Giỏ hàng

GenZ Kể Chuyện: Bất Hạnh Sinh Sôi Từ Ích Kỷ

BÀI DỰ THI 03: BẤT HẠNH SINH SÔI TỪ ÍCH KỶ
Họ tên: Võ Tường Vi
/chỉ riêng trong khuôn khổ gia đình đã có nhiều bi thương như vậy, thì toàn xã hội, liệu còn biết bao nhiêu số phận đen đủi nữa?/
---
Trước đây, tôi không thích những đứa trẻ hàng xóm. “Chúng là con nít ranh”, mẹ tôi vẫn thườnghay nói vậy. Chúng nghịch phá đồ vật của người khác, chọc những con chó tức điên lên, rồi dùng đá ném vào nhà, cửa sổ, … rồi Tết đến lại chặn cửa đòi ăn bánh kẹo. Vậy mà, khi tôi bước sang ngưỡng cửa cấp ba, đã rung rinh bên mình tà áo dài trắng, có một câu chuyện đã xảy ra đã khiến tôi thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình.
Hôm ấy, khi đang đi bộ về nhà, một cô bé cứ chạy ra bám dính lấy tôi. Đôi bàn tay đầy cát vì nghịch bẩn của em cứ mân mê tà áo dài, rồi lại đòi xem tới xem lui quyển vở tôi cầm trên tay. Em bảo: “Chị đi học thích ghê á, em cũng muốn được đi học.” Quả thực, tôi phải kìm nén lắm mới không để nước mắt trào ra. Dù gì đó cũng chỉ là một câu nói hết sức bình thường, ngây ngô của một đứa trẻ, nhưng nó khiến cho tôi đau nhói. Thiết nghĩ, gia đình của em ấy cũng không đến nỗi nghèo khổ, bố có việc làm ổn định, mẹ thì mở một tiệm tạp hóa, đồng tiền kiếm được cũng giúp gia đình sống một cuộc sống đầy đủ. Vậy mà, những đứa trẻ trong gia đình ấy lại không được đi học. Nhà thì dăm ba bữa lại tiệc tùng ăn uống linh đình, nhạc sống thâu đêm suốt sáng, vậy mà đứa con đã 7 – 8 tuổi vẫn chưa biết lấy một mặt chữ, ở nhà phụ mẹ bán tạp hóa và trông em. Nói rằng điều kiện kinh tế không đủ cũng quá ư là vô lí, bởi lẽ ở cấp tiểu học chẳng tốn tiền học phí, huống gì là khu vực tôi ở chỉ có trường làng, ba mẹ chỉ cần đến xin học và giải thích hoàn cảnh là đứa trẻ sẽ được học chữ miễn phí. Chẳng những vậy, cô bé rất thích được cắp sách đến trường, có bạn bè cùng trang lứa, thế mà gia đình không tạo cơ hội. Tôi không biết liệu bố mẹ em có những uẩn khúc gì, nhưng xét theo một góc nhìn khách quan, tôi gọi đó là sự ích kỷ.
Ích kỉ là sự đề cao, xem trọng lợi ích của bản thân một cách thái quá, mà không hề quan tâm đến những người xung quanh. Những người ích kỷ luôn đòi hỏi thỏa mãn nhu cầu của họ, quên đi sự chăm sóc và lo lắng cho người bên cạnh mình. Có rất nhiều ví dụ về sự ích kỷ trong mối quan hệ gia đình. Bố mẹ không cho con học, đó là sự ích kỷ. Con cái bắt cha mẹ đã già yếu phải đi xin ăn để kiếm thêm tiền, đó là sự ích kỷ. Ngay cả việc các “cậu ấm con quan” không chịu làm việc nhà, tôi cũng gọi đó là sự ích kỷ. Đương nhiên, sẽ có những ý kiến phản biện, rằng hoàn cảnh khó khăn, công việc bận rộn, đồng tiền ít ỏi, … Nhưng xét cho cùng, thì đó vẫn là sự ích kỷ. Tại sao vậy? Một người con vin vào cớ học tập của mình để khỏi làm việc nhà, thì đó cũng là đặt lợi ích của bản thân lên trên hết mà không chăm lo cho cuộc sống gia đình, không biết phụ giúp bố mẹ. Nhưng ngược lại, những bố mẹ luôn tấp nập bận rộn làm việc, bắt con mình phải phụ giúp, không tạo cơ hội trẻ con được học như câu chuyện kể trên, rồi lấy lí do phải kiếm tiền, thì đó là con người ích kỉ. Họ có tiền để ăn chơi, đàn đúm, cuộc sống đầy đủ tiện nghi, mà bắt con cái phải từ bỏ nguyện vọng, ước mơ của mình. Chẳng những vậy, ước mơ kia không hề xa xôi, viễn vông, điều ấy rất nhỏ bé và đơn giản: “Con muốn được đi học”.
Tôi đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện thương tâm về tác hại của lối sống ích kỉ. Không đâu xa, mẹ của tôi giờ là người phụ nữ nội trợ, năm xưa muốn học cấp ba đã bị ông. Một đứa nhóc dưới quê tôi đã chấp nhận cạo đầu đi tu để có thể được tiếp tục học khi ba mẹ ly dị và bỏ rơi nó. Thằng bé đã lớn nên cả bố lẫn mẹ đều nghĩ nó có thể tự lập, đi xứ xa làm ăn và hạnh phúc với cuộc sống riêng, trong khi đứa trẻ phải vật lộn với đời. Một người già yếu nằm trên đường đưa nón lá run rẩy xin chút tiền giữa trời đông lạnh lẽo mà trên người phong phanh ít vải, để rồi khi đường phố khuya đã vắng, người con trai đến đón, moi hết tiền xin được rồi vội vàng bắt mẹ già của mình lên xe chở về, chẳng màng quan tâm hỏi han, và hôm sau tiếp tục lặp lại quy trình đó. Ba tôi bảo: “Đó là những đứa con hư hỏng, dù còn sức khỏe để làm việc, mà họ còn can tâm bắt những đấng sinh thành đã làm lụng suốt đời nuôi nấng nó, khi đã già yếu sắp gần đất xa trời, phải ngửa tay ra cầu xin sự thương hại của người qua đường.” Tôi không biết liệu họ nghèo khó đến cỡ nào, nhưng quả thật cho dù gia đình tôi có khổ cực như thế, tôi cũng không bao giờ nỡ để cho bố mẹ phải làm như vậy, nhất là khi tuổi cao sức yếu trong thời tiết khắc nghiệt. Còn vô vàn những mảnh đời bất hạnh nếu có kể ra thì chẳng biết bao giờ mới hết, mà bắt nguồn từ sự ích kỉ, con cái làm khổ cha mẹ, cha mẹ làm khổ con cái. Tự hỏi, chỉ riêng trong khuôn khổ gia đình đã có nhiều bi thương như vậy, thì toàn xã hội, liệu còn biết bao nhiêu số phận đen đủi nữa?
#bila #đọc_để_trưởng_thành
---
Đọc các bài dự thi tại: https://bila.vn/blogs/nguoi-truyen-cam-hung. Các bài viết ấn tượng sẽ được Bila đăng trên fanpage Bila - Đọc để trưởng thành vào 15h và 20h hằng ngày.
Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top