Giỏ hàng

REVIEW “Giết con chim nhại”: Atticus - Đoá Sen Công Lý Nhưng Ai Cho Ta Công Lý?

Mức độ yêu thích: 8/10
“Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm con người” – đó là điều mà bố Atticus đã dạy Jem và Scout, hai đứa con của ông.

*Đôi nét về tác giả: Harper Lee là nhà văn người Mỹ chuyên viết về những vấn đề phân biệt chủng tộc và “Giết con chim nhại” là cuốn sách đầu tay cũng như cuối cùng của bà. Cuốn sách được vinh danh ở giải thưởng danh giá hàng đầu của Mỹ - Pulitzer, được dịch ra hơn bốn mươi thứ tiếng và dựng thành phim.

Mở đầu tác phẩm, tác giả lấy bối cảnh tại thị trấn Maycomb, miền Nam nước Mỹ, viết về vấn nạn luôn gây tranh cãi lúc bấy giờ - phân biệt chủng tộc. Nhân vật trung tâm của câu chuyện là bố Atticus - luật sư bào chữa cho nhân vật Tom Robinson – chàng da đen hiền lành chính là nạn nhân của vấn vạn đề cập trong tác phẩm đang bị buộc tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng tên Mayella Ewell.

Ban đầu Atticus chính là cái tên đã đặt cho cuốn sách nhưng sau đó đổi thành Giết con chim nhại vì nội dung tác phẩm mang lại đó là một thông điệp lớn lao có thể trường tồn mãi mãi với thời gian, vượt xa hơn khuôn khổ của một nhân vật. Vào những thập niên 30, phân biệt chủng tộc luôn là vấn đề nhức nhối của dư luận và có lẽ những người da màu luôn là cái gai vô tội vạ trong mắt của những người da trắng. Tại sao lại như thế? Chưa một câu trả lời nào giải thích cho điều đó. Chim nhại là một loài chim chỉ biết đem lại tiếng hót cho mọi người, chúng không phá hoại vườn tược, không làm tổ trên các bẹ ngô và hơn hết chúng hót cho người bằng cả trái tim mình. Chúng tượng trưng cho sự trong sáng và tốt đẹp cũng giống như nhân vật Tom Robinson, anh vô tội nhưng ở thời điểm đó số phận của anh cũng giống như bao người da màu khác.

Trong câu chuyện, bố Atticus chính là hình mẫu của người đàn ông đầy lòng vị tha được ví như “đóa sen” công lý giữa chốn bùn nhơ tội lỗi, ông can trường chiến đấu đơn độc với mọi thành kiến tối tăm và tàn bạo của một cộng đồng hầu bảo vệ cho Tom Robinson trắng án trước ánh mắt dè bỉu của bạn bè, người thân. Vì điều gì? Bởi lẽ đối với ông, người da màu họ cũng là con người như chúng ta và đơn giản vì họ là con người, họ như ta cả thôi. “Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm con người” – đó là điều mà bố Atticus đã dạy Jem và Scout, hai đứa con của ông.

Vấn nạn phân biệt chủng tộc đôi khi làm cho người ta cảm thấy khó hiểu nên nhà văn Harper Lee đã khéo léo đi vào lòng người bằng cách đưa cái nhìn ngây thơ nhưng lại gây ám ảnh đặc trưng của một cô bé bảy tuổi – Scout trước các sự việc xảy ra trong tuổi thơ của cô bé. Qua lời kể của Scout, tuy hồn nhiên nhưng tác giả đã lồng ghép trong đó là một bối cảnh về sự cổ hủ, đầy sự phân biệt một cách vô lí. Tuy không đao to búa lớn nhưng khi đọc chúng ta vẫn cảm thấy trong ánh mắt ngây thơ của Scout vẫn có một chút chua cay nào đó. Tại phiên tòa xét xử Tom Robinson qua lời trần thuật của Scout, việc phân chia ghế ngồi dành cho người da đen và người da trắng cũng phần nào minh chứng cho tình trạng phân biệt chủng tộc lúc bấy giờ. Bạn nghĩ như thế nào về lời nói vô căn cứ của cô gái mà người ta cho rằng Tom Robinson đã cưỡng hiếp cô, một vụ án không có chứng cứ y học của công tố viên, mọi kết luận chỉ được dựa trên lời khai mập mờ của hai nhân chứng – cô gái Mayella Ewell và bố cô Bob Ewell. Nếu xâu chuỗi các tình tiết cũng như lời khai của hai cha con nhà Ewell, là một người bình thường chúng ta cũng dễ dàng đoán được kết quả như thế nào. Nhưng, dù có những cuộc đứng lên để bảo vệ quyền tự do của một con người nhưng đó là định kiến như ăn sâu vào gốc rễ thì khó thể nào “bứng” lên được. Bố Atticus dù biết thế nhưng vẫn kiên định, nỗ lực với mong muốn có thể cứu rỗi những nạn nhân vô tội như Tom Robinson. Song, số phận của anh vẫn như một cái kết định sẵn.

“Đối với bố chẳng có gì đáng ghê tởm hơn một người Da trắng thấp kém lợi dụng sự ngu dốt của một người Da đen” – Atticus. Bạn có muốn hoá thân thành nhân vật Atticus để minh chứng cho sự trong sạch của chàng trai da màu Tom Robinson? Bạn muốn vạch trần sự thật và đưa kẻ ác ra ánh sáng? Vậy thì đừng bỏ qua cuốn sách Giết con chim nhại nhé!

Nội dung: Khánh Ngân - Bila Team
Ảnh: Chu Loan - Bila Team
Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top