Giỏ hàng

Bài Học Từ Cuốn Sách "Khi Loài Cá Biến Mất" - Hãy Cùng Nhau Thay Đổi Mọi Thứ Trước Khi Quá Muộn

Rác thải nhựa, ô nhiễm môi trường cũng là một nguy cơ đe dọa đến sự an nguy của các loài sinh vật biển. Có rất nhiều sinh vật biển đã chết do ăn phải hoặc bị mắc phải các rác thải nằm sâu dưới lòng đại dương khiến chúng không thể cử động được.

Hiện nay, con người đã đặt tên cho hàng triệu loài sinh vật trên khắp thế giới, trong đó số lượng các sinh vật sống trong môi trường biển chiếm một phần không nhỏ. Tuy nhiên con số này cũng không thể so sánh được với số lượng các loài đang hiện diện trên Trái Đất mà các nhà khoa học đã dự đoán: mười triệu và thậm chí còn nhiều hơn như thế nữa. Con số này đã chứng tỏ một điều: đa phần các loài vẫn còn chưa được khám phá, một số loài thậm chí đã có thể tuyệt chủng và biến mất khỏi Trái Đất trước khi chúng ta thực sự biết đến sự tồn tại của chúng.

Trong đó, đại dương là nơi có các tỷ lệ loài biến mất cao nhất. Hiện nay, không chỉ các loài sinh vật mà chúng ta còn chưa phát hiện ra đang dần dần biến mất mà ngay cả những sinh vật quen thuộc như cá tuyết, san hô,... cũng đang đi đến bờ vực của sự tuyệt chủng sinh học, nhờ sự khai thác quá đà, rác thải nhựa, sự ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Ngư dân và các nhà khoa học có lẽ là những con người hiểu rõ nhất về đáy đại dương sâu thăm thẳm. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là họ sẽ là những con người duy nhất có thể giải quyết những vấn đề nan giải ấy. Tôi tin rằng chính bạn cũng có thể cùng góp sức cứu lấy những sinh vật ấy, bằng cách áp dụng 4 giải pháp do chính nhà khoa học Mark Kurlansky đưa ra trong cuốn sách "Khi loài cá biến mất" . Suy cho cùng, đâu cần phải có sức mạnh siêu nhiên mới có thể giải cứu thế giới.

1. Hãy luôn củng cố và cập nhật kiến thức về các loài sinh vật biển.

Sự thiếu hiểu biết của con người luôn luôn phải trả một cái giá rất đắt, ở đây là sự biến mất dần của cả một quần thể cá tráp cam - một loài cá được đặt tên theo màu sắc sau khi chết của chúng. 

Cá tráp cam được tìm thấy lần đầu tiên ở phía Tây Thái Bình Dương, nơi chúng sống ở vùng nước lạnh có độ sâu 1.500m. Cho đến tận những năm 1970, ngư dân mới có đủ khả năng để đánh bắt loài cá này. Chúng nhanh chóng trở thành một món ăn được ưa chuộng ở nhiều nơi trên thế giới. 

Cá tráp cam có mức độ sinh trưởng rất chậm, khi đủ 20 tuổi, chúng mới có khả năng sinh sản, lâu hơn đa số các loài cá đã được phát hiện. Điều đó có nghĩa là đã có rất nhiều cá tráp cam đã bị đánh bắt trước độ tuổi sinh sản của chúng, làm hủy diệt chúng trong thời gian ngắn. Chỉ trong vòng một thập kỉ kể từ khi chúng ta phát hiện ra chúng, cá tráp cam đã trở thành loài cá bị đe dọa nhất. 

Đó chính là một bài học đắt giá cho sự thiếu hiểu biết của con người. Đừng bao giờ để điều này xảy ra với bất cứ một loài sinh vật nào khác.

2. Đừng từ chối cá trong thực đơn của mình.

Để đảm bảo cá không bị khai thác quá đà, có lẽ việc loại bỏ cá ra khỏi thực đơn hàng ngày là việc làm đơn giản nhất. Tuy nhiên điều đó chỉ có thể ngăn cản bạn khỏi việc thưởng thức một nguồn thức ăn thơm ngon, bổ dưỡng, ngoài ra thì không có giá trị nào thiết thực cả. Điều duy nhất có thể làm các ngư dân thay đổi phương pháp đánh cá là chỉ ăn cá chất lượng, là những con cá được đánh bắt theo phương pháp bền vững. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc xác định phương pháp đánh bắt của các sản phẩm làm từ cá là rất khó. Vì vậy để ăn cá một cách "có trách nhiệm hơn", bạn cần:

  • Cẩn thận với các mặt hàng hải sản giá rẻ, rất có thể chúng được đánh bắt bằng các phương pháp cẩu thả.
  • Cẩn thận trước các loài cá mới. Cá tráp cam chính là một câu chuyện đau buồn nhắc nhở chúng ta về điều đó.
  • Không sử dụng bất kỳ sản phẩm nào từ cá mập (chúng sinh rất ít con và sinh trưởng chậm), cá ngừ vây xanh (một loài cá di cư đòi hỏi rất nhiều sự hợp tác quốc tế để đánh bắt chúng - một việc không được quản lý tốt; loài cá này đang đứng trên bờ vực của sự tuyệt chủng do sự đánh bắt cá quá mức).

Nếu bạn đang sinh sống ở nước ngoài, bạn có thể tham khảo hướng dẫn về loài cá nào nên ăn và không nên ăn ở các tổ chức sau đây:

3. Tham gia vào những nhóm bảo vệ môi trường.

Hiện nay, ở Việt Nam, có rất nhiều dự án, câu lạc bộ được thành lập với mục đích nhằm bảo vệ môi trường sống xung quanh chúng ta. Hãy tham gia và đóng góp hết mình để bảo vệ môi trường và lan tỏa những hành động đó tới tất cả mọi người xung quanh.

4. Sống "xanh" hơn.

Rác thải nhựa, ô nhiễm môi trường cũng là một nguy cơ đe dọa đến sự an nguy của các loài sinh vật biển. Có rất nhiều sinh vật biển đã chết do ăn phải hoặc bị mắc phải các rác thải nằm sâu dưới lòng đại dương khiến chúng không thể cử động được. Một chú cá heo đã chết đói vì bị một chiếc vòng nhựa mắc vào miệng khiến chú không thể ăn uống được. 

Sống "xanh" hơn chính là một giải pháp hữu ích cho vấn đề này. Từ chối uống đồ uống đóng chai nhựa. Không sử dụng hộp nhựa để đựng thực phẩm. Không nhận túi nilon từ các cửa hàng. Giảm thiểu nhựa trên thế giới sẽ là một bước tiến lớn để giải cứu đại dương.

Bản thân tôi cũng đã bắt đầu duy trì lối sống "xanh" này. Ban đầu, sẽ mất khá nhiều thời gian để quen với lối sống này. Không thể phủ nhận các sản phẩm từ nhựa, túi nilon rất tiện ích nhưng chỉ việc giảm thiểu sử dụng chúng trong cuộc sống thường nhật đã có thể giúp ích rất nhiều cho đại dương bao la rộng lớn. Hãy sử dụng ống hút tre, mang chai đựng nước có thể sử dụng nhiều lần đến các cửa hàng take-away, mang túi vải để đựng đồ sau khi mua sắm. 

Chúng ta không thể nào loại bỏ hoàn toàn nhựa ra khỏi cuộc sống. Vì vậy hãy hạn chế sử dụng chúng hết mức có thể, vì một thế giới tươi đẹp hơn.

Nội dung: Anh Thư - Bila Team
Ảnh: Chu Loan - Bila Team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top