Giỏ hàng

Vì Sao Ta So Bì Với Người Khác

Vì sao ta so bì với người khác 

                         Rich Schaus

Hầu hết mọi vấn đề của chúng ta, dù thuộc về ngoại cảnh hay nội tâm, đều xoay quanh nỗi sợ hãi và sự tự ti. Ta không dám nhìn thẳng vào con người thật của mình, thậm chí còn sợ người khác không chấp nhận chúng. Nhưng mâu thuẫn thay, ta lại luôn coi trọng “con người thật” này. 

Ta thường hay để ý đến những khuyết thiếu nhỏ nhặt hay suy nghĩ của người khác. Truyền thông tô vẽ, khiến ta bắt đầu chú ý đến những khiếm khuyết về ngoại hình mà người thường hay có, như hàm răng không được trắng sáng, hơi thở không được thơm tho hay mái tóc không được dày mượt.

Loại so sánh xã hội này thường rất khó chịu và chẳng tạo nên thay đổi gì to lớn trong cuộc sống của ta, thậm chí, nó cho ta cảm giác thua kém trước cả khi bắt đầu ganh đua. 

Thực ra mỗi người chúng ta đều đang sống trong những mâu thuẫn khác nhau. Mỗi cá nhân đều ưu tú, nhưng ai cũng có thể trở thành một phiên bản tốt hơn. Và trong quá trình trở thành một người tốt hơn, so sánh, lấy thành công của người khác làm mục tiêu cho chính mình, được cho là một cách hữu hiệu. Nhưng mỗi người đều cần hiểu rõ một điều: Bạn đang so bì vì khát khao thay đổi, hay là do bị nỗi sợ hãi, bất an chi phối? 

Đọc những nghịch lý dưới đây, bạn sẽ hiểu vì sao mình nên ngừng so sánh bản thân với người khác.

Loại 1 : So sánh xã hội dựa trên nỗi sợ hãi và sự tự ti

Rõ ràng, đây thực sự là một dạng so sánh xã hội độc hại. Ngày trước, người ta dùng cụm từ “thèm muốn những thứ không thuộc về mình” để hình dung về nó. Ví dụ điển hình là khi ta cáu gắt nếu thấy người khác có một cuộc sống tốt hơn: có chiếc xe sang hơn hay sở hữu tài năng thiên phú mà ta khao khát.

Suy nghĩ “tôi xứng đáng hơn” có thể đẩy chúng ta vào cảm giác lo lắng rằng cuộc sống của ta chưa đủ tốt, hay đơn giản, là cảm giác những gì người khác có đáng lẽ phải là của ta. Nỗi sợ ấy dẫn đến sự bất mãn, thậm chí là sự ghen tỵ.

Ghen tỵ là một cảm xúc hết sức tiêu cực. Nó khiến ta đâm đầu vào những bữa tiệc vô nghĩa, dần dần khiến chúng không còn thú vị. Một hậu quả thường gặp khác của cảm giác này là việc chúng ta gây hấn với người khác chỉ vì cho rằng họ không xứng với những gì họ có.

Khi sự đố kỵ bắt đầu nhen nhóm, thì con người ta như một quả bom hẹn giờ, luôn chực chờ phát nổ. Những ai rơi vào tình trạng này luôn cảm thấy người khác cướp đi của họ thứ gì, và việc sống mãi trong sợ hãi cùng lo lắng sẽ chỉ biến cuộc đời trở nên nhàm chán, vô vọng. Trong suy nghĩ của những người ấy, họ chưa từng hài lòng với chính mình nên luôn ép bản thân cố gắng. 

Rất nhiều ví dụ cho kiểu so sánh này có thể bắt gặp trong cuộc sống: Một chàng trai khinh ghét hạnh phúc của cô người yêu cũ nhưng lại soi mói những khuyết điểm của bạn gái hiện tại. Tiền vệ siêu sao trung học dù kỹ thuật còn non yếu lại dám phán xét rằng tiền vệ của đội bóng quốc gia nên ngồi trên ghế dự bị.

Bởi vì không bao giờ hài lòng với bản thân, nên ta giống như chỉ tồn tại mà không “sống”. Ta chẳng bao giờ tiến xa hơn trong đời, sống khỏe hơn và chẳng có được cuộc sống gia đình ngập tràn hạnh phúc. Nếu cứ để ghen tỵ đeo đẳng cuộc sống, thì hạnh phúc sẽ chẳng tìm đến ta. 

Cuộc đời cứ vậy mà vuột qua lãng phí. Sống với nghịch lý này cả đời sẽ chỉ gặm nhấm tâm hồn và khiến ta mắc kẹt trong đống mâu thuẫn này. Những đam mê dần bị giết chết, và khi hấp hối, ta chỉ biết thều thào “giá mà...”.

Loại 2 : So sánh để thúc đẩy bản thân tiến bộ

Việc nhìn người khác thể hiện tài năng của họ luôn khiến ta cảm thấy như được truyền cảm hứng. Tôi còn nhớ lần gặp một người đàn ông đã thông thạo mọi quy tắc về thủ tục nghị viện Hoa Kỳ. Hôm ấy, ông ta tổ chức buổi họp vừa ngắn gọn, chặt chẽ, vừa hiệu quả. Thành thật mà nói, việc bản thân tò mò, khao khát đạt đến độ thành thạo như ông ấy quả rất hiếm và kỳ lạ trong cuộc đời tôi. 

Nhưng nhìn cách ông tổ chức buổi họp khiến tôi cũng muốn làm chủ họp tốt hơn. Cái cảm giác ấy giống như là được xem một vận động viên điền kinh làm những điều tưởng chừng phi thường vậy. Chìa khóa của thành công thực ra cũng đơn giản: chỉ là dậy sớm hơn một chút, tôi luyện lâu hơn một chút hay học hỏi nhiều thêm một chút. Bạn thấy đấy, thực ra con người ta đâu cần những thứ đao to búa lớn, hiện hữu ngay trước mắt, để truyền động lực cho mình. 

Thậm chí, việc chứng kiến các ngôi sao táo bạo, dũng cảm hoàn thành những cảnh quay nguy hiểm trong phim hành động cũng truyền cảm hứng cho tôi.

Nhưng đồng thời, mỗi sáng, tôi đều nhìn vào trước gương để tự nhắc bản thân rằng mình còn nhiều thiếu sót. Đây là “bản thể” khiêm tốn của tôi, song song với “bản thể” tràn đầy nhiệt huyết mỗi khi tôi nghĩ đến viễn cảnh bản thân gây dựng nên những điều vĩ đại. Dù cho tôi chưa hài lòng với con người hiện tại của bản thân, nhưng tôi không hề để nỗi sợ hãi hay nỗi lo lắng rối bời chi phối.

Gia đình tôi xứng đáng với một cuộc sống tốt đẹp hơn. Xã hội tôi đang sống cần trở nên phát triển hơn. Tôi sẽ không bao giờ hài lòng với bản thân mình, vì tôi biết, “tôi” của tương lai sẽ còn ưu tú hơn, sẽ biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể. 

VẬY LÀM CÁCH NÀO ĐỂ TẬN DỤNG SO SÁNH XÃ HỘI THEO HƯỚNG TÍCH CỰC ?

Giờ thì ta nên làm gì để cân bằng so sánh xã hội đây ?

Thứ nhất, hãy xác định lý do vì sao bạn so sánh. Tôi chọn ra 12 nhân vật lịch sử tiêu biểu, mà theo tôi gọi là “hội đồng đã khuất” và cố gắng học hỏi mỗi người một chút, về phẩm chất, cách nhìn nhận sự việc và thái độ nỗ lực. Mỗi khi rơi vào bất kỳ tình huống nào trong cuộc sống, tôi đều thử áp dụng cách nhìn nhận của họ. Giả dụ như, thế giới quan của Beethoven sẽ rất khác với Napoleon hay Đức Mẹ Theresa. Vậy nên việc nhìn một sự việc dưới nhiều góc độ sẽ giúp cho tôi sáng suốt hơn khi đưa ra các quyết định. 

Thứ hai, hãy luôn để ý đến những gì đang diễn ra xung quanh bạn. Một số người sẵn sàng chà đạp các chính trị gia hay các thiên tài nếu họ không đồng tình với những người đó. Số khác thì chẳng thèm để tâm đến quá trình khổ luyện của những người chơi môn thể thao họ không hứng thú. Đây là một sai lầm to lớn ! Dù rằng bạn có thể bất đồng quan điểm hay chưa từng thích môn thể thao của họ, thì hãy nhớ, mỗi người bọn họ đều có những câu chuyện đáng để lắng nghe và những giây phút đáng để học hỏi.

Đây chính là một dạng so sánh xã hội tích cực. Khi nhìn vào các nhà lãnh đạo, tôi có thể thấy bước đường tương lai của mình, về những việc nên hay không nên. Chính điều này đã giúp tôi thành công trong đời.

Cuối cùng, hãy đọc không ngừng nghỉ. Một trong những sở thích của tôi là đi dọc theo những kệ sách ở các cửa hàng cũ. Chẳng cần mua thứ gì, cảm hứng và ước mơ cứ thế hiện ra khi tôi liếc đến tên những cuốn sách trên kệ.

Đọc blog. giới thiệu sách, xem video và không ngừng học hỏi là tất cả những gì ta có thể làm để học cách so sánh lành mạnh hơn và tự tạo cảm hứng cho chính mình. 

Trong suốt cuộc đời mình, ta luôn phải đối mặt với sợ hãi và bất an. Vậy nên, đây chính là lúc để ngừng so bì bản thân với người khác. Một khi bạn hiểu những loại so sánh xã hội, bạn sẽ có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn. Vậy nói tôi nghe, bạn lựa chọn thế nào?

Dịch: Phương Linh - Bila Team
Ảnh: Ngọc Huyền - Bila Team                       

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top