Giỏ hàng

GenZ Kể Chuyện: Trải Nghiệm Sắp Mất Người Thân Là Như Thế Nào?

BÀI DỰ THI 02: TRẢI NGHIỆM SẮP MẤT NGƯỜI THÂN LÀ THẾ NÀO?

Họ tên: n

/chỉ khi thực sự từng trải qua thì ta mới thấu cảm cho nhau một cách chân thành được/

---

/nhân một ngày cuối thu đẹp trời/

Bên cạnh trải nghiệm cận tử thì trải nghiệm kề bên bờ vực mất người thân cũng phức tạp khủng khiếp.

Hôm qua đang ngồi lướt facebook, tôi vô tình đọc được lời tâm sự của một anh trong group Cháo hành. Anh có thể sẽ mất mẹ, mà khả năng cao là chắc chắn sẽ mất mẹ vì tế bào ung thư của mẹ anh đã di căn lên não rồi. Anh lên group chia sẻ về tâm trạng rối bời, sợ hãi, tuyệt vọng, bất lực, đau đớn,... của mình. Người con trai gắng gượng mạnh mẽ trước mặt mẹ nhưng tức tưởi khóc thầm vì bất lực, không thể níu giữ mẹ khỏi bàn tay tử thần; ân hận, dằn vặt vì chưa kịp báo hiếu mẹ,... Rất nhiều comment động viên, an ủi, chia sẻ được gửi đến anh. Nhưng tôi không dám viết một dòng nào cả, chỉ lặng lẽ like bài rồi đi ra. Bởi tôi chẳng biết phải nói gì hơn với anh.

Từ trước đến nay, tôi tự nhận rằng mình rất kém trong khoản an ủi, động viên người khác (một cách trực tiếp chứ chưa nói là gián tiếp qua mạng). Nếu người đó đột nhiên bật khóc, chắc tôi sẽ cuống lên mất. Vậy nên, trong những khoảnh khắc như thế, tôi chỉ biết lặng im ngồi chờ họ khóc.

Không thể coi là may mắn, nhưng tôi đồng cảm được với anh, ít nhất là trong khoảnh khắc ấy. Kể ra thì hơi ngượng. Chỉ vài tháng trước đây thôi, mẹ tôi đột nhiên xuất hiện hạch nhỏ ở mang tai, tay mẩn đỏ, nứt nẻ như dị ứng, lại còn thường xuyên mất ngủ. Cả nhà giục mẹ đi khám nhưng mẹ cứ chùng chình vì "sợ nhỡ may nó lại thành ra đúng cái mình đang sợ". Hôm mẹ đi khám, tôi ngồi trong lớp học nhưng tâm trí lại để tận đâu, hồi hộp, lo lắng, sợ hãi, bất lực, nghi hoặc,... Và nhất là cảm xúc ăn năn khi nghĩ đến chuyện đã để mẹ chịu khổ cả đời. Và đúng là tôi có khóc khi thấy mẹ đột nhiên gửi link một bài báo trong nhóm zalo gia đình, đại thể là nói về cuộc sống vô thường, phải biết yêu thương nhau. Trước giờ mẹ vẫn hay làm thế, nhưng những lúc như thế này, nó càng khiến tôi chột dạ hơn. Nhưng khi gọi điện, biết sức khỏe mẹ vẫn bình thường, chỉ là do dị ứng một chút khiến cơ thể phản ứng và nhất là đó không phải ung thư, tôi đã phải tìm ngay một nơi kín đáo để khóc một-cách-nức-nở. Cảm giác nhẹ nhõm nhưng trên hết là cái hụt hẫng, sợ hãi bởi biết đâu, sẽ có lúc mình mất đi một người quan trọng, chưa kịp nghĩ người ấy sẽ khổ sở, đau đớn ra sao mà đã nghĩ một cách ích kỷ rằng mình không thể sống nếu thiếu họ rồi. Chỉ là khám sức khỏe thôi mà tôi đã như thế, huống hồ là một kết quả bệnh án đã rõ rành rành, vô phương cứu chữa của mẹ anh, thì anh còn đau đớn đến nhường nào nữa. Thực ra, trong giây phút rơi nước mắt giữa lớp khi thấy bài báo mẹ gửi và nghĩ đến tình huống xấu nhất, tôi đột nhiên căm thù tất cả cái thế giới này. Vì sao tôi phải chịu đựng, gia đình tôi phải chịu đựng mà thế giới lại tiếp tục bình thản vận động, tại sao thời tiết lại vẫn đẹp đẽ như thế, lại vô tình như thế trong khi tâm trí tôi gần như sụp đổ như thế! Nghe có vẻ hơi làm quá nhưng tôi đã thực sự có suy nghĩ đó.

Kể từ sau lần ấy trở đi, mỗi khi đọc được tin tức một gia đình có người thân qua đời thương tâm, tôi không còn lướt qua với suy nghĩ: "một người đã rời bỏ sự sống" mà tôi luôn bị kéo hẫng lại, tự hỏi: liệu người thân của họ có cùng cảm xúc như tôi đã từng không? Bao lâu nữa thì họ mới có thể vượt qua nỗi đau này? Và rằng, sau giọt nước mắt lã chã kia có là sự sụp đổ và vụn vỡ mà không phải ai cũng hiểu?

Có lẽ, chỉ khi thực sự từng trải qua thì ta mới thấu cảm cho nhau một cách chân thành được. Không chỉ vì năm vừa qua miền Trung bão lụt, thiệt hại liên miên mà kể từ rất lâu rồi, khi học lịch sử hay xem thời sự, tôi đã được đọc rất nhiều dòng ghi chép, thông tin về số người thương vong. Cái chết của họ chỉ hiện lên trong tâm trí tôi dưới dạng những dãy số. 300 người chết, 2 triệu đồng bào thiệt mạng,... Có lẽ chính vì mạng người bị quy đổi ra dữ liệu nên lòng tôi không dậy lên chút băn khoăn nào. Thống kê xã hội học nhìn con người, cái chết như các dãy số, còn tôi muốn nhìn con người bằng một ống kính zoom cận cảnh hơn vào từng thân phận một. Chỉ khi được đi vào từng số phận người cụ thể, được chứng kiến câu chuyện, cảm xúc, nỗi đau họ sẻ chia và nhất là tự mình cảm nhận, tôi mới thực sự hiểu, thế nào là chết, là sợ, là đau, là buồn…

#bila #đọc_để_trưởng_thành

---

Đọc các bài dự thi tại: https://bila.vn/blogs/nguoi-truyen-cam-hung. Các bài viết ấn tượng sẽ được Bila đăng trên fanpage Bila - Đọc để trưởng thành vào 15h và 20h hằng ngày.

 

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top