Giỏ hàng

REVIEW “Khi hơi thở hóa thinh không”: Hãy Sống Như Thể Ngày Mai Bạn Sẽ Chết

“Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời nhưng hót hay nhất thế gian... Nó lao vào bụi gai và cất lên tiếng hát vĩnh biệt, tiếng hát đẹp nhất mà nó từng hát.”

Liệu chết có đau lắm không? Liệu cái chết có thực sự đáng sợ? Liệu mấy ai dám dũng cảm đứng lên chiến đấu với nó? Và nếu “Khi hơi thở hóa thinh không” thì bạn có giống như Paul Kalanithi - với ánh nhìn thực rõ và vô vàn cảm xúc trước căn bệnh ung thư có thể mang anh về thế giới bên kia bất cứ lúc nào.

Về Paul Kalanithi, anh là một bác sĩ, một bác sĩ giải phẫu thần kinh nhưng khi viết đôi lời về cuốn sách, mình xin gọi anh là một nhà văn. Không phải vì anh viết quá xuất sắc mà vì lời văn của anh đã chạm tới trái tim người đọc. Tuy không phải là một nhà văn chính thức nhưng anh đã tốt nghiệp Stanford với bằng cử nhân và thạc sĩ Văn học Anh, thạc sĩ Lịch sử và triết học khoa học. Anh đam mê y học, anh tò mò về bộ óc con người, bên cạnh đó anh cũng viết lách. “When breath becomes air” (Khi hơi thở hóa thinh không) không phải cuốn sách đầu tiên của tác giả nhưng có thể cho rằng là cuốn sách hay nhất. Ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt, đó là điểm đặc biệt ở cuốn sách này. Cuốn sách có thể như một lời tự sự, một bức tâm thư lúc tác giả sắp ra đi... Tới lúc anh không còn trên cõi người nữa cuốn sách vẫn là một bản thảo...

Đến với cuốn sách, ta đến với cuộc sống của một vị bác sĩ hết sức chân thực như bao cuốn hồi ký khác nhưng rất mới mẻ. Ngày viết sách là lúc Kalanithi mới độ 35 tuổi. Có thể nói đây là độ tuổi sung sức nhất đối với một người và là thời kì đỉnh cao với một người bác sĩ. Anh với bao ước mơ, kì vọng với một tổ ấm, thỉnh thoảng có thể viết sách. Điều này hết sức bình thường như mình và bạn. Nhưng rồi anh bị chuẩn đoán bị ung thư phổi... Cuộc sống trước kia với bầu trời xanh và đầy ắp tia nắng ấm nay mây đen đã kéo đến. Như một người bình thường chắc đã tuyệt vọng biết bao. Có người có lẽ cũng chọn con đường buông tay nhưng Kalanithi thì không, anh chọn đối mặt với nó. Anh thử rất nhiều liệu pháp trị liệu tích cực với quyết tâm không từ bỏ. Là một bác sĩ, anh chẳng lạ gì với căn bệnh ung thư, anh hiểu hơn ai hết. Thử đặt câu hỏi: Từ một vị bác sĩ níu kéo bệnh nhân khỏi tay tử thần nay lại đã trở thành bệnh nhân? Bạn sẽ thấy thế nào? Tuyệt vọng lắm, nhưng anh không từ bỏ. Anh chiến đấu với tử thân khi sự sống chỉ mong manh trong từng gang tấc. Có lẽ với những người cùng cảnh ngộ, đó là tia sáng hy vọng dẫu chỉ là tia sáng le lói. Từ bỏ hay chiến đấu? Anh đã đưa ra lựa chọn. Anh quay về công việc như bao ngày bình thường khác.

Trong cuốn sách thì có lẽ mình kết phần đầu nhất. Nó rất cuốn. Sức khỏe của anh càng ngày càng yếu đi. Phần kết, đôi dòng của người vợ. Như đã nói khi Kalanithi ra đi cuốn sách vẫn chưa hoàn thành. Phần này ngắn nhất. Cuốn sách chủ yếu là nói về cái chết, sự lạnh lùng của y học. Anh là một người có tài nhưng không phải là thần thánh trong cuốn sách ta thấy được sự “căng não” của anh khi phải trải qua hàng giờ đồng hồ phẫu thuật. Có lúc cũng thành công nhưng thất bại là điều không thể tránh khỏi. Anh thất bại chính là lúc một sinh mạng ra đi, anh khóc, những người chứng kiến khóc, người thân của nạn nhân cũng khóc. Phải chăng bác sĩ cũng là người đại diện cho tử thần? Họ đang từng ngày níu giữ tia hi vọng mong manh ấy. Đến với cuốn sách là đến với những suy nghĩ mới về cái chết nhưng thực lại đang giúp tác giả níu kéo sự sống, suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời. Không đến mức quá bi thảm nhưng lại đầy ám ảnh. Viết về căn bệnh của mình nhưng ta lại không thấy sự than thở hay với một giọng văn không chút sức sống, vẫn rất tích cực nhưng có chút nuối tiếc. Ẩn sâu trong đó là những triết lý sống, có khoa học, có triết học, có tôn giáo. Thật đáng buồn nhưng lúc sắp ra đi ta mới thấy được sự sống nó mong manh đến chừng nào. Sự sống phải chăng trong gang tấc? Thế nào là sống có nghĩa? Không đơn thuần là sự việc nào xảy ra trước được kể trước, mình vô cùng ngạc nhiên vì tất cả chuỗi sự kiện xảy ra đều là thực trong cuộc đời của tác giả. Chính vì thế đã góp phần giúp người đọc hiểu rõ hơn về cuộc đời của Paul, những triết lý trong tác phẩm có một cơ sở rõ ràng, chứ không đơn thuần là trải nghiệm suông. Tuy không đến mức quá mượt mà nhưng cũng không đến mức quá khô. Cái đích là nó chạm đến được trái tim người đọc. Paul nhận ra rằng: “Hầu hết chúng ta đang sống với sự nhận biết thụ động về cái chết – đó là điều xảy ra với bạn và những người xung quanh bạn. Nhưng chúng tôi (các bác sĩ) được đào tạo để chủ động giao chiến với cái chết, vật lộn với nó – và trong lúc làm điều đó, trực diện với câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời”. Có lẽ lúc anh viết dòng này cũng là lúc anh đang đối mặt với bao bệnh nhân, với bao ca bệnh khó khăn...

Đến cuối cùng tình cảm chân thành mới là thứ còn lại mãi ở bên ta. Trong tác phẩm, ta không chỉ đơn thuần thấy một trái tim mạnh mẽ đầy ý chí, nghị lực mà còn là bài ca về thứ tình cảm chân thành. Tự hỏi: Lúc biết mình bị bệnh, dù mạnh mẽ thế nào anh cũng phải gục ngã. Cái gì đã níu kéo anh, nâng đỡ anh. Không gì khác đó chính là những người thân yêu cạnh anh gần gũi nhất là người vợ. Như có người đã từng nói: Tình yêu khiến người ta trở nên tham lam, tham lam vì sự sống, tham lam vì muốn cạnh bên những người mình yêu thương. Dù mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn nhưng không đồng nghĩa người ta chỉ cô độc một mình. Paul có được sự mạnh mẽ ấy vì bên anh còn có một gia đình. Lúc anh bị bệnh, anh vẫn chưa có con. Vợ chồng anh đã quyết định thụ tinh nhân tạo và đã có một đứa con gái. Lúc anh ra đi, nó vẫn còn chưa biết nói. Chắc chắn rằng, sau này nó sẽ tự hào biết bao về người bố của mình.

Mình đã khóc khi đọc cuốn sách. Mình tin nếu bạn đọc cuốn sách này, bạn sẽ khóc. Bill Gates cũng đã từng rơi lệ.. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Hãy sống như thể ngày mai bạn sẽ chết! Đó là bài học mình rút ra được. Hãy cứ sống một cuộc đời thật ý nghĩa bởi lẽ ta còn may mắn hơn Paul rất nhiều.

Nội dung: Đạt Trần - Bila Team
Ảnh: Thanh Thư - Bila Team
Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top