Giỏ hàng

CHINH PHỤC NỖI SỢ THUYẾT TRÌNH TRƯỚC ĐÁM ĐÔNG

Có người từng nhận xét rằng: Việc họ phải thuyết trình trước đám đông còn đáng sợ hơn cả cái chết. Sợ mắc lỗi? Sợ thất bại? Sợ bị cười nhạo? Sợ bị đánh giá không tốt?,.... Vậy liệu có cách nào giúp chúng ta có thể thoát khỏi “chứng sợ sân khấu” này không? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!


Chứng sợ sân khấu là gì? Nguyên nhân và ảnh hưởng của nó lên cơ thể?

Chứng sợ sân khấu là một hình thức khiêm tốn của sợ hãi, hay lo lắng trước khi xuất hiện trước công chúng. Trước một tình huống căng thẳng, cơ thể của chúng ta thường tạo ra hai loại hoocmon là: Adrenalin và Cortisol. Hai loại hoocmon sẽ gây ra những biểu hiện khác nhau, tùy vào thể trạng cơ thể của từng người.  Có thể là “tăng nhịp tim, thở nhanh, thay đổi lưu lượng máu (dẫn đến da đỏ hồng hay nhợt nhạt), co thắt hoặc run rẩy ở một số bộ phận trên cơ thể, các vấn đề về đường tiêu hóa (buồn nôn, đầy bụng, ợ hơi, tiêu chảy, buồn tiểu nhiều lần), ngoài ra còn có các vấn đề trong hệ thống thần kinh (tăng tốc độ tiết mồ hôi, máy mắt, đau đầu hay chóng mặt)”.

(Trích “Tác động thầm lặng”)

Vượt qua nỗi sợ đứng trước đám đông

Thực tế cho thấy, nỗi sợ đứng trước đám đông có thể là một chướng ngại vật thực sự: bạn cảm thấy mình đang là nạn nhân trong tình huống này. Hơi thở bạn trở nên yếu ớt, thậm chí bạn không thể cất lên lời, bạn run rẩy, đỏ mặt hay buồn nôn,... Và điều này đã khiến bạn mất điểm trầm trọng. Vượt qua trở ngại này, liệu có dễ dàng? Hãy thử áp dụng 3 chiến lược kháng cự lo âu mà tác giả Sylvia Loehken đề cập trong cuốn “Tác động thầm lặng” này xem sao nhé!

  • Nói trước đám đông thường xuyên

Bước đầu tiên, đó chính là xây dựng một thói quen. Hãy đảm bảo rằng bạn luyện tập một cách thường xuyên. Bạn cần tập rượt nhiều lần trước một buổi thuyết trình thực sự, có thể tập nói trước gương, rồi tập nói trong một khán phòng nhỏ, mở rộng dần ra là một khán phòng lớn dưới sự có mặt của những người bạn, những người đồng nghiệp. Khi bạn tạo cho mình một thói quen thường xuyên như này, cơ thể của bạn sẽ bắt đầu thích nghi và nhận thức được những việc bạn đang đối mặt. Dần dần, nỗi lo âu và căng thẳng sẽ giảm bớt, trong khoa học, hiện tượng này được biết đến với cái tên “giải mẫn cảm”. Theo thời gian, chứng sợ sân khấu sẽ bị mất đi sức mạnh, và bạn sẽ cảm thấy tự tin và vững vàng hơn trước một buổi thuyết trình. Bạn có thể làm được, chỉ cần bạn cố gắng.

  • Sử dụng chiến lược tinh thần

Chiến lược thứ hai mà bạn có thể giảm được bớt nỗi lo về thuyết trình chính là bằng cách sử dụng kỹ năng tư duy có ý thức của mình. “Bạn sẽ nhớ ra rằng ý thức có thể tác động đến các quá trình vật lý.” (Trích “Tác động thầm lặng”)

Bạn cần phải tự nhủ với bản thân mình rằng mình đã sẵn sàng, mình đã chuẩn bị thật tốt, chính những điều này sẽ tác động lên não bộ và một phần nào đó đã giúp bạn giảm đi mức độ căng thẳng.

“Thú vị thay, chiến lược này mang đến sự nhẹ nhõm cho những người hướng nội: vỏ não làm dịu đi trung tâm lo âu trong não bạn.”(Trích “Tác động thầm lặng”)

  • Chăm sóc cơ thể

Đây là chiến lược cuối cùng, khép lại cuộc hành trình xóa bỏ “chứng sợ sân khấu”. Khi tâm trí bạn trở nên trống rỗng:

1. Hãy nhắc lại hoặc tổng kết ý chính của chủ đề. Bởi lúc này bạn có thể mất đi sự mạch lạc nhưng bạn không mất đi những gì bạn đã nói.

2. Thở. Hay chính xác hơn là: Hãy thở chậm và sâu. Bởi việc tâm trí bạn trở nên trống rỗng chủ yếu là do cơ thể bạn đang thiếu oxy và thiếu máu lên não. Sự thiếu hụt này do tác nhân là hoocmon có tên adrenalin gây nên. Nó khiến hơi thở của bạn trở nên gấp gáp và nông, khiến cho không khí chỉ lên tới được vùng trên ngực. Và bạn bắt đầu lắp bắp. Vì vậy, việc tập thở sẽ khiến bạn trở về được trạng thái ổn định: giọng nói khỏe hơn, căng thẳng được giải tỏa,... “Mọi kĩ thuật thiền trên thế giới đều sử dụng hơi thở làm phương thức định tâm”. Bạn cũng có thể áp dụng phương pháp này trước khi ra sân khấu, tập thở thật chậm, sâu và nhẹ nhàng. Khi bạn trở nên điềm tĩnh, cũng chính là lúc bạn cảm thấy tự tin với chính mình.

3. Cơ thể và tâm trí ảnh hưởng lẫn nhau. Bạn có thể sử dụng cơ thể của mình để tiết chế sự sợ hãi “hành động như thể bạn không sợ hãi” bằng cách: “Đặt hai bàn chân sát nhau trên sàn, phân bổ đều trọng lượng và đứng thẳng. Kéo căng cột sống và ngẩng cao đầu. Một dáng vẻ tự tin có hiệu quả không ngờ tới não bộ của bạn. Não “tin” vào sự tự tin này vì cơ thể đang tạo ra nó.”

Kết luận

Với 3 chiến lược chống lại trở ngại của chứng sợ sân khấu trong cuốn “Tác động thầm lặng”, hy vọng rằng giờ đây bạn có thể giảm đi một phần nào lo âu và tự tin thuyết trình. Khi bạn luyện tập những chiến lược này hằng ngày, thuyết trình trước đám đông sẽ không còn là cực hình đối với bạn nữa. Chúc bạn thành công.

“Những người hướng nội thường coi việc nói trước đám đông là đặc biệt khó khăn. Song bạn có thể học được điều này, thuyết trình càng trở thành thói quen bao nhiêu thì bạn càng cảm thấy dễ dàng bấy nhiêu”

(Trích “Tác động thầm lặng”)

Nội dung: Thanh Thanh - Bila Team

Ảnh: Trà My - Bila Team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top