Giỏ hàng

GenZ Kể Chuyện: Rốt Cuộc thì "Tôi là ai?"

BÀI DỰ THI 23: RỐT CUỘC THÌ "TÔI LÀ AI"

Họ tên: Nhã Quỳnh

/Với mỗi người trẻ, câu hỏi ấy khó để hồi âm lại một cách trọn vẹn, bởi hành trình của thanh xuân là đi tìm bản ngã của chính mình./

---

Ở độ tuổi đôi mươi, khẽ bước qua quãng tư của cuộc đời, chưa thực sự bước đi trên chính đôi bàn chân của mình nhưng… tôi chưa bao giờ cảm thấy con thuyền của mình chênh vênh và vô hướng như thế. Và cũng ở năm tháng ấy, tôi nhận ra thế giới này giống như cục rubik, không đơn phiến, không đơn thuần là trong sáng, tươi đẹp như bao giấc mộng cổ tích, mà nó đa diện, phức tạp. Con người trong đó chứa nhiều tạp niệm và đa đoan hơn bất cứ một sinh thể nào: là sự tổng hòa, trộn lẫn giữa tính bản năng, hoang dã của một con thú vật và bản chất cao khiết, đẹp đẽ của con người. Sự thật ấy khiến tôi cảm thấy choáng ngợp, đập tan những ảo mộng màu hồng, đồng thời đưa tới cho tôi một mối quan hoài hay đúng hơn là nỗi lo âu. 

Sự hoài nghi về khả năng của bản thân, sự kì vọng vào Gen Z - một thế hệ có “sức lay chuyển động càn khôn” trở thành vật thể bám đuổi vào trong tâm trí một cách ráo riết. Điều ấy, khiến tôi vùi mình vào trong những cuốn sách kĩ năng, bí kíp thành công, nhưng nghiệm thu chỉ chứa trọn trong ba chữ đầy hào sảng mà vô cùng sáo rỗng: "LÀ CHÍNH MÌNH”. Ai ai cũng nhận thức được sự thực ấy, nhưng nếu họ tìm được câu hỏi “Tôi là ai?” của muôn kiếp nhân sinh, thì có lẽ sẽ chẳng cần đến những cuốn sách self-help dẫn đường như vậy. Người ta chỉ quan tâm những câu trả lời cho những vấn đề lớn lao của xã hội, nhưng ngay cả câu hỏi đơn giản nhất, lại phải vật lộn, đấu tranh dữ dội như thế. Đôi mắt của con người không phải là dụng cụ khoa học để soi chiếu mà thấu thị toàn bộ con người của chính mình. Với mỗi người trẻ, câu hỏi ấy khó để hồi âm lại một cách trọn vẹn, bởi hành trình của thanh xuân là đi tìm bản ngã của chính mình.

 Qua vài lời giới thiệu của người bạn của mình, tôi tìm đến những bài trắc nghiệm tính cách MBTI và DISC. Chỉ với vài phút ngồi chọn đáp án đâu có thể cho tôi một đáp số chính xác về nội tâm của chính mình. Một lần làm, một kết quả khác nhau, không phải tôi không thành thực với chính mình. Nội hàm của vấn đề ở chỗ, chính tôi cũng thay đổi khi có những biến thiên cuộc sống - đó là sự thích nghi. Sự thích nghi đó khởi nguồn từ những trách nhiệm, yêu cầu của một cá nhân trong thế giới vần xoay. Khi mà cuộc sống không ngừng chuyển mình, con người đang dần thay đổi chính mình, sẽ không có gì là bất biến.Tôi phân vân sự thích nghi đó của con người có làm mất bản sắc cá nhân của chính bản thân anh ta. Liệu đến cuối cùng, khi nằm trên lằn ranh ranh của sự sống và cái chết, tôi sẽ có một định danh rõ ràng với tất cả sự tận tụy và nhiệt huyết? 

Chúng ta - những con người ở thế hệ số được tiếp xúc từ nhỏ với đồ công nghệ, các ứng dụng và cũng chính điều ấy cho tôi mở rộng thế giới quan của chính mình. Càng nhìn xa, càng hiểu rõ quy luật đào thải, ta càng muốn chiếm lĩnh tri thức, tìm được tự do trong trí và tâm, muốn phá vỡ những quy tắc muôn thuở về giá trị của một con người. 

 Nhưng… 

Xã hội đâu thể tức thời biến chuyển? Thế giới đòi hỏi sự sáng tạo, mới mẻ, một luồng gió mới cho nhân loại. Ấy thế mà, gia đình, nhà trường luôn đánh giá theo một quy chuẩn đã rập khuôn cả ngàn năm nay, duy trì lối tư tưởng về bằng cấp, giới tính, nghề nghiệp? Gen Z đấu tranh không? Tất nhiên là có, nhưng chẳng qua chỉ là đốm lửa nhỏ đủ để một câu quát mắng dập tắt. Phải chăng, người ta đắn đo trước một cơ hội mới, lo sợ bản thân ở trong bờ vực không lối thoát, tiến thoái lưỡng nan? 

Âu cũng làm cho mỗi cá nhân rụt rè trong bộc lộ cá tính, giá trị đích thực của chính mình. Khoảng cách giữa hai thế hệ đã thu hẹp, nhưng liệu nó có thể hóa ông bố cục cằn ngồi xuống chia sẻ với con về thế giới, bà mẹ quan tâm tới quá trình học hơn là kết quả thực tiễn? Chúng ta từng thử ngồi đối diện với họ, thẳng thắn, nghiêm túc bày tỏ chính kiến của mình? Ai cũng đều sợ làm phật ý đối phương, gây ra hiềm khích. Nhưng nếu không một lần cất cao tiếng nói cá nhân, ai sẽ là người tiên phong cho cuộc đối thoại này, ai sẽ là người kết thúc sự đối lập này? Từ nhỏ tới lớn, mỗi đứa trẻ Việt đều được dạy rằng phải làm theo người có kinh nghiệm, “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Những tư tưởng bám rễ sâu vào trong tâm trí tạo thành lối mòn mà ngàn lớp người trẻ đã dặm bước, hành động cứ thế mà ly tâm với vòng tròn khát vọng… Buồn thay, sức dài vai rộng, bàn chân còn sức đi tiếp, sao đã vội dừng lại. 

Theo tôi, SỐNG khác với TỒN TẠI ở chỗ, sống còn có nghĩa là tồn tại một cách ý nghĩa nhất, là góp hơi thở cá nhân vào bầu không khí chung của thời đại. Tôi từng nghe về hiệu ứng bầy đàn - một thuật ngữ mô tả hiện tượng nhiều người khác a dua làm theo, một tâm lí đám đông vô cùng phổ biến. Phải chăng, không chấp nhận được sự khác biệt của mình với thế giới nên người ta khuất lấp, ngụy biện cho bản sắc cá nhân của chính mình? Có một sự thực thú vị rằng, không ai trên hành tinh này giống nhau 100% cả, sự khác biệt về tính cách, quan điểm sống,.. là “dấu vân tay” của chính anh ta. Lẩn trốn, thụ động, đó là nguyên do tại sao con cừu dễ dàng bị thuần phục, trở thành một con vật ngoan ngoãn, dễ chăn dắt. Mấy lời đáp về “Tôi là ai” có thể đến khi hơi thở tắt cũng không có được, nhưng sinh ra là bản thể, đừng chọn chết là một bản sao hoàn hảo của ai đó. Có thể bạn là người bất hảo, là giới tính thứ 3, là một đứa nổi loạn, nhưng hãy tin rằng ai cũng có một “màu” riêng. Trời xanh sẽ trao cơ hội mỗi người như nhau, khác biệt là điểm tựa cho ta vượt trội giữa muôn vàn mảnh sắc của thế giới. Sau đây hai năm nữa, tôi sẽ tiếc những điều chưa làm được hơn những thứ tôi làm ngày hôm nay, đừng để cuối đời tôi và bạn đều ân hận về thân phận của kẻ bám đuôi.     

Tôi thường nhận với tất cả những người bạn của mình rằng: tôi rất khác biệt, đôi lúc còn là dị biệt. Đúng, tôi không có một sức khỏe đủ tốt, không có một bảng thành tích trải dài giải thưởng, không có một chính kiến riêng. Tôi thích học về kinh tế, nhưng bố mẹ tôi gọi nó bằng “bấp bênh” và phản đối. Và cứ như thế, hoài bão của tôi cũng chỉ phong kín trong tâm trí và bám bụi. Nhưng rồi tôi nhận ra: mình thực sự rất khát khao học, và quyết định đánh liều, tôi ngồi nói chuyện với cha mẹ về dự định tương lai của riêng mình bằng những xúc cảm mãnh liệt cho nó. Một cuộc đối thoại chính diện với phụ huynh không cần quá nhiều khả năng phản biện, vũ khí tốt nhất chính là lòng quả cảm và con tim. 

Trong tâm trí của mỗi người đều có một đức tin, chỉ cần nó không trái thuần phong mỹ tục, lương tâm thì hãy coi đó như một la bàn để lý giải bản ngã của chính mình. Ở nhân gian, ai cũng có một sứ mệnh riêng, vì thế cần chi phải bi quan, tự ti? Câu hỏi “Tôi là ai” có rất nhiều câu trả lời đúng khác nhau nhưng có khi chứng minh nó chính xác phải dùng cả đời người! Cuộc hành trình vạn dặm xuất phát từ những bước đi nhỏ bé. Bắt đầu từ hôm nay, hãy cho thanh âm của mình vang vọng với thế giới.

---

#bila #đọc_để_trưởng_thành

Đọc các bài dự thi tại: https://bila.vn/blogs/nguoi-truyen-cam-hung. Các bài viết ấn tượng sẽ được Bila đăng trên fanpage Bila - Đọc để trưởng thành vào 15h và 20h hằng ngày.











 

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top