Giỏ hàng

REVIEW "Làm đĩ": Số Phận Của Người Con Gái Lầm Đường, Lạc Lối

Phải chăng chúng ta nên xem lại bản thân mình? Phải chăng các bậc thân sinh cũng nên xem lại cách dạy dỗ con cái? Dẫu gì qua gần trăm năm xã hội đã thay đổi rất nhiều. Ngày nay, xã hội đã có cái nhìn khác, họ đã sẵn sàng dang rộng vòng tay để đón chào những người sẵn sàng làm lại cuộc đời.

Chúng ta đã nhiều lần nghe về từ “Đĩ”, chúng ta đã từng dùng nó trong giao tiếp, thậm chí đem nó ra để bỡn cợt. Nhưng liệu mấy ai có hiểu hết về từ “Đĩ”? Phải chăng ai cũng muốn làm đĩ? Hay vì họ sa cơ, lỡ vận, lầm đường mà thôi? Điều đó rất phải, một người con gái quý nhất là thanh xuân - độ tuổi rực rỡ nhất, căng tràn sức sống nhất chẳng ai lại dùng nó để đổi lấy sự chà đạp về mặt thể xác thậm chí là cả về phần hồn. Bằng đôi mắt tinh tường, bằng một tâm hồn nhạy cảm đang rung động mãnh liệt, Vũ Trọng Phụng đã cho ra đời cuốn sách “Làm đĩ”.

Nhắc đến Vũ Trọng Phụng thì chắc nhiều người cũng biết về ông. Đặc biệt với cuốn tiểu thuyết “Số đỏ” với nhiều câu nói “chất” và đã ăn sâu vào trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhiều người. Nhưng để hiểu sâu hơn, để hiểu rõ hơn về cái hồn của nhà văn và cũng chính là cái hồn của tác phẩm, chúng ta hãy cùng tìm hiểu. Vũ Trọng Phụng - một nhà văn phóng sự, một nhà văn trào phúng và cũng là một nhà báo nên tác phẩm của ông rất chân thực, đào sâu vào từng ngóc ngách của hiện thực. Cái chất, cái thần thái của ông không lẫn tạp của bất cứ một tác giả nào cả nên tôi rất thích tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Trong cái thời con người ta còn nghi hoặc, lấp liếm, còn tránh né, còn giả dối đối với vấn đề quan hệ nam nữ thì ông lại là một trong số ít người dám lên tiếng qua văn chương. Nên trong suốt sự nghiệp sáng tác của ông, tuy ông có rất nhiều tác phẩm thành công thế mà đã nổ ra bao cuộc tranh luận xung quanh vấn đề "Dâm hay không Dâm" trong các tiểu thuyết, phóng sự của ông. Ông mất sớm - 27 tuổi thế nhưng những tác phẩm của ông thì vẫn mãi vẹn nguyên những giá trị đạo đức cho đến tận bây giờ hay mãi mai sau. “Làm đĩ” cũng là một trong số đó. Nó châm biếm rất sâu cay và nó bóc trần được sự thật lúc bấy giờ.

Tôi đã từng đọc cuốn sách này cách đây một năm nhưng hôm nay tôi lại quyết định tìm đọc lại và viết bài review đây. Tôi bị ám ảnh bởi sự trăn trở của ông:

“Cái dâm tự nó không xấu, mà nó còn là điều cao thượng đẹp đẽ và linh thiêng vô cùng, vì nhờ nó mà loài người không tiêu diệt, nhờ nó mà có chúng ta đây...

Tại làm sao cái điều ấy, cái điều mà người ta tự cho mình là đứng đắn, đạo đức, không dám nói ra miệng bao giờ, thì chính là cái điều mà bất cứ lúc nào người ấy cũng có thể phải nghĩ thầm trong bụng?...

Nhưng tác giả còn hy vọng ở những người biết nghĩ...”

Đúng thật! Tôi không có một lời ngăn cản nào khi các bạn tìm đọc sách mà còn cảm thấy ai cũng nên đọc cuốn sách một lần. Tại sao chúng ta lại phải trốn tránh, giả tạo khi tìm hiểu, tìm đọc những vấn đề ấy? Đã đến chúng ta phải đi sâu vào những vấn đề dẫu nhạy cảm nhưng thiết thực và ảnh hưởng rất lớn đến hệ tư tưởng của mỗi chúng ta.

Lời đầu, “Làm đĩ” thực sự rất khó đọc. Vả lại bìa sách chẳng hề bắt mắt tí nào cả, mà nói trắng ra thì nó thật kinh khủng. Đó là lý do tôi bỏ dở cuốn sách này năm ngoái và nay mới lôi ra đọc. Các bạn đừng hiểu nhầm, tuy tôi khá coi trọng đến “dung mạo” của cuốn sách nhưng nội dung mới là thứ hút hồn tôi. Từng con chữ như đang đi đánh trận vậy, nó xô đẩy lẫn nhau, nó đan xen nhau, nó quấn lấy nhau... Đọc lần 1, tôi vẫn chưa hiểu cái gì cả. Rồi tôi đọc lần 2, vẫn thế. Tới lần thứ 3, dường như có gì đó đã ngấm. Rồi lần thứ 4 đến 5 tới 6... có khi cả chục lần mới hiểu nổi luôn. Nhưng khi đã ngấm sâu rồi, bạn mới thốt ra rằng: “Chao ôi, cuốn sách thật ý nghĩa!”.

Cuốn tiểu thuyết đi sâu vào nội tâm nhân vật chính cô Huyền. Xuyên suốt cuốn sách đều là những dòng nội tâm của cô với 4 phần chính: Tuổi dậy thì, Ra đời, Lấy chồng, Trụy lạc. Giàu có, có học, xinh đẹp, được nhiều người mến mộ đó là tất cả những ưu đãi mà trời đất ban tặng cho cô kể từ khi cô sinh ra cho đến lúc lớn. Cô như một đóa hoa sen trong đầm, tỏa hương tỏa sắc, quá trong trẻo đến độ ngây thơ. Thời gian trôi qua nhanh thật, đến độ tuổi dậy thì cũng là lúc đời cô thay đổi, cái độ tuổi mà tâm - sinh lý con người thay đổi, cái độ tuổi mà con người khao khát tình yêu cũng như những khoái cảm xác thịt. 12 tuổi, Huyền bỡ ngỡ hỏi mẹ: Em nó đẻ ra bằng chỗ nào? Nhưng nực cười thay cho câu trả lời. Mẹ nó bảo từ nách, vú già bảo từ bụng,... cô không biết thế nào thấy gà đẻ trứng cô lại tưởng là cô nở từ trứng. Không biết có ai nói là cò mang đến hay không? Ở độ tuổi ấy, tôi cũng đã từng thắc mắc vậy nhưng may thay tôi đã đi đúng con đường, ba mẹ tôi cũng không bưng bít như mẹ của Huyền. Trẻ con như tờ giấy trắng, nó có biết gì đâu. Ta vẽ ra sao là nó như thế. Rồi Huyền lại lớn lên, cô bé mò mẫm trong những băn khoăn không lời giải đáp thỏa đáng. Để rồi một ngày cô ngã vào vòng tay Lưu – người anh họ xa đang trọ học tại nhà – trong cái đêm mất ngủ vì “sự thị uy của ái tình” giữa cha và vợ bé chỉ cách giường cô một bức vách. Những cảnh nóng không gợi lên sự dâm dục mà ở thay vào đó lại là sự đau đớn vì họ không lý giải nổi ham muốn của bản thân mình. Mối tình vụng dại kết thúc bi thảm. Lưu thì tự tử, Huyền thì bị ép gả cho Kim. Sau đó Huyền lại dại dột theo Tân. Từ chỗ e ngại, Huyền và Tân đã trở thành đôi “gian phu dâm phụ” lúc nào không hay. Cô Huyền phải chịu cuộc đời cơ cực khi bị Tân phụ tình. Sau đó không lâu, Tân được mọi người tung hô, Huyền quyết tìm đến Tân và sống chết một phen nhưng tiền cạn, cô Huyền đã rơi vào trụy lạc. Cô đã trở thành “Đĩ” từ lâu rồi. Cái nghề tưởng chừng kinh tởm, tanh bẩn vậy mà được diễn tả có vẻ cao sang "Các phòng bài trí lịch sự lắm, có thể so với phòng các khách sạn tây lớn. Sập gụ trên có khay đèn, giường Hồng Kông, ghế đi văng. Một cái gương kiểu Psyche tại một góc. Bàn rửa mặt có sẵn nhiều khăn bông trắng muốt tại một góc khác". Tất cả đều qua lời Huyền kể hay là chính tác giả đây? Nếu không phải Vũ Trọng Phụng là đàn ông thì tôi ngỡ đây là một cuốn tự truyện mất. Nó thực sự quá chân thực.

Tôi ghét mà cũng cứ thấy thương cô nhiều hơn. Cô thực sự quá đĩ thõa. Cô sa đọa, cô chỉ biết đổ lỗi cho xã hội đưa đẩy. Nói đi cũng phải nói lại, tôi thương cô vì không có ai dạy cô đi đúng đường, cô phải sống cả đời trong những những suy nghĩ mò mẫm, không lời giải thích thỏa đáng. Lại thương cô gặp được người yêu cô thực sự nhưng bị hai chữ “huyết thống” làm xa cách. Giá như anh chàng kia không phải là anh họ cô thì đời cô cũng chẳng đến mức bần cùng thế! Thương cô bị cái mã hào nhoáng của một gã đàn ông bạc tình để hỏng cả cuộc đời. Phải chăng để đến lúc các bậc cha mẹ nên suy nghĩ lại về cách dạy con. Cả tiểu thuyết, tôi dường như không thấy một lời than trách cuộc đời từ cô, tôi quý cô ở điểm đó và chính điểm đó khiến cô hơn người ta thậm chí cô dám viết ra để người ta biết sai mà tránh. Thương cô vô cùng!

Bằng tài năng và tình thương người vô bờ, Vũ Trọng Phụng đã đi tìm đến tận cùng của sự thật, nguyên nhân dẫn đến sự tha hoá nơi những người phụ nữ đáng thương: Xã hội Âu hóa nửa Tây nửa ta - một hệ tư tưởng khô cứng làm giết chết quyền được sống, quyền được yêu của người trẻ. Có lẽ trong thời kỳ Âu hóa ấy xã hội còn nhiều cô Huyền như thế.

Đọc cuốn sách khiến tôi dở khóc dở cười một cách vô thức. Tôi không biết tại sao nữa! Nhưng một lần nữa, tôi khẳng định rằng giá trị nhân văn mà cuốn sách mang lại vô cùng to lớn. Phải chăng chúng ta nên xem lại bản thân mình? Phải chăng các bậc thân sinh cũng nên xem lại cách dạy dỗ con cái? Dẫu gì qua gần trăm năm xã hội đã thay đổi rất nhiều. Ngày nay, xã hội đã có cái nhìn khác, họ đã sẵn sàng dang rộng vòng tay để đón chào những người sẵn sàng làm lại cuộc đời. Và cũng đừng dại dột nhất là những người con gái hãy suy nghĩ chín chắn lên, đừng để vì lầm lỡ mà để hủy hoại cả một cuộc đời.

Nội dung: Đạt Trần - Bila Team










Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top