Giỏ hàng

REVIEW Hồi kí "Những ngày thơ ấu": Tuổi Thơ Cậu Bé Hồng

Hồng là kết quả của một cuộc hôn nhân không có tình yêu. Một người mẹ trẻ trung khao khát yêu đương phải chôn vùi tuổi thanh xuân bên người chồng gấp đôi tuổi mình và nghiện ngập. Một cuộc hôn nhân không có tình yêu, đứa trẻ ra đời quả là một sự sai lầm. Nó ràng buộc họ hơn, nhưng nó lại khiến họ khổ sở hơn.

Mình nhớ là hồi mình còn nhỏ, chừng lớp 5 gì đó, có lần chán quá thế là mình lấy cuốn sách giáo khoa lớp 8 (hồi ý bố mình dạy Văn) giờ giở ra thì gặp ngay một tựa đề rất hay và rất hút, mình mân mê theo từng dòng chữ và đọc hết cả đoạn trích ấy luôn. Đoạn trích có tên: Trong lòng mẹ, trích hồi kí “Những ngày thơ ấu”

Chẳng biết vì sao, nhưng mình yêu câu chữ của Nguyễn Hồng quá, đọc xong cảm giác nước mắt đã rơi từ khi nào chẳng biết. Mình vừa đọc, vừa tưởng tượng ra khung cảnh của cậu bé tội nghiệp khao khát tình mẹ. Câu chữ sao mà chân thật quá, như được dứt ra từ trái tim nóng hổi và run rẩy của một tâm hồn đã đôi lần gục ngã. Và mình lần mò để tìm cho bằng được cuốn sách ấy, một đoạn trích đã khiến cho mình phải suy nghĩ thật là nhiều, song một đoạn trích không đủ để thỏa mãn sự tò mò của mình, thực sự là vậy. 

Hồi kí “Những ngày thơ ấu” gồm 9 chương, mỗi chương là một câu chuyện, những chương của cuộc đời tuổi thơ một cậu bé cứ nối tiếp nhau như vậy, rồi chững lại… khiến ta xót xa vô cùng. Hồng là kết quả của một cuộc hôn nhân không có tình yêu. Một người mẹ trẻ trung khao khát yêu đương phải chôn vùi tuổi thanh xuân bên người chồng gấp đôi tuổi mình và nghiện ngập. Một cuộc hôn nhân không có tình yêu, đứa trẻ ra đời quả là một sự sai lầm. Nó ràng buộc họ hơn, nhưng nó lại khiến họ khổ sở hơn. Phải vậy chăng? 

Tuổi thơ cậu bé Hồng là những chuỗi ngày dài cơ cực, không, nói chính xác hơn thì đó là chuỗi ngày cay cực, là cay đắng và cực khổ. Bị ghẻ lạnh. Bị bỏ rơi. Bị đánh đập. Ngần ấy nỗi đau cho một tâm hồn đương lớn, như cây non kia, chỉ có hai sự lựa chọn hoặc trở nên què quặt hoặc đau đớn. Sớm phải chịu đựng những điều như thế, điều gượng dậy cậu bé nhỏ, là tình mẹ. Kể ra, tình mẹ chính là phương thuốc hữu hiệu nhất, là thứ khiến con trẻ trông đợi nhiều nhất, dòng sữa mẹ ngọt lành có thể ru ngủ và xoa dịu tất cả những vết hằn in lên xác thịt và những vết xước ở tận trong tim. 

Một đứa trẻ có thể sa ngã, có thể trụy lạc, nhưng ở trong vòng tay mẹ nó, trong lòng mẹ nó, nó vẫn mãi là một báu vật quý giá không gì đánh đổi được. Nhưng đôi khi, người ta phải chia xa nhau, vì những định kiến, những hoài nghi, và sự hà khắc trong tâm thức đã chà đạp lên nhân phẩm của con người không thương tiếc. Mẹ bé Hồng đáng trách, nhưng bà thật đáng thương, vì gia cảnh, vì bản thân mà lỡ mất một cuộc đời.

Có lẽ vì là hồi kí, là những câu chuyện được dứt ra từ chính cuộc đời, từ chính tuổi thơ đầy sóng gió của mình, chính vì thế mà người đọc đồng cảm với nó hơn bao giờ hết. Văn chương viết về mình thực là thật. Không đi sâu vào từng đoạn trích, vì sẽ thật là dài để có thể kể hết ra tất cả, nhưng có một điều mà mình nhận thấy, Nguyên Hồng miêu tả tâm lí nhân vật rất hay và rất tuyệt, ông gọi ra những thứ mơ hồ ở ngay trong suy nghĩ rất ngọt mà rất tinh. 

Cái kết của tác phẩm như một sự trốn chạy. Còn trốn chạy khỏi điều gì ư? Mình nghĩ mỗi người sẽ có một câu trả lời riêng. Vậy thì, hãy đọc để cảm nhận. Chỉ mong rằng chúng ta sẽ là người đồng cảm, nhưng sẽ không ai có thêm một thời thơ ấu như vậy nữa, rất mong...

Nội dung: Nguyễn Thanh Hà - Bila

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top