Giỏ hàng

Phương Pháp Đọc Sách Đúng Cách

Thói quen đọc sách đang dần biến mất. 

Cái bản chất của sách đã thay đổi. Xã hội và công nghệ cũng vậy. Vì thế, cách tiếp cận của chúng ta với việc đọc sách cũng bắt buộc phải đổi mới để phù hợp với cách sống mới. 

Câu hỏi đặt ra là: Liệu nó có thực sự tốt đẹp hơn hay thậm chí còn tệ hơn trước?

Mặc dù sách gợi cho ta những ý tưởng mới mẻ,những đề tài tranh luận và giúp ta khám phá mọi thứ xung quanh; chúng ta có thể tìm thấy những thông tin đó bằng nhiều hình thức khác nhau nữa. Vì vậy, khi bàn đến việc đọc sách như thế nào là đúng nhất thì còn rất nhiều điều bàn cãi. 

Hãy cùng xem xét những điều dưới đây. 

Hiệu quả của kỹ thuật đọc tốc độ 

Từ những năm 1950, kỹ thuật Đọc tốc độ đã được coi là một phương pháp hữu ích cho việc nghiên cứu tài liệu nhanh chóng. Các nhà khoa học, nhà tâm lý học và giáo viên đã đưa ra những phương pháp khác nhau giúp cải thiện tốc độ đọc sách, kể cả là sử dụng những công cụ thủ công hay vận động thị giác. 

Ở trong cuộc thi Tìm kiếm Quán quân đọc nhanh nhất thế giới, những thí sinh với thành tích tốt nhất có thể đọc 1000-2000 trong một phút. Còn Anna Jones, 6 lần vô địch, có tốc độ đọc ở mức 4200 từ/ phút. 

Bạn có thể thấy những con số trên là rất phi thường so với tốc độ đọc trung bình của một người trưởng thành là 300 từ/ phút. Vậy thì, họ đã sử dụng những phương pháp đọc nhanh nào? 

Dưới đây là 4 phương pháp phổ biến nhất: 

  1. Skimmingdùng mắt đọc lướt qua toàn bộ bài văn để lấy ý chính. Thay vì đọc từng từ rời rạc, bạn sẽ chỉ đọc lướt đoạn mở đầu, kết thúc, tiêu đề và những mục tương tự để tóm ý chính. Scanning, một phương pháp tương tự, là việc “quét” mắt thật nhanh để tìm dữ liệu phù hợp (từ, cụm từ, số liệu,...). 
  2. Meta guiding là việc sử dụng một vật chỉ hướng, có thể là ngón tay trỏ hoặc một cây bút, để hướng mắt bạn theo dòng chữ của đoạn văn. Vật chỉ hướng sẽ giúp bạn chuyển động mắt theo chiều ngang, tập trung vào những chữ cần phải đọc. 
  3. Vision Span (Phương pháp mở rộng khẩu độ mắt) chỉ việc sử dụng khoảng nhìn của mắt để đọc theo các nhóm từ. Người đọc cần tập trung vào chỉ một từ trung tâm, sau đó sử dụng chu vi của tầm nhìn để đọc những chữ lân cận. Nếu thực hành đúng cách, chúng ta có thể đọc được một nhóm 5 từ cho mỗi lần sử dụng phương pháp này. 
  4. Rapid serial visual representation (RSVP) (phương pháp hiển thị nối tiếp nhanh) là một kỹ thuật mới, sử dụng hệ thống đọc điện tử giúp hiển thị từng từ một liên tục. Bạn thậm chí có thể lựa chọn tốc độ hiển thị từ ngữ cho phù hợp. 

Mặc dù có nhiều người sử dụng những phương pháp trên, nhưng ta cần biết vẫn tồn tại nhiều tranh cãi. Phương pháp Skimming (Đọc lướt) không giúp bạn ghi nhớ các chi tiết. Tuy nhiên, bắt đầu bằng việc skimming và scanning sẽ giúp người đọc tiếp cận nhanh chóng với vấn đề, rồi sau đó nghiên cứu chi tiết sâu hơn. 

Trong cuốn sách Psychology of Reading (Tâm lý đọc), tác giả Keith Rayner đã phủ nhận những phương pháp trên. Ông lý giải rằng chúng ta bị hạn chế bởi cấu trúc của mắt và khả năng xử lý thông tin của não bộ. Trong khi một vài kỹ thuật nhằm loại bỏ quá trình tạo âm thanh đọc trong đầu (subvocalization) để tiết kiệm thời gian; thì Rayner cho rằng chính việc này khiến sự ghi nhớ và khả năng đọc hiểu giảm đáng kể. 

Đối với những thí sinh xuất sắc nhất ở cuộc thi, mức độ đọc hiểu của họ ở khoảng 50%. Còn Anna Jones, tốc độ 4200 từ/ phút, có thể đọc hiểu 67% và cô đã được đọc qua tài liệu từ trước đó. 

Bất kể bạn đang dùng phương pháp nào đi chăng nữa, những điều trên chỉ ra rằng tốc độ đọc của bạn càng nhanh thì khả năng hiểu của bạn càng kém. 

Tuy nhiên, nó còn tùy thuộc vào việc bạn đọc cái gì. Nếu bạn đang cố gắng đọc một đoạn văn khô khan thì skimming là lựa chọn tối ưu. Phương pháp RSVP sẽ phù hợp với một đoạn văn ngắn và dễ hiểu. Còn cá nhân tôi thích sử dụng một cây bút để theo dõi văn bản. 

Nhưng nếu bạn đang đọc một cuốn sách rối rắm, khó hiểu hay bạn muốn nghiền ngẫm thật kỹ; thì các phương pháp đọc nhanh sẽ không giúp ích gì cho bạn cả. 

Làm thế nào để đọc sách trong một xã hội luôn luôn thay đổi 

Lý tưởng nhất là khi bạn có thể đọc sách hàng giờ liền một mạch và không bị quấy rầy, dưới ánh sáng tự nhiên nhẹ nhàng và không một chút sao nhãng. Thật không may, ít ai trong chúng ta có được sự xa xỉ đó. 

Vậy làm thế nào để đọc được sách hiệu quả nhất? Dưới đây là 4 giải pháp cho bạn: 

1. Đọc các phần khác nhau vào những dịp khác nhau. 

Chỉ đọc sách khi bạn có một khoảng thời gian dài và rảnh rỗi là rất khó khăn. Chúng ta thường tận dụng bất cứ khi nào có thể, giữa công việc và thư giãn. Nhưng chính những điều trên khiến bạn khó mà có thể tập trung hoàn toàn vào việc đọc sách. 

Vì thế mà việc phân loại các tài liệu đọc theo theo thời gian và địa điểm, trở nên rất hữu ích. Ví dụ như các bài báo nhỏ và tài liệu ngắn có thể đọc lúc rảnh rỗi. Còn những cuốn sách không đòi hỏi bạn phải tập trung quá nhiều thì có thể nghe qua audiobook. Và tất nhiên, những cuốn sách, tài liệu dài và dày cộp thì nên giữ lại cho đến khi bạn hoàn toàn rảnh rỗi trong một thời gian dài. 

2. Coi việc đọc sách như một thói quen hàng ngày của bạn. 

Kể từ khi tôi đọc sách như một thói quen, tôi đã có thể: 

  • Cải thiện tính sáng tạo. 
  • Áp dụng kiến thức từ sách vào công việc
  • Khám phá ra các đề tài và sở thích mới
  • Nghiên cứu các ý tưởng từ một góc độ khác
  • Đồng cảm, thấu hiểu nhiều hơn với những người và hoàn cảnh khác nhau 
  • Luôn trong tâm thế háo hức được khám phá cái mới
  • Tạo được sự ổn định và liên tục mỗi ngày 
  • Thư giãn, giảm căng thẳng và có giấc ngủ sâu hơn. 

Thời gian đọc sách tối ưu nhất chính là sáng sớm hoặc ngay trước khi đi ngủ. Tất nhiên bạn có thể đọc sách bất cứ lúc nào nhưng cá nhân tôi thấy đây là 2 thời điểm hoàn hảo để bắt đầu và kết thúc một ngày dài. 

Bạn có thể rèn luyện thói quen này rất đơn giản chỉ bằng cách đặt một cuốn sách ở đầu giường, và thế là bạn sẽ nhìn thấy nó đầu tiên khi thức dậy và cuối cùng trước lúc đi ngủ. Còn nếu bạn thấy mệt mỏi với việc đọc sách, hãy chọn một đề tài nhẹ nhàng mà thú vị để tìm lại cảm hứng và tự giác nhấc cuốn sách lên mà nghiền ngẫm. 

3. Chia sẻ những gì bạn đọc được với người khác. 

Sau khi xem một tập chương trình truyền hình, bạn có nóng lòng được bàn luận với người khác không? Việc đọc sách cũng như vậy. 

Nếu bạn vừa hoàn thành một cuốn sách mà bạn thấy hứng thú, hãy chia sẻ nó với người nào đó mà bạn thấy có thể họ cũng sẽ thích. Và nếu ai đó giới thiệu cho bạn một cuốn sách về đề tài bạn yêu thích, tại sao bạn còn chần chừ mà lại không nghía qua nó chứ. 

Cùng trải qua những cảm xúc và kết nối qua sách có thể khiến bạn gần gũi với mọi người hơn, cũng tương tự như việc cùng đi du lịch hoặc xem một bộ phim. Việc thảo luận như vậy còn giúp bạn hiểu thêm và trân trọng những điều bạn đọc được. 

4. Suy ngẫm về những điều đã đọc. 

Tôi không thích việc lướt qua một cuốn sách thật nhanh, coi như đã hiểu nó và chuyển ngay qua quyển khác. Nếu làm vậy, tôi dường như mất sự kết nối với những điều ẩn sâu trong cuốn sách. Thay vào đó, tôi dùng một vài phương pháp để đọc hiểu kiến thức: 

  • Ghi chép nhanh: Nếu có một câu nói thú vị trong sách, có thể tôi sẽ tô đậm nó lại, thêm chú thích hoặc chép lại vào sổ tay.  
  • Việt một đoạn văn: Thỉnh thoảng, tôi lại viết một đoạn ngắn về những sự kiện xảy ra trong cuốn sách, cùng với suy nghĩ của tôi và ý chính của đoạn. 
  • Xem một bản chuyển thể: Những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thường được chuyển thành phim. Tôi thích xem những bộ phim như vậy để so sánh cách hiểu của tôi với người khác, dựng lại những sự kiện chính và thưởng thức tác phẩm đó nhưng theo một cách rất khác.

Dịch: Thu Hương - Bila Team
Ảnh: Ngọc Huyền - Bila Team 

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top