đó thực sự rất là khó khăn. Bạn có thể về nhà, ôm lấy cổ mẹ, sà vào lòng mẹ để mẹ vuốt ve, xoa đầu. Kể cho mẹ nghe về nhiều chuyện, trên trời hay dưới bể. Nhưng với cha, đó là một điều gì đó rất khó với một người con trai. Nếu bạn là con trai, bạn đã thử làm như thế chưa? Và bao nhiêu người làm được điều tưởng như đơn giản ấy nào? Tôi thì thuộc nhóm không thể làm được điều đó.

Cha và con trai. Nghĩ thế nào được nhỉ? Chắc hẳn không phải mình tôi mà có thể rất nhiều bạn nam khác cũng chung quan điểm này: “Cha với con trai thường hay khắc khẩu với nhau”. Nghĩa là khó nói chuyện được với nhau. Khó cùng một quan điểm và nếu có nói chuyện, thì thường hay bốc đồng và trở nên cãi cọ. Có cảm giác mỗi lần gần cha và đề đạt hay nói chuyện với cha là có những cảm giác bứt rứt không yên trong lòng. Một, hai, ba,.. đến n lần nói chuyện đều vậy. Mặc dù cả hai cha con đã được mẹ khuyên là nên bình tĩnh và cùng nhau nói chuyện.” Con thì cứ đề đạt những ý kiến của con cho cha con biết, nói nhẹ nhàng, bình tĩnh thôi, không đi đâu phải vội”. Còn mẹ nói với cha cũng chỉ là : “Anh/ông xem thế nào nói chuyện với con nó nhẹ nhàng thôi, nghe nó nói xong góp ý nhẹ nhàng. Không có gì mà hai cha con cứ gắt gỏng với nhau suốt vậy.” Nhưng rồi, chả mấy câu chuyện thành công mà cuối cùng toàn đi vào một ngõ cụt vô hình.

Tôi thường thấy Cha hợp tánh với đứa con gái của  mình hơn. Ít khi thấy Cha lại khắc khẩu với con gái. Còn mẹ thì khác, Mẹ giống như người giảng hòa thứ thiệt trong nhà vậy. Mẹ luôn đứng giữa tất cả mối quan hệ trong nhà. Là người mở lối cho các con gần với Cha, mẹ. Cũng lại là người làm nguôi ngoai cơn giận của Cha mỗi khi con cái làm Cha mẹ phiền lòng. Thực ra, nói chuyện với mẹ đôi khi rất là dễ, còn khi nói chuyện với cha thì hoàn toàn ngược lại…

Cha với con trai, vẫn thường là vậy. Có lẽ chỉ có một số ít trong đó mà con trai hòa hợp được với cha. Thực ra nó không phải một định kiến mà chỉ là xuất phát từ cảm giác. Hai người đàn ông/ con trai, chẳng thể nào tự dưng mà dễ dàng nói chuyện hay hòa hợp. Giống như việc để hai cục nam châm cùng dấu gần nhau vậy. Chắc chắn là sẽ đẩy nhau ra. Trong trường hợp này cũng gần giống như vậy. Không phải là con ghét cha, hay là cha không thương con trai của cha. Mà chỉ là có một điều gì đó ngăn cản cả hai, cảm nhận, suy nghĩ của hai thế hệ khác nhau?

Đôi khi, trong những mối quan hệ gia đình luôn có những tồn tại hạn chế về mặt cảm nhận giữa cha mẹ và con cái. Đó là khoảng cách của các thế hệ với nhau. Cha, mẹ là người của thế hệ trước đó. Là những người đại diện cho một tuổi thơ vất vả, khổ cực, có khi còn là cảnh thiếu đói nữa. Các con thì khác, sống trong một cuộc sống hiện đại hơn, đã đủ ăn, đủ mặc hơn. Cuộc sống đã ít còn vất vả hơn vậy cho nên mới có cảm giác xa cách nhau về cảm nhận... bởi đó là cách nhau của một thế hệ.

Nói gì thì nói, dù cha có tâm lý đến cỡ nào. Trước mặt con trai của cha, vẫn là một điều gì đó khó diễn tả hơn. Khó thể hiện cảm xúc và lời nói hơn với con gái. Đến lúc cha làm được điều đó thì cha đã già mất rồi. Lúc đó con cũng chẳng còn nhỏ bé gì nữa. Con cũng được làm cha, được thấu hiểu những suy tư hay cảm nhận của cha. Để rồi con lại hối hận vì lúc đó đã không thể hiểu được cha đã khổ tâm thế nào vì đứa con trai của cha.

“Con lớn lên và trưởng thành. Rồi con sẽ được làm cha, cũng sẽ cảm nhận được những thứ như cha đã cảm nhận. Sau cùng, cũng chẳng biết là con đủ lớn chưa nhưng chắc vẫn sẽ khắc khẩu. Nhưng đó là khoảnh khắc của tuổi già của cha…

Khi cha còn trẻ, cha thì vẫn luôn dõi theo từng bước chân và hành động của con trai. Cha biết là hai cha con khắc khẩu, nên mọi chuyện đều thông qua mẹ. Đừng nghĩ cha không thương, không quan tâm ra mặt. Thực ra Cha quan tâm theo cách của cha thôi.  m thầm và lặng lẽ, với con trai là vậy. Còn cha với con gái thì nó dễ dàng hơn cho cha nhiều phần. Vì cha là đàn ông, lại gánh vác nhiều công việc lớn nhỏ trong gia đình, nên cha chẳng thể nào mà tâm lý được với con trai của cha như với con gái được. 

Cha biết, hai cha con hay khắc khẩu, nên cũng không muốn ép buộc con làm theo ý của cha bao giờ. Không áp đặt hay buộc con phải ngừng việc gì đó. Trừ khi đó là những việc xấu, rất xấu có thể ảnh hưởng đến con, nên cha phải làm điều mà cha nên làm. Đó là phải bảo vệ con trai của cha.

Tính con trai, thường hay bốc đồng và muốn làm việc lớn, luôn có suy nghĩ nhưng lại  thiếu sự chu đáo. Thành ra, một người nhiều kinh nghiệm cuộc sống như cha mới muốn chỉ bảo cho con nghe. Trước khi trở thành cha của con, cha cũng đã từng ở tuổi của con mà nên chả cũng hiểu những chuyện này thế nào. Nhưng giờ con còn trẻ, tính con hay nóng nảy, hay bốc đồng. Muốn làm những thứ lớn lao, nên con lại cãi cha, vậy là hai cha con mình khắc khẩu. Có lẽ một phần lỗi lớn là ở con!

Còn sau đó, khi con lớn thật rồi, lúc ấy cha lại già đi. Khi ấy con mới hiểu được làm cha cũng thật khó. Đặc biệt là phải đối đáp như nào với con trai. Lúc ấy, con và cha đâu còn có gì để mà khắc khẩu nữa đâu. À, chắc là vẫn còn, cái khắc khẩu của tuổi già. Có lẽ vẫn còn gay gắt hoặc có khi còn gay gắt hơn lúc còn trẻ ấy chứ.

Thế là sau cùng, Cha với con trai, chẳng bao giờ có thể hết “khắc khẩu” với nhau cả”.

Đã ai từng suy nghĩ rằng cái cảm giác đó là bất hiếu chưa?

---

#bila #đọc_để_trưởng_thành

Đọc các bài dự thi tại: https://bila.vn/blogs/nguoi-truyen-cam-hung. Các bài viết ấn tượng sẽ được Bila đăng trên fanpage Bila - Đọc để trưởng thành vào 15h và 20h hằng ngày.

 

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top