Giỏ hàng

Bài Học Từ Sách “Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không”

Paul Kalanithi, một nhà giải phẫu thần kinh 37 tuổi ở Stanford, đã qua đời vào năm ngoái sau cuộc chiến với căn bệnh ung thư phổi. Việc mắc ung thư phổi ở độ tuổi trẻ với một người không hút thuốc là cực kỳ hiếm. Trước khi qua đời, ông đã chấp bút viết một cuốn sách truyền cảm hứng để chia sẻ về cuộc hành trình dũng cảm của mình từ một bác sĩ phẫu thuật thần kinh đến bệnh nhân ung thư rồi đến với sự ra đi của chính mình.

Cuốn sách cảm động của ông đặc biệt bởi hành trình đi tìm lẽ sống u sầu nhưng tràn đầy hy vọng.

Đây chính là 6 bài học quan trọng nhất tôi đã học được từ “Khi hơi thở hóa thinh không”:

1. Nếu kế hoạch cuộc đời bạn bị đốt cháy, hãy tìm một cái mới.

Được chuẩn đoán mắc căn bệnh ung thư phổi Giai đoạn IV ở tuổi 36 là bước ngoặt của một cuộc đời tan vỡ. Nhưng bác sĩ Kalanithi đã tìm ra cách để tiến về phía trước. Ông tiếp tục theo đuổi tiếng gọi của bản thân, phẫu thuật thần kinh, cho đến khi ông không còn khả năng nữa. Tại sao? “Vì tôi có thể. Bởi vì đó là chính tôi. Bởi vì tôi sẽ phải học cách sống theo một cách khác, coi cái chết là một vị khách vãng lai không thể tránh khỏi nhưng biết rằng ngay cả khi tôi đang chết dần chết mòn, cho đến khi tôi thực sự chết, tôi vẫn còn sống.”

Trong giai đoạn này, ông có một đứa con cùng với người vợ của mình là Lucy, và đã dành thời gian bên cạnh họ nhiều nhất có thể. Cuốn sách này giải quyết một câu hỏi mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt chính là nguyên tắc cơ bản về cái chết của chính chúng ta. 

Cuộc sống có thể ngày một khó khăn và khác biệt hơn, nhưng biết rằng cái chết đang lờ mờ đâu đây không có nghĩa là bạn phải ngừng sống cuộc sống của mình. Bạn có thể tận dụng tối đa cuộc sống của bạn với thời gian bạn có.

2. Xác định những ưu tiên của bạn

Bác sĩ Kalanithi đã làm nhiều thứ nhất có thể với khoảng thời gian còn lại của mình. Vị bác sĩ của ông ấy không thể nói với ông cách sử dụng thời gian. Cô ấy bảo, “Tôi chỉ có thể nói rằng ông có thể quay lại phẫu thuật nếu ông muốn, nhưng ông cũng phải hiểu điều gì là quan trọng nhất đối với bản thân mình”. Phần lớn cuốn sách này xuyên suốt quá trình xác định và theo đuổi những gì quan trọng đối với bác sĩ Kalanithi và tìm những ý nghĩa thông qua đó.

Ông ấy quan tâm đến việc thực hành y khoa và viết lách, bởi vậy đây chính là những điều ông làm trong những ngày cuối đời. Bài tiểu luận New York Times xuất sắc của ông đã gây được tiếng vang lớn và điều đó đã truyền cảm hứng cho ông để có thể viết nên cuốn sách. 

Trong khi bạn có thể không phải hấp hối, không ai trong chúng ta có thể biết chúng ta còn bao nhiêu thời gian. Bác sĩ Kalanithi sẽ truyền cảm hứng cho bạn để tìm thấy sự rõ ràng về những điều quan trọng trong cuộc sống của mình và sắp xếp thời gian của bạn theo những gì bạn biết rằng sẽ làm cho cuộc sống của mình trở nên đáng sống.

3. Thừa nhận rằng cuộc sống không phải là để trốn tránh đau khổ

Bác sĩ Kalanithi và người vợ, Lucy, đã cân nhắc việc có con sau chuẩn đoán bệnh của ông ấy. Họ đã thảo luận rằng một đứa trẻ sơ sinh có thể đã ngăn cản thời gian họ ở bên nhau và việc nói lời chia tay với một đứa trẻ sẽ khiến cái chết của ông đau đớn hơn nhường nào. 

Bất chấp nỗi đau sẽ xảy ra khi phải nói lời từ biệt, hai người vẫn quyết theo đuổi ước mơ có con của mình. Một yếu tố then chốt trong việc đưa ra quyết định này là nhận ra rằng cuộc sống không phải là để trốn tránh đau khổ. Cái chết dễ dàng nhất không phải là tốt nhất, ông ấy lý giải.

“Chúng tôi đã quyết định có một đứa con. Chúng tôi sẽ tiếp tục sống, thay vì [bắt đầu] chết”, ông viết.

4. Lặp lại câu thần chú này: “Tôi không thể tiếp tục. Tôi sẽ tiếp tục.”

Văn học đã truyền cảm hứng cho bác sĩ Kalanithi  giúp ông duy trì sự hiện diện của mình khi mọi điều sắp kết thúc. Những lời của Samuel Beckett chính là niềm an ủi và khích lệ của ông.

“Tôi ra khỏi giường và tiến lên một bước, lặp đi lặp lại cụm từ: ‘Tôi có thể đi tiếp. Tôi sẽ tiếp tục.”’

“Tôi đã quyết định thực hiện công việc này bởi vì với tôi, nó là một điều vô cùng quan trọng. Thay vì chọn cách dễ dàng, hãy làm những gì bạn được đưa tới đây để làm. Hãy xác định những gì là quan trọng với bạn và theo đuổi nó một cách quyết liệt.”

5. Hãy tin rằng ngày mai sẽ tốt hơn

Khi quay trở lại với việc phẫu thuật thần kinh, bác sĩ Kalanithi đã nhận thấy công việc của mình chính là thử thách về thể chất. Vào ngày đầu tiên trở lại, ông cảm thấy choáng váng đến mức phải rời khỏi cuộc phẫu thuật để nghỉ ngơi.

Ông ấy rời đi, vứt quần áo bẩn của mình vào chỗ giặt và mặc bộ quần áo đường phố thông thường. “Trên đường ra ngoài, tôi chộp lấy một đống xà bông. Ngày mai, tôi tự nhủ, sẽ là một ngày tốt đẹp hơn.”


Với mỗi ca phẫu thuật trôi qua, công việc đã trở nên dễ dàng hơn. Ông ấy đã trở lại với nhịp độ làm việc, lấy lại các kỹ thuật trước đây của mình và trở lại với một lịch trình hoạt động dày đặc chỉ trong vài tuần điều trị.

6. Tìm kiếm sự thật với ý thức rằng đó là một cuộc rượt đuổi không hồi kết

Trong những tháng ngày còn lại của cuộc đời, bác sĩ Kalanithi đã miệt mài khám phá tôn giáo, ý tưởng về Thiên Chúa và định nghĩa về sự thật. Ông đã nhận ra rằng phương pháp khoa học mà ông đã áp dụng rất nhiều vào sự nghiệp là sản phẩm của trí tuệ con người “và do đó [không thể] đạt được sự hoàn toàn chính xác.

Khoa học có thể giải thích vật chất và năng lượng, nhưng kiến thức khoa học “không thể áp dụng được với bản chất tự nhiên, bất định của cuộc sống con người, là độc nhất, thuộc về cá thể và không thể đoán trước”.

Khi ông vật lộn với những câu hỏi lớn hơn trong cuộc sống, ông kết luận rằng trong khi việc tìm kiếm là đáng giá và cần thiết, thì nhiệm vụ tìm kiếm sự thật là không thể. Mỗi chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một phần của bức tranh toàn cảnh.

“Kiến thức của con người không bao giờ chứa đựng trong một người. Nó phát triển từ các mối quan hệ giữa người với người và với thế giới, và nó vẫn chưa bao giờ hoàn thiện."

Dịch: Thu Hải - Bila Team
Ảnh: Phương CúMít - Bila Team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top