REVIEW "Người mẹ cầm súng": Người Mẹ Cầm Súng Trong Trang Sử Vàng Dân Tộc
08/05/20
"Người mẹ cầm súng" không phải là cuốn sách đa nghĩa, ẩn chứa quá nhiều chiều sâu triết lý, thay vào đó là sự nhẹ nhàng, dung dị, tha thiết, chất phác như chính con người Nam Bộ.
Nếu lịch sử học nhìn chiến tranh bằng cái nhìn bao quát, toàn thể thì chiến tranh trong văn học như một ống kính được zoom lên, soi đến từng cá nhân nhỏ bé, bình thường. Chính từ những cá nhân đó sẽ ghép lại thành một bức tranh số phận con người thời chiến trận mà mỗi mảnh ghép là một câu chuyện riêng, đa sự đa đoan. Chúng ta có những mảnh ghép bi thương mà hào hùng như "Tuổi thơ dữ dội" (Phùng Quán), "An Tư" (Nguyễn Huy Tưởng); hùng tráng như trong "Đất nước đứng lên" (Nguyên Ngọc); những mảnh ghép đau đớn, ám ảnh trong "Nỗi buồn chiến tranh" (Bảo Ninh), "Rừng cười" (Võ Thị Hảo),... Với "Người mẹ cầm súng" của Nguyễn Thi, ta sẽ tìm thấy mảnh ghép bi tráng của hình tượng người phụ nữ Nam Bộ trong chiến tranh chống Mỹ.
Lịch sử (history) - His story - "Câu chuyện của anh ấy". Nhưng Nguyễn Thi lại kể với chúng ta Herstory: câu chuyện về Nguyễn Thị Út (Út Tịch), người phụ nữ Nam Bộ tay bồng tay bế năm đứa con mà đứa lớn chỉ mới gần tám tuổi. Các cụ vẫn dạy: "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh" nhưng với người dân nơi đây, kể gì đàn bà con gái, chỉ cần có giặc ngoại xâm thì "Còn cái lai quần cũng đánh". Đi ở đợ cho địa chủ từ thuở cởi truồng, việc bị đánh đập, chửi mắng trở thành chuyện cơm bữa. Nhưng tinh thần phản kháng trong chị đã chảy ngay từ giây phút dám chống trả lại đòn roi, bỏ khỏi nhà địa chủ. Như một lẽ tất yếu, chị Út Tịch lớn lên và đi theo cách mạng. Gần như không trận càn, phá đồn địch nào mà không có mặt chị. Dù bầu bí chị cứ ngang ngạnh đòi tham gia bằng được: "Có ai đánh giặc Mỹ mà chờ sanh xong mới đánh". Xây dựng hình tượng một con người nhưng những gì nhà văn khắc hoạc được lại là cả một thế hệ. Trên mảnh đất Việt Nam đâu phải chỉ có một Út Tịch, còn cả ngàn, vạn Út Tịch như thế; không chỉ ở thế hệ này mà còn cả mai sau. Ngay những đứa con cũng dần đổ bóng hình ảnh người mẹ can trường của mình, khát khao lớn lên theo cha mẹ đánh giặc, giành lại quê hương.
Cuốn sách mỏng gồm 2 phần: truyện kí về cuộc đời chị Út Tịch và truyện ngắn "Mẹ vắng nhà" kể về những đứa con của chị. Nếu theo dõi, độc giả sẽ nhận ra ngay giọng văn biến đổi linh hoạt của người viết. Nhịp văn hơi nhanh, liên tục và hồ hởi như chính nhịp thở nơi chiến trận, ghi lại chiến công vang dội và oanh liệt của người phụ nữ nhỏ bé, gan lì. Nhưng ở "Mẹ vắng nhà", câu chuyện đan xen cả hai yếu tố hư và thực về mầm mống tình yêu nước, căm thù giặc đang nhú lên trong những đứa con bé bỏng của chị khi mẹ xa nhà đi đánh giặc. Đến đây, lời kể trở nên chậm rãi, nhẹ nhàng nhưng đầy hào hứng, tự hào khi những đứa con trò chuyện với nhau về mẹ, về quê hương, về bom đạn đang ngày đêm trút xuống.
Dù ở phần nào, màu sắc đặc trưng Nam Bộ cũng bao trùm từ chương đầu tiên đến tận những chương cuối của cuốn sách. Từ phong cảnh thôn ấp, đến phương ngữ Nam Bộ bình dị đều khéo léo kéo độc giả trở về bối cảnh chiến tranh tại miền Nam những năm 65.
Không thể phủ nhận, ở một số đoạn, nhân vật bị cường điệu hóa. Chị Út Tịch sẵn sàng hi sinh cả năm đứa con để chiến dịch thành công trong khi ý nghĩ lo lắng cho con của người mẹ chỉ xuất hiện thoáng chốc và lập tức bị lấn át bởi suy nghĩ phải đánh đổi để giành được thắng lợi chung. Tâm lí nhân vật cũng chưa hoàn toàn được khắc họa rõ nét, sâu sắc mà chỉ dừng lại ở việc tường thuật, có thể là do giới hạn của thể loại truyện kí khó thỏa mãn.
"Người mẹ cầm súng" không phải là cuốn sách đa nghĩa, ẩn chứa quá nhiều chiều sâu triết lý, thay vào đó là sự nhẹ nhàng, dung dị, tha thiết, chất phác như chính con người Nam Bộ. Chắc hẳn, đây chính là sức hút riêng khiến người đọc tìm đến tác phẩm để thêm tự hào về lịch sử dân tộc. Không khoa trương, phóng đại, dát vàng lịch sử nhưng cũng không chối bỏ, đạp đổ mồ hôi, xương máu cha ông đổ ra để có độc lập hôm nay.
Nội dung: Bảo Ngọc - Bila Team
Ảnh: Chu Loan - Bila Team