Giỏ hàng

Phương Pháp Đơn Giản Này Sẽ Ngay Lập Tức Giúp Bạn Trở Thành Một Người Lắng Nghe Tuyệt Vời

Bạn có thể nghĩ rằng nếu như bạn sinh ra với một đôi tai thính, việc lắng nghe sẽ chẳng có gì là khó. Nhưng một vài chuyên gia đề xuất rằng cứ bốn người làm lãnh đạo thì có một người chật vật để trở thành người ‘biết lắng nghe’ , và chắc chắn rằng bạn không cần một chuyên gia để nói cho bạn biết việc một người không biết lắng nghe là điều rất đỗi bình thường trong cuộc sống. May mắn thay, việc trở nên tốt hơn trong kỹ năng bị đánh giá thấp này cực kì đơn giản, theo một nhà tâm lý học.

HÍT THỞ ĐỀU

Tại sao chúng ta phải vật lộn với việc lắng nghe trong khi việc chúng ta cần làm là ngồi xuống và để cho đôi tai và bộ não tự động làm việc? Câu trả lời duy nhất là nhiều người lắng nghe để tiếp nhận và truyền đạt lại thông tin một cách thụ động hơn là lắng nghe để thấu hiểu. Khi chúng ta đang trò chuyện với người khác, chúng ta liên tục nghĩ về những gì ta sẽ phản hồi mà không thật sự tập trung tiếp nhận thông tin từ đối phương. Khoảnh khắc họ kết thúc câu chuyện chúng ta ngay lập tức nhảy vào với những bình luận và câu hỏi.

Chúng ta phản ứng như vậy bởi vì muốn trở thành một người giao tiếp tốt và tránh những khoảng lắng khó chịu trong cuộc hội thoại, nhưng dường như điều này khiến người khác cảm thấy bị hối thúc, bị ‘tấn công’ và thông thường họ không thể nghe được gì cả. Nhưng giải pháp của nhà tâm lý học Kenneth E. Miller lại đơn giản đến không tưởng.

Trên trang báo Psychology Today, ông ấy mang đến phương pháp cải thiện kỹ năng lắng nghe mà ông phát hiện ra trong cuốn sách "Don't Sweat the Small Stuff ... and It's All Small Stuff"  viết bởi người bạn của ông, cũng là nhà tâm lý học, Richard Carlson. Và đây là cách Miller tóm tắt lời khuyên của Carlson:

“Trước khi bạn phản hồi lại cuộc trò chuyện, hãy hít một hơi. Không phải một hơi thở nặng nề, ồn ào, và cũng chẳng cần gào lên rằng ‘Tôi đang thử phương pháp mới để mình có thể lắng nghe tốt hơn này!’ Không, chỉ là một hơi bình thường, đơn giản, và tự nhiên. Vậy thôi. Tất cả phương pháp, nằm ở đó.”

HÃY BÌNH TĨNH

Liệu có cách nào đơn giản nhưng hiệu quả không? Có chứ, Miller khăng khăng, và kể lại rằng khi ông dùng phương pháp này trong các buổi trị liệu, hầu hết các bệnh nhân thực sự đã dùng khoảnh khắc lắng đọng này để đào sâu hơn vào những suy nghĩ của họ và rồi mới tiếp tục câu chuyện. Ông cũng nhận ra những hiệu quả tích cực trong các cuộc trò chuyện hằng ngày. “Tôi thấy tôi ngắt lời mọi người ít hơn,” ông ấy nói. “Đáp lại, mọi người dường như cảm thấy thoải mái hơn khi trò chuyện.”

Ông ấy không phải là người duy nhất nhận ra sự khác biệt này. Trên tạp chí New York, The Cut Blog, Katie Heany cũng đưa ra một thực nghiệm  liên quan, vén màn bật mí tầm quan trọng trong việc đơn giản hít một hơi thở trước khi bạn phản hồi. “Một người bạn của bạn tôi hiện đang sinh sống tại Pháp, đã ngưng lại rất lâu trước khi cô ấy trả lời, chủ yếu là vì tiếng Pháp của cô ấy chỉ ở mức trung bình. Kết quả là, những người bạn Pháp đã khen cô ấy là một thính giả tuyệt vời, điều mà cô ấy hiếm khi nghe được khi ở Anh,” cô ấy viết.

Bạn không nhất thiết phải gặp khó khăn với việc thành thạo trong ngôn ngữ, mới trở thành một người lắng nghe tốt. Tất cả những gì bạn cần là phương pháp đơn giản này và đủ kiên nhẫn để xoay xở mối lo lắng vụn vặt trong một, hai giây im lặng giữa cuộc trò chuyện với người bạn của mình. Làm thôi nào: Hãy thử và xem phương pháp đó đã giúp bạn như thế nào.

Dịch: Kim Ngọc - Bila Team
Ảnh: Ngọc Huyền - Bila Team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top