Giỏ hàng

7 Lời Khuyên Cho Việc Giao Tiếp Thông Minh

Giao tiếp luôn là một trong những hành động phức tạp bậc nhất của nhân loại bởi nó đòi hỏi ở con người nhiều thứ hơn là việc chỉ biết phát âm, biết nói. Để có thể giao tiếp tốt, chúng ta phải có được óc quan sát, khả năng thấu hiểu và trên hết là sự rèn luyện. Vậy, làm thế nào để giao tiếp một cách thông minh? Hãy lắng nghe xem các chuyên gia đưa ra những lời khuyên gì cho bạn trong cuốn sách “Giao tiếp bất kỳ ai” nhé!

1. Tích lũy kiến thức để phục vụ việc giao tiếp.

Việc nói mà không hướng đến một mục đích cụ thể nào, một thông tin hữu ích nào sẽ khiến lời nói của bạn trở nên sáo rỗng. Kể cả khi bạn biết mình phải nói gì nhưng không biết phải dùng từ ngữ hay cách thức gì để diễn tả cũng sẽ khiến bạn trở nên thật khó coi trước mặt người đối diện. Vì vậy, hãy chắc rằng bạn đã tích lũy được một lượng từ vựng đủ nhiều cho cuộc trò chuyện thông thường đồng thời tìm thêm những từ ngữ mới có tính khoa học hơn để lời nói của bạn có thể gây tò mò cho người nghe. Đọc sách để tìm thêm được những giai thoại, câu chuyện phù hợp với chủ để cũng là cách hay để cuộc trò chuyện trở nên thêm sống động.

2. Trước khi nói, hãy suy nghĩ.

Người ta nói rằng, mọi sự việc diễn ra đều được sinh ra 2 lần: một trong suy nghĩ và một trong hành động. Vì vậy, tầm quan trọng của việc nghĩ trước khi nói là không thể bàn cãi. Chúng ta không chỉ nói cho vui bởi giao tiếp là một cuộc nói chuyện có mục đích. Vì vậy, trước khi giao tiếp, ta phải cân nhắc kỹ xem mình cần nói gì, mình muốn có được gì trong cuộc trao đổi và mình phải sử dụng từ ngữ như thế nào cho phù hợp. Sau đó, hãy chắc rằng bạn hiểu rõ những gì mình sẽ nói và tin tưởng vào ý nghĩ của mình. Như vậy, cuộc trò chuyện của bạn đã thành công được 40% rồi đấy!

3. Hãy nói để người khác có thể hiểu được.

Rõ ràng, cuộc trò chuyện sẽ hoàn toàn thất bại nếu người nghe chẳng thể hiểu được bạn vừa nói gì đúng không? Vậy, đây là những thứ bạn đặc biệt phải lưu ý nếu không muốn những gì mình nói ra trở thành “nước đổ lá khoai” đối với người đối diện:

  • Giảm thiểu sử dụng biệt ngữ, tiếng lóng vì người nghe có thể hiểu sai ý nghĩa câu nói của bạn.
  • Giải thích những từ viết tắt vì chúng sẽ khiến người nghe không định hình được bạn đang nói gì.
  • Nhắc lại nhiều lần những ý chính để người nghe có thể chắc chắn về mục đích cuộc trò chuyện của bạn.
  • Nói chuyện một cách mạch lạc, có ý chính, ý phụ rõ ràng để người nghe dễ nắm bắt hơn.

4. Luyện tập cách phát âm, giọng điệu trước mỗi cuộc giao tiếp.

Tuy chúng ta ít khi để ý nhưng thực sự, cách phát âm và giọng điệu có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc trò chuyện của bạn. Việc bạn nói ra các từ với âm dính hết vào nhau sẽ khiến người đối diện không hiểu được bạn nói gì. Việc bạn sử dụng giọng điệu không phù hợp, ví như giọng quá vui vẻ khi kể một chuyện buồn chẳng hạn, sẽ khiến không khí của cuộc trò chuyện trở nên khác thường. Vì vậy, hãy phát âm rõ ràng, tập phát âm đúng các từ, nói có ngắt quãng hợp lý, biết cách điều chỉnh nhịp độ lời nói, âm lượng nói cho phù hợp với hoàn cảnh. Đặc biệt, hãy để ý đến ngữ điệu để thể hiện cảm xúc của mình một cách phù hợp nhất.

5. Hãy tập sử dụng ngôn ngữ cơ thể.

Cử chỉ tay, chân, ánh mắt hay thậm chí từng cử động nhỏ của bạn cũng có thể giúp bạn đến gần với người nghe hơn hoặc đẩy họ ra xa khỏi cuộc trò chuyện của bạn vĩnh viễn. Vì vậy, khi giao tiếp, đừng cử động mạnh liên tục, hãy tạo cho mình một tư thế tự nhiên nhất, sau đó sử dụng những cử chỉ nhỏ như những chuyển động tự do của cơ mặt, sự chuyển động của các ngón tay cùng với đó là một ánh mắt nhìn thẳng vào mắt của người đối diện để kéo sự tập trung của họ ở lại với cuộc trò chuyện. Điều này sẽ giúp cuộc trò chuyện trở nên bớt nhàm chán và “buồn ngủ” hơn đấy!

6. Thay vì gân cổ lên mà nói thì hãy biết lắng nghe.

Việc lắng nghe rất quan trọng, nó có thể giúp bạn nắm được suy nghĩ, thái độ của người nói chuyện với bạn về những gì bạn đã biểu đạt, từ đó có cách ứng xử phù hợp hơn. Vì vậy, hãy tập trung vào người nói để thể hiện sự tôn trọng của bạn, tuyệt đối không được sao nhãng, tìm cách hiểu được những gì họ nói và nếu không hiểu thì hãy tích cực đưa ra những câu hỏi hay đơn giản là xin họ những lời khuyên… Cuộc trò chuyện của bạn từ đó đã trở thành cuộc đối thoại song phương và hiệu quả thu được sẽ rất tuyệt vời.

7. “Hài hước một chút, thế giới sẽ khác đi”.

Đừng để sự giao tiếp trở thành cơ hội để tống vào đầu ai đó một mớ lý thuyết khô khan và khó hiểu. Hãy cố gắng khiến cho cuộc đối thoại trở nên thú vị hơn bằng cách sử dụng những tình tiết hài hước tự phát bằng cách lợi dụng những tình huống đang xảy ra hay thậm chí là sử dụng những pha hài hước liên quan đến bản thân bạn. Thế nhưng, khi câu chuyện cười đi quá xa thì hay biết kiềm chế lại và quay trở về với công việc chính của bạn. Nhớ rằng, hài hước là cần thiết nhưng nó chỉ là một yếu tố phụ đạo mà thôi.

Nội dung: Phương Anh - Bila Team
Ảnh: Phương CúMít - Bila Team


Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top