Ý Nghĩa Của Những Lời Xin Lỗi...
“Xin lỗi..,
Xin lỗi nhé!,
Em xin lỗi cô ạ.”
…
Bạn đã bắt gặp lời xin lỗi bao nhiêu lần rồi? Chắc chắn chẳng ai trong chúng ta có thể đếm hết được những lần ta dùng đến hai từ “xin lỗi”. Ý nghĩa thực tế của chúng đều chỉ có một, nhưng tùy vào cách biểu đạt chúng lại khoác lên mình vô số cách hiểu khác nhau. Bạn đi vội, không may và vào một cụ già, nếu dừng lại xin lỗi một cách nhẹ nhàng và đỡ ông dậy (nếu có thể) sẽ khác hoàn toàn với việc bạn quay đầu lại ném hai tự “xin lỗi” rồi phóng vút đi. Và theo tôi thì cách nói ra câu xin lỗi luôn đánh giá một phần con người ta.
Chỉ khi ta xin lỗi do bản thân mình thực sự nhận ra lỗi lầm và biểu lộ sự chân thành thì mới có ý nghĩa. Nếu dễ dàng buông câu xin lỗi mà không nghĩ ngợi gì thì nó chỉ làm mất giá trị của chính bản thân mình mà thôi. Mỗi từ ngữ luôn khoác cho nó một linh hồn tùy thuộc vào cách biểu đạt chúng, bạn có tin không?
Lời xin lỗi ép buộc
Đó là khi một em nhỏ cúi gằm mặt xuống và lí nhí nói hai từ “Xin lỗi” vì cô giáo bắt xin lỗi bạn; là khi cô bé bặm môi, nắm chặt tay và “xin lỗi” do thanh minh mà bị bảo là cãi mẹ,... Điểm chung của lời “xin lỗi ép buộc” là người nói chưa biết mình sai ở đâu và tại sao mình có lỗi. Tâm lí chung của mọi người đều tìm đủ lí do để bảo vệ cho quan điểm, suy nghĩ của bản thân. Vậy nên, nếu chưa biết rõ thì ta luôn có đủ lí do để chứng minh mình luôn đúng. Do đó, khi nhắc một ai đó nói câu “ xin lỗi” thì điều đầu tiên phải tìm lí do tại sao họ sai, khiến họ phải thật sự nhận ra lỗi lầm trước đã bởi nếu không, lời nói ăn năn đó sẽ trở nên sáo rỗng và vô nghĩa.
Lời xin lỗi… cho vui
Có lẽ một số bạn đọc đến đây đang thắc mắc tại sao lại có kiểu "xin lỗi vui”... nhưng thật sự tôi đã chứng kiến nó. Một cậu bé nói chuyện quá nhiều trong giờ và mỗi khi cô giáo nhắc nhở lại buông ra một câu "Em xin lỗi cô” sau đó vẫn vô tư tái phạm. Một hai lần thành quen, mỗi khi cảnh này lặp lại trong các buổi khác, cả lớp lại phá lên cười trong khi cô giáo đã giận sôi lên. Phải chăng cậu bé đó không ý thức được những gì mình đang làm? Không hiểu được giá trị của ngôn ngữ? Không hiểu được rằng mình đang làm cho không chỉ người nhận mà cả người nghe đều khó chịu? Không biết nó đánh giá suy nghĩ của chính bản thân mình hay sao? Thật lòng mà nói, đó là một sự lố bịch, thô thiển, thể hiện cách nhìn thiển cận của một con người. Vậy nên bạn ơi, khi bạn đọc những dòng này, hãy ngẫm về chúng một chút để thể hiện lời xin lỗi đúng nghĩa nhé….
Một lời xin lỗi chân thành
Một lời xin lỗi chân thành đôi khi còn cho ta nhiều điều hơn cả sự tha thứ. Đầu tiên, nó thể hiện bạn là một con người biết đúng-sai, biết nhìn nhận vấn đề, không bảo thủ, biết chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Khi ta học được cách xin lỗi chân thành, chính chúng ta cũng sẽ bao dung hơn trước lỗi lầm của người khác và từ đó, quan hệ giữa người với người sẽ gần gũi, tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, để thể hiện chúng không phải chi nói ra là xong mà nó cũng nên đi kèm với hành động. Một cử chỉ nhẹ nhàng, một ánh mắt biết nói, một trái tim chân thành và sự sửa sai có lẽ sẽ cần thiết khi nói lời “xin lỗi”.
Lời xin lỗi chân thành chỉ có được khi ta thật sự nhận ra lỗi lầm và chấp nhận chúng mà thôi.Mà cuộc đời thì sao có thể tránh được những va vấp phải không? Vậy nên, thay bằng cách buông câu xin lỗi sáo rỗng, tại sao ta không học cách nhìn nhận vấn đề để khiến người khác cảm nhận được cái tâm của mình trong đó nhỉ. Có người nghĩ chẳng hơn thua gì nhau một cử chỉ nên bỏ qua cũng được. Nhưng bạn gì ơi, bạn có biết, nó sẽ đánh giá bản thân mình hay không….
Nội dung: Hoàng Dung - Bila Team
Ảnh: Anh Duy - Bila Team