Giỏ hàng

Gen Z Kể Chuyện: Xin Đừng Giấu Cảm Xúc Mình?

BÀI DỰ THI 128: XIN ĐỪNG GIẤU CẢM XÚC MÌNH

Họ tên: Blue

/Nếu thấy quá bế tắc, hãy nhìn vào gương và hỏi bản thân: “Cảm xúc hiện tại của mình là gì?”/

---

“Cuộc sống là một hài kịch đối với những người biết nghĩ, và là một bi kịch với những người biết cảm”. Jean Racine.

Cảm xúc là cái căn bản làm nên một con người, thiếu nó thì sẽ chẳng khác gì như đang ở trong một thế giới đen trắng.

Con người ta có nhiều khung bậc cảm xúc khác nhau, và cách họ diễn đạt chúng là cái mà khiến chúng ta khác biệt so với những loài động vật khác, chúng ta có thể vui, buồn, giận dữ, lo lắng,...chỉ bằng khuôn mặt của mình. Cảm xúc khi dâng trào cũng có thể được biểu hiện qua các hành động như khi chúng ta vui, chúng ta có thể tươi cười, tung tăng đi trên đường phố, ngược lại, khi buồn, chúng ta có thể khóc, ngồi một mình và tách biệt bản thân.

Vậy chẳng phải nó thật kì diệu khi chúng ta là những loài động vật duy nhất trên thế giới có thể diễn tả 7749 các loại cảm xúc khác nhau không? Không.

Giả dụ, khi bạn không biết diễn tả cảm xúc của mình như thế nào, hay với ai, bạn cảm thấy mình như một mớ hỗn độn, lúc vui lúc buồn và cuối cùng là sụp đổ. Hay khi bạn trở về nhà với kết quả kém trong bài kiểm tra, mẹ bạn trách mắng bạn, buông những lời cay đắng và bạn chỉ biết trở về phòng và khóc.

Nghe quen chứ? Đó chính là thứ mà Gen Z gọi là “mental breakdown”.

Và đây chỉ là một vài ví dụ về nó, có những người chỉ cần một lời bình hay lời nói suông cũng có thể khiến họ suy sụp ngay lập tức. Những con người ấy đã quá tổn thương, thiếu thốn tình cảm tới nỗi họ không thể cảm nhận được gì khác ngoài nỗi buồn. Họ tuyệt vọng, gào thét kêu cứu nhưng đáng tiếc thay, chẳng ai nghe thấy họ, cũng chẳng ai quan tâm. Và họ dần khép kín, dần đóng những cánh cửa xung quanh họ lại và dày vò bản thân.

Cảm xúc là thứ gì đó rất mơ hồ, có lúc các bạn nghĩ mình nắm được nó, có lúc các bạn cảm thấy nó “thống trị” bạn. Cho nên, khi một ai đó đang vui trước mặt bạn, có thể họ đang cố gắng giữ cho không khí được thoải mái, nhưng họ có thể đang lo đến phát chết về trăm việc khác. Cũng giống như bạn vậy, bạn có thể “giả vờ” vui khi gặp ai đó trong lúc chạy deadline, hay “cố tình” tỏ ra sợ hãi khi xem lại một bộ phim ma cùng với bạn bè.

Chúng ta sống trong một thời đại mà “giấu diếm cảm xúc” là chuyện nên làm. Đôi khi chúng ta phải lừa dối bản thân mình để khiến người khác vui, phải chủ động che giấu cảm xúc của mình để giữ được hòa khí trong một cuộc tranh cãi. Cũng giống như bộ phim “Inside Out” vậy, Gen Z chúng ta coi những cảm xúc như “buồn, sợ hãi, giận dữ và kinh tởm” là những cảm xúc xấu, chỉ cần loại bỏ được chúng hay ít nhất không để lộ những cảm xúc ấy, thì chúng ta có thể luôn hạnh phúc với cuộc sống và mọi người xung quanh. Nhưng liệu việc ấy có đáng?

Nhiều khi việc che giấu cảm xúc này trở nên quá đà mà khiến chúng ta bị “tê liệt cảm xúc”. Không những vậy, một số người có thể tắt đi cảm xúc của họ để bảo vệ chính bản thân. Cái gì nhiều quá cũng không tốt, và chỉ cần chúng ta lạm dụng nó có thể dẫn đến các bệnh về tâm lý như trầm cảm, PTSD,...

Nhưng nếu chúng ta không ủng hộ việc “che giấu cảm xúc” thì nó sẽ lại chỉ dẫn đến một cuộc tranh luận giữa “cái đầu lạnh” và “trái tim nóng”, sẽ chẳng đem lại được kết quả gì.

Bộc lộ cảm xúc của mình lúc cần thiết là một điều quan trọng, và giải toả những cảm xúc tiêu cực cũng có thể giúp cho bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Nếu thấy quá bế tắc, hãy nhìn vào gương và hỏi bản thân: “Cảm xúc hiện tại của mình là gì?”

---

#bila #đọc_để_trưởng_thành

Đọc các bài dự thi tại: https://bila.vn/blogs/nguoi-truyen-cam-hung. Các bài viết ấn tượng sẽ được Bila đăng trên fanpage Bila - Đọc để trưởng thành vào 15h và 20h hằng ngày.

 

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top