12 Quyển Sách Hay Về Mẹ Sẽ Khiến Bạn Rơi Nước Mắt
Là người con được sinh ra và nuôi dưỡng trong vòng tay mẹ, bản thân mỗi chúng ta ai cũng tự biết yêu thương và trân trọng người mẹ bên cạnh mình. Tuy nhiên sự hồn nhiên của tuổi trẻ hay phút đắm chìm trong công việc, ta bỗng vô tâm, quên lời hỏi han mẹ những khi trái gió trở trời, quên cuộc điện thoại về nhà những khi bộn bề sớm muộn. Hãy cố gắng nói lời yêu thương và bày tỏ lòng mình với mẹ khi còn có thể vì ai cũng biết cuộc sống là hữu hạn.
1. Hãy Chăm Sóc Mẹ
Tác phẩm "Hãy chăm sóc mẹ" của nhà văn Hàn Quốc Kyung-sook Shin mở đầu bằng khung cảnh xáo trộn của một gia đình. Mẹ bị lạc khi chuẩn bị bước lên tàu điện ngầm cùng bố ở ga Seoul. Hai ông bà dự định lên đây thăm cậu con cả. Con gái đầu, Chi-hon, là người đứng ra viết thông báo tìm người lạc thay cho cả gia đình. “Ngoại hình: Tóc ngắn đã muối tiêu, xương gò má cao, khi đi lạc đang mặc áo sơ mi xanh da trời, áo khoác trắng, váy xếp nếp màu be”. Trong tiềm thức của mình, Chi-hon vẫn nghĩ mẹ là người thường“bước đi giữa biển người với phong thái có thể đe dọa cả những tòa nhà lừng lững đang nhìn thẳng xuống từ trên cao”. Trong khi đó, những người qua đường đáp lại thông báo tìm người lạc của cô bằng miêu tả về một “một bà già cứ lững thững bước đi, thỉnh thoảng lại ngồi bệt xuống đường hay đứng thẫn thờ trước cầu thang cuốn”. Liệu đó có phải là người mẹ mà cả gia đình cô đang cất công tìm kiếm?
Một ngày, một tuần rồi gần một tháng chầm chậm trôi qua. Người chồng và những đứa con hiện đều đã phương trưởng cả không chỉ lo sốt vó mà còn day dứt tâm can vì cảm giác tội lỗi, và rối bời “trong nỗi hoảng loạn như thể tất cả mọi người đều bị tổn thương ở vùng não”. Họ cũng lấy làm băn khoăn tại sao mẹ không biết hỏi đường về nhà cậu con cả cho đến khi phát hiện ra hai sự thật rằng mẹ không biết chữ và mẹ bệnh ung thư vú khiến đầu óc không được minh mẫn như thường.
Từ đây, những hy vọng tìm lại mẹ càng trở nên mong manh hơn…
2. Người mẹ
Trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Gorki, cuốn tiểu thuyết “Người mẹ” chiếm vị trí quan trọng bậc nhất. Đó là tác phẩm đầu tiên của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, đánh dấu bước ngoặt căn bản trên con đường phát triển của nền văn học nghệ thuật thế giới. Tác phẩm “Người mẹ” vẽ ra trước mắt chúng ta bức tranh rộng lớn của xã hội Nga những năm đầu thế kỷ XX với cái quá khứ nặng nề trong đời sống của vợ chồng các công nhân Mi-khai-in, với hiện tại đấu tranh gian khổ và anh dũng của mẹ con anh công nhân Paven. Đồng thời cuốn tiểu thuyết còn thấm sâu cảm giác về thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy mà mặc dù “Người mẹ” kết thúc bằng cảnh Người mẹ bị bắt song truyện vẫn làm người đọc lạc quan, tin tưởng ở ngày mai.
3. Mẹ Điên
Mẹ điên, dịch giả Trang Hạ “Trên mạng đầy rẫy chữ, hay thì được gọi là văn, còn lại toàn rác. Tôi chỉ làm công việc đơn giản là giúp các bạn bới rác”. Khi Mẹ điên đang được dịch và gửi lên mạng Internet, đã có những bạn trẻ Việt Nam ngồi lỳ trước màn hình máy tính, chờ đọc tiếp từng đoạn, từng đoạn. Khi Mẹ điên được dịch đến dòng cuối cùng, có rất nhiều người đang ngồi ở nhiều miền khác nhau trên đất nước Việt Nam, trước màn laptop hay trong quán cafe Internet đã cùng chảy nước mắt.
4. Người Mẹ Lang Thang
Người mẹ lang thang là một câu chuyện về Hiromi – một người phụ nữ đã đi khắp nước Nhật và trở thành “mẹ nuôi” của những đứa trẻ kém may mắn trong cuộc sống. Cô đã chăm sóc những đứa trẻ chỉ có bố mà thiếu vắng tình yêu của mẹ, những ông bố thường xuyên vắng nhà dài ngày hay những đứa trẻ bị mẹ ngược đãi và bỏ nhà đi.
Hành trình của Hiromi kéo dài từ khi cô 20 tuổi đến năm 40 tuổi. Dù là thời gian ở cùng chăm sóc những đứa trẻ khác nhau, có đứa vài tháng, cũng có đứa tận vài năm nhưng cô vẫn cố gắng coi chúng như con ruột của mình và khi những đứa trẻ đã cứng cáp, gia đình ổn định, khi “dịch vụ” của cô không còn cần thiết nữa, cô lặng lẽ bỏ đi.
Với sự tận tụy, hết lòng yêu thương những đứa trẻ ấy, Hiromi đã để lại trong tâm trí những đứa trẻ hình ảnh về một người mẹ đích thực và những kỉ niệm gia đình ấm áp trong quãng thời gian ngắn ngủi sống cùng cô.
5. Hạnh Phúc Trong 5 Lá Thư Của Mẹ
"Hạnh Phúc Trong 5 Lá Thư Của Mẹ" là một quyển sách văn học Pháp rất thực tế và giàu tính nhân văn. Câu chuyện mở ra những tình huống về chủ đề mất mẹ, về tình yêu và sự tìm kiếm nhân cách của trẻ với triết lí “tôi là ai” thông qua những câu hỏi liên tục và những cuộc phiêu lưu của Chloé. Những lá thư nhẹ nhàng, không mang tính triết học tiên nghiệm, cũng chẳng có những lời yêu thương mà ta thường tìm thấy. Nhưng mỗi lá thư lại khiến bạn đọc mỉm cười để rồi rơi nước mắt với tình mẫu tử thiêng liêng.
6. Mẹ Ơi Con Sẽ Lại Về
Cuốn sách "Mẹ Ơi Con Sẽ Lại Về" là sự hồi tưởng, là những câu chuyện nhỏ nhặt dưới góc nhìn của con gái cả. Một chuyến đi ngược về quá khứ với thứ duy nhất cô mang bên mình là những lá thư mà người mẹ gửi cho các con. Nó giản dị, đời thường từ cái việc nhỏ nhất đến những thứ lớn hơn đều được tái hiện một cách chân thực và gần gũi nhất. Không cần quá cầu kỳ nhưng cuốn sách đã để lại trong lòng tôi và các bạn từng đọc sách sự biết ơn chân thành cho người mẹ của mìn hay nỗi nhớ cho những ai xa nhà.
7. Lỗi Ở Yêu Thương – Về Nhà Với Mẹ
"Lỗi ở yêu thương" (Thanh Duy) là cảm xúc về những mối tình đã qua, có giận hờn, có ngọt ngào, có hạnh phúc và có cả chia ly… của chính tác giả. Ngoài ra đó cuốn sách còn chứa đựng những cảm xúc giản dị, chân thành trước những hình ảnh thân thương gắn bó với cuộc sống thường ngày của của tác giả.
Về nhà với mẹ (Thanh Thủy) là những vần thơ mộc mạc, đơn sơ, viết về hình ảnh đời thường, về tình bạn, về tình yêu thương gia đình, con cái…
8. Bốp À! Mẹ Bị Ung Thư
Một nhân vật bước ra từ chương trình “Điều ước thứ 7”, một single mom xinh đẹp đang ngày ngày chống chọi với căn bệnh ung thư vú cùng cậu con trai 10 tuổi. Đầy là cuốn sách về nghị lực sống và tình yêu thương vĩ đại của người mẹ.
“Mẹ ơi, con đếm đi đếm lại rồi đấy. Chắc chắn đủ 1000 con hạc. Bây giờ con và mẹ cùng ước nhé!
Nói rồi nó chắp tay nhắm mắt thì thào: “Con ước cho mẹ con khỏi bệnh ung thư vĩnh viễn.” Tôi cũng thì thào trong xúc động: “Con ước cho con được sống đến khi con trai con cưới vợ.”
Biết đâu câu chuyện 1000 con hạc là có thật, biết đâu tôi sẽ khỏi bệnh vĩnh viễn…”
9. Mẹ Sẽ Không Để Con Ở Lại
Sách “Mẹ sẽ không để con ở lại!” của nữ tác giả Dương Thanh Nga là tập hợp những bài viết sinh động, thiết thực từ những chuyến đi, những trải nghiệm hoàn toàn là sự thật của một bà mẹ địu con đi khắp 3 châu lục trong suốt 2 năm đầu đời của con.
Hành trình của hai mẹ con chạm tới trái tim của các ông bố bà mẹ khác bởi sự chân thành và những chiêm nghiệm thật được rút ra từ trái tim của người mẹ. Nhiều người yêu mến Nga bởi lối kể chuyện nhẹ nhàng, giản dị, thực tế và đầy lôi cuốn.
Quyển sách được kỳ vọng sẽ giúp các bố mẹ trẻ chuẩn bị và tận hưởng trọn vẹn hơn khi đi du lịch, hay chỉ đơn thuần là một buổi dạo chơi ngoài phố cùng con nhỏ. Ngay cả với những người chưa có con nhưng đam mê dịch chuyển, việc đi du lịch theo lăng kính của trẻ qua quyển sách nhỏ này cũng sẽ giúp bạn tìm thấy những mảnh vắt vẻo và ngô nghê của tâm hồn mình tưởng đã thất lạc đâu đó.
10. Mùa Sương Thương Mẹ
Mùa Sương Thương Mẹ là sách tản văn của tác giả 9X Phan Đức Lộc viết về những kí ức ngọt ngào, thanh sáng về tuổi thơ gắn bó cùng miền quê yêu dấu, với hương bồ kết dịu dàng, mùa câu tôm sôi nổi những ngày hè, tết Trung thu sáng trăng, nhung nhớ cả vị nhót chua – một thức quà quê dân dã, cùng những nỗi lo khi mùa mưa lũ đến…
11. Dành Cho Mẹ Món Quà Của Tình Yêu
Trong mỗi chúng ta, ai cũng đều lưu giữ những ký ức đẹp về người Mẹ thân yêu của mình. Đó là người để lại nhiều dấu ấn nhất cho cuộc đời của chúng ta. Mẹ luôn là người gần gũi, thân thiết, từng chăm sóc cho từng giấc ngủ, bữa ăn để chúng ta khôn lớn. Năm tháng trôi qua, chúng ta trưởng thành và bước vào cuộc sống với bao điều lo toan, trăn trở. Có những lúc chúng ta vô tình quên đi Mẹ, để rồi một lúc nào đó chợt giật mình nhận ra, mình đã có lỗi với mẹ. Còn Mẹ – dù ở bất cứ nơi nào, vẫn luôn dõi theo từng bước đi của đứa con yêu thương của mình. Có những lúc chúng ta sẽ thèm được ở bên Mẹ, được Mẹ quan tâm, dặn dò và được chăm lo cho Mẹ. Có những lúc chúng ta có thể làm được điều gì đó – nhưng có những lúc thì không, và đôi khi không còn kịp… Và sẽ có lúc, chúng ta khát khao được tạ lỗi cùng Mẹ…
Trong những trang sách, bạn sẽ tìm lại được những phút giây đồng cảm trong tình yêu thương, cảm xúc về Mẹ, tìm về ký ức tuổi thơ thân thương gắn bó bên Mẹ, và cả về lỗi lầm, những suy tư trăn trở, về tất cả những gì Mẹ đã hy sinh cho chúng ta. Chúng ta hãy cùng đọc để suy nghĩ và dành những gì sâu sắc nhất cho Mẹ – người đã tạo ra chúng ta, đã từng, đang và sẽ mãi yêu thương chúng ta đến cuối cuộc đời.
12. Tùy Bút Mẹ Ơi!
Không có bữa cơm nào ngon cho bằng bữa cơm với Mẹ, không có bài hát nào hay bằng bài hát về Mẹ, không có giấc ngủ nào yên lành bằng giấc ngủ bên Mẹ. Tôi suy nghĩ về Mẹ nhiều nhất, tôi ngợi ca về Mẹ nhiều nhất, tôi làm điều gì cũng luôn nghĩ tới Mẹ! Mẹ là người phụ nữ tôi yêu nhất trên đời!
Tùy Bút Mẹ Ơi của Diệp Hồng Phương là những cảm xúc yêu thương xen lẫn hối hận nhưng không dám nói lời xin lỗi, để rồi một ngày kia “Giữa tiếng chuông chùa công phu trong buổi sáng ngân nga. Làn gió ban mai lành lạnh đã rước Mẹ tôi đi rồi… Giọt nước mắt chảy tràn qua khóe. Tôi khóc mẹ lặng thầm! Từ giây phút này tôi biết thế nào là đứa trẻ mồ côi!”. Không còn bông hồng đỏ nữa.
Nguồn: Vnwriter
Ảnh: Khánh Ngọc - Bila Team