Giỏ hàng

Tôi Đã Có Những Ngày Như Thế....

Đó là ngày, tôi nhận ra ngôn từ không thể tác động đến cảm quan của người đọc một cách nhanh chóng và trực tiếp như giai điệu của âm nhạc hay màu sắc của hội họa,.. nhưng nó lại có khả năng diễn giải những cung bậc cảm xúc tế vi nhất của con người. Và những gì đã đọc, có thể không còn nhớ nhưng nó đã tạo nên nhân cách tôi của hôm nay, khiến tôi tốt đẹp hơn mỗi ngày.

Có một ngày…

Nhìn lên giá sách phủ bụi, lướt qua những cái tên quen thuộc: "Pinochio", "Những tấm lòng cao cả", "Tuổi thơ dữ dội", "Công chúa nhỏ"...tôi nhận ra mình không còn nhớ mấy về những gì đã đọc, chẳng còn nhớ mấy về những điều đã xảy ra trong trang sách, chẳng còn nhớ mấy về những giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo cao cả đã hàng chục lần viết đi viết lại mỗi giờ tập làm văn. Tôi chỉ nhớ đã từng tưởng tượng ngôi nhà của chú bé Pinochio giống hệt như căn nhà mái lá ba gian (mặc cho nó là văn học phương Tây đi chăng nữa); Tôi chỉ nhớ đã khóc khi Vịnh Sưa hi sinh anh dũng khi đang vẫy tín hiệu trên kho đạn của địch, đến khi trút hơi thở cuối, em vẫn cố nắm giữ lấy cột thu lôi của địch để xem quân ta bắn phá kho đạn; Chỉ nhớ đã tự nhắc nhở bản thân phải sống thật cao cả như Sara Crewe,... Tôi chỉ nhớ về xúc cảm của bản thân khi đọc những trang sách ấy, những trang sách vỡ lòng.

… Đó là ngày tôi được ai đó hỏi: "Tôi đã từng đọc rất nhiều sách, nhưng rồi sau đó, phần lớn đều đã bị tôi quên hết, vậy việc đọc còn có ý nghĩa gì nữa?"

Có một ngày…

Tôi tin tưởng hoàn toàn vào sức mạnh của văn chương nghệ thuật, rằng nó cảm hóa con người ra sao, nâng đỡ tâm hồn con người thế nào; và rằng văn học hơn những loại hình nghệ thuật khác, hơn cả hội họa hay âm nhạc, điện ảnh.
...Đó là ngày tôi mê mải viết những bài nghị luận, đầu óc tin tưởng vào những trang lí luận văn học uyên bác, cố thuyết phục người đọc tin vào bài viết, tin những điều chính bản thân mình còn không tin.

Có một ngày…

Tôi quay cuồng giữa những bề bộn, run rẩy trong xúc cảm, đau đớn trước những vấp ngã, hoang mang trước những lựa chọn, thất vọng vì đức tin vụn vỡ,... Những ngày như thế, tôi không tìm đến trang sách để thấy còn có Chí Phèo, Nhĩ, Ophelia hay ông lão đánh cá Santiago để đồng cảm. Mà tôi tìm đến âm nhạc, thổn thức vì những nốt trầm cuộn xoáy, đê mê trong những giai điệu thánh thót, gạt lệ nhờ có lời ca kia an ủi. Tôi tìm đến hội họa để an tĩnh thưởng thức, tìm đến điện ảnh để hòa vào cảm xúc nhân vật ấy, quên đi nỗi đau của mình. Tự hỏi: liệu văn chương có đang tự đề cao mình quá? Những người học hội họa, diễn xuất, âm nhạc liệu có đề cao môn nghệ thuật của mình hơn văn chương?

...Đó là ngày tôi nhận ra có những phút ngã lòng, tôi không thể vịn vào câu thơ kia mà đứng dậy.

Có một ngày…

Tôi chợt nhận ra mình chạy theo giá trị nhất thời mà quên đi giá trị bền vững.
Văn học gánh trên vai trách nhiệm bảo lưu và nâng đỡ giá trị tâm hồn mỗi con người. Tuy nhiên, mỗi người cũng có sự va chạm, đối thoại với các giá trị khác nhau; có giá trị nhất thời, có giá trị bền vững. Nhà văn Nguyễn Khải từng tâm niệm: "Nói cho cùng, để sống được hằng ngày tất nhiên phải nhờ vào những giá trị tức thời. Nhưng để sống cho phẩm hạnh, có cốt cách, nhất định phải dựa vào những giá trị bền vững". Nhân vật cô Hiền trong "Một người Hà Nội" là con người như thế. Bề ngoài, cô hiện lên như "hạt bụi vàng" với vẻ đẹp của chiều sâu văn hóa, nhưng bên trong ẩn chứa cá tính mạnh mẽ. Cá tính ấy được thể hiện từ suy nghĩ, cách nhìn, bản lĩnh, khí chất đến hành động, lựa chọn đi ngược lại với đám đông của cô. Tuy nhiên, chính cá tính ấy lại làm nên nền tảng văn hóa của một người Hà Nội. Ở phần sáu của tác phẩm, nhà văn đã dụng công dựng nên hai bức chân dung đều của hai người lính là Khải và Dũng như một sự đối sánh. Trước đây, Khải luôn quan niệm: "Ăn cốt sống, để làm việc, hay hớm gì thứ lễ nghi rườm rà của..giai cấp tư sản". Và quả thực, giờ đây, ý tứ, cách ăn nói của Khải chốn đông người đã phơi bày tất cả: "Có phải trò chuyện mình cũng dễ ăn nói buồn tuồng thiếu ý tứ. Tất cả là bình dân, tất cả đều có quyền ăn nói thô tục". Hay cách anh phán xét về Hà Nội trước những con người Hà Thành chính cống: "Sài Gòn rộng hơn, đông hơn, đẹp hơn cái Hà Nội của mình, về người Sài Gòn cũng lịch thiệp, nhã nhặn hơn". Và đây, nhà văn đặt ngay cạnh đó chân dung anh bộ đội Dũng sau mấy năm trở về, ngoại hình không còn chút gì cái vẻ thư sinh của trai phố cổ "gầy quá, ốm quá, đen quá, râu ria cũng nhiều quá". Vậy mà, sau từng ấy năm, anh vẫn giữ nguyên nếp văn hóa của người Hà Nội mà mẹ vẫn răn dạy từ thời tấm bé. Ta tưởng như Dũng chính là sự đổ bóng của cô Hiền ngày trước. Đối với quan hệ con người trong xã hội, nếu cô Hiền ăn ở với anh bếp, chị vú như bát nước đầy, "chủ tớ còn cần dựa vào nhau" thì Dũng "không ngớt nghĩ về những người từ Hà Nội ra đi cách đây đúng mười năm". Qua bao năm tháng chiến đấu, Dũng và người đồng đội tên Tuất "vẫn ở cạnh nhau trong suốt mười năm". Bởi vậy, lòng tự trọng khiến anh bật khóc, tự thấy xấu hổ trong vòng tay mẹ Tuất ngày trở về bởi anh trăn trở "biết nói thế nào với bà mẹ có con hi sinh mà bạn của con lại vẫn còn sống, sống đến bây giờ, đến hôm nay". Cô Hiền dạy lũ con "biết tự trọng, biết xấu hổ, còn sau này sống ra sao thì tùy". Và đây, những bài học đạo đức ấy là hành trang theo những đứa con suốt đời, khiến anh "khác" với mọi người. Có lẽ Nguyễn Khải đã dẫn dắt tôi vượt lên các giá trị nhất thời, vươn tới giá trị bền vững mà văn chương tạo dựng.

...Đó là ngày, tôi nhận ra ngôn từ không thể tác động đến cảm quan của người đọc một cách nhanh chóng và trực tiếp như giai điệu của âm nhạc hay màu sắc của hội họa,.. nhưng nó lại có khả năng diễn giải những cung bậc cảm xúc tế vi nhất của con người. Và những gì đã đọc, có thể không còn nhớ nhưng nó đã tạo nên nhân cách tôi của hôm nay, khiến tôi tốt đẹp hơn mỗi ngày.

Có một ngày…

Tôi đọc được lời tâm niệm của vũ công nổi tiếng Mathar Graham: “A dancer dies twice - once when they stop dancing, and this first death is the more painful" (Đời vũ công có hai lần chết - lần đầu tiên là khi ta dừng nhảy múa, và cái chết này đau đớn hơn cả). Khi người nghệ sĩ dừng nhảy múa, người họa sĩ ngừng đưa bút vẽ, nhà văn ngừng tay viết,.. chính là khi trái tim không còn đắm chìm với xúc cảm, không còn rộn ràng hay đau đớn. Đối với môn nghệ thuật nào cũng thế, văn học không ngoại lệ. Nữ sĩ Xuân Quỳnh từng thốt lên, tưởng tượng đến viễn cảnh "nếu ngày mai em không làm thơ nữa":

"Nếu ngày mai em không làm thơ nữa
Cuộc sống trở về bình yên
Ngày nối nhau trên đường phố êm đềm
Không nỗi khổ không niềm vui kinh ngạc
Trận mưa xuân dẫu làm áo ướt
Nhưng lòng em còn cảm xúc chi đâu
Mùa đông về quên nỗi nhớ nhau
Không xôn xao khi nắng hè đến sớm...
...Một ngày nao đọc lại dòng thơ
Âm điệu ấy chẳng còn gieo tiếng nhạc"

...Đó là ngày tôi nhận ra, văn chương không chỉ là nguồn trợ lực tinh thần cho độc giả, mà còn với chính người nghệ sĩ nữa. Trước khi đau nỗi đau đời, họ cũng đau nỗi đau riêng mình chứ. Như cái cách "con gấu ăn thứ ngọt nhất trên đời là mật ong và tạo ra thứ đắng nhất là mật gấu. Hành trình của nhà văn thì ngược lại" (Trần Mạnh Hảo)

Có một ngày…

Tôi luôn cho rằng văn chương chỉ nói đến cái đẹp, cái thiện, dù là cái thiện vật vã tồn tại giữa muôn trùng bùn nhớt. Nhưng hiện thực cuộc sống qua trang văn Nguyễn Huy Thiệp được ông quang ra như quăng chất thải khiến người ta choáng váng. Có ở xã hội nào đảo điên như trong "Tướng về hưu" người sống tính toán chi li, ăn chặn trên đám ma người chết, vợ đi ngoại tình, cả nhà kéo nhau đi đào ao tìm của, con dâu làm ở bệnh viện phụ sản lấy nhau thai về băm ra cho chó ăn,.. Đó là xã hội mà đất "Không có vua" còn ngoài biển "không có thủy thần".

...Đó là ngày, tôi hiểu văn học nâng đỡ tâm hồn con người nhưng không đánh lừa, che dấu ta về cái xấu xa và sự mong manh của cái thiện ở đời.

Có một ngày…

Sự tiến bộ của văn minh chạm đôi bàn tay Midas của mình tới văn học - lĩnh vực tưởng chừng như bất khả xâm phạm, khiến chúng ta ngỡ như văn chương từ nay sẽ được dát vàng. Đến robot Nhật Bản còn biết viết tiểu thuyết và thiếu chút nữa sẽ đạt giải thì viễn cảnh trước mắt về cái bắt tay giữa AI và văn học thật quá sáng lạn. Thật tốt khi thay vì bắt nhà văn vật vã với con chữ:

"Nhà thơ phải trả chữ với giá cắt cổ
Như khai thác chất hiếm radium
Lấy một gam phải mất hàng năm lao lực
Lấy một chữ phải mất hàng tấn quặng ngôn từ"
(Maiacovski)
thì robot đều đều nhả văn ngay khi được yêu cầu. Al chỉ có thể bắt chước văn phong của các tác giả, nhưng các nhà phát triển hứa hẹn trong tương lai robot sẽ có thể độc lập sáng tạo. Tạm đồng ý. Nhưng tôi cũng tự hỏi: Khi ấy, robot sẽ lấy cảm xúc ở đâu để làm cho độc giả khóc, cười? Làm sao chúng có thể giải thích "Giận mà thương" bằng một lí trí tách bạch, sòng phẳng như thế? Làm sao robot có thể đồng cảm với một TÔI mà chính tôi còn không hiểu nổi:

"Tôi là tôi
Một bản thể đầy mâu thuẫn
Tôi đã nhìn thấy mình trong gương lúc khóc lúc cười
Bất cứ lúc nào trên sân khấu cuộc đời
Tôi vẫn là diễn viên tồi
Bởi tôi không bao giờ hóa trang để nhập vai người khác"
(Tôi - Vi Thùy Linh)

...Đó là ngày, Như Mai từ mấy chục năm trước đã tiên đoán và cảnh báo ta về nguy cơ về thứ văn chương robot qua bài "Thi sĩ máy". Nhưng có lẽ, ông không sợ robot tranh nghiệp viết với con người mà sợ chính những đồng nghiệp của mình uốn tay viết như robot.

Từng có một ngày…

Người ta phải công nhận đã có lúc văn học đi vào bước thoái lui - giai đoạn văn học minh họa. Những cây bút minh hoạ “chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn. Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng hình tượng văn học sinh động, và do nhiều lý do từ những ngày đầu cách mạng, các nhà văn cũng tự nguyện tự giác thấy nên và cần làm như thế”. Rồi lối viết ấy trở thành thói quen. “Thói quen của một người vốn quen đi trong một hành lang hẹp, vừa hẹp vừa thấp. Lần lượt bắt đầu là các nhà văn tiền chiến rồi hết lớp người cầm bút này đến lớp người cầm bút khác, với một khả năng thích nghi hết sức ghê gớm, các nhà văn đã thích nghi với văn học minh họa như thích nghi với cách sống gian khổ, thiếu thốn trong chiến tranh. Những nhà văn tuy đều cảm thấy thiếu thốn và bức bối nhưng lại tự dụ dỗ mình và khuyên nhủ lẫn nhau tự bạt chiều cao cho thấp đi khỏi chạm trần, tự ép khuôn khổ chiều ngang lại để khỏi kềnh càng, để đi lại được thoải mái trong cái hành lang kia.” ("Hãy đọc lời ai điếu cho một thời kì văn học minh họa"- Nguyễn Minh Châu)

Đó là thứ "thi sĩ máy" mà Như Mai nói đến.

...Đó đã từng là ngày chính văn học trở nên máy móc, công thức, không còn "giúp ta thoát khỏi trở thành máy móc, bảo vệ chúng ta chống lại sự han gỉ đang hăm doạ" (Roman Jacobson).

Đã có những ngày như thế, nhưng hôm nay văn học vẫn là văn học. Luôn lặng thầm nâng đỡ, cảm hóa tâm hồn con người. Chỉ cần ta mở lòng đón nhận.
Bức điêu khắc Neve Og Rose có lẽ sẽ phù hợp nhất để kết thúc bài viết này. Muốn thưởng thức vẻ đẹp, hương thơm của hoa hồng thì cũng phải biết chịu đau đớn mà nắm chặt lấy gai nhọn kia. Không có cái đẹp nào dễ dàng đạt được mà không phải chấp nhận hi sinh, đánh đổi. Dù đau nhưng vẫn một lòng theo đuổi cái đẹp, đó mới là con người, là chất người như trong bài thơ haiku của Kobayashi Issa:

"Trong vườn cánh bướm
Đứa bé bò theo, bướm bay
Đứa bé bò theo, bướm bay"

Nội dung: Bảo Ngọc - Bila Team
Ảnh: 
Loan - Bila Team
Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top