Giỏ hàng

Bài Học Từ Sách "Điều Cuối Cùng Ở Lại"

 “Điều cuối cùng ở lại” của tác giả Lynh miêu là những câu truyện ngắn nhẹ nhàng và sâu lắng. Đó là những câu chuyện về tình bạn chân thành, về tình yêu đầu đời trong trẻo,... Bạn sẽ được trải qua mọi cung bậc cảm xúc để đắm mình trong những trang văn kể về tuổi trẻ hoài bão, về đoạn đường thanh xuân rạng rỡ nhất. Và sau cùng, điều cuối cùng ở lại với ta sẽ là gì?

1. Sự khiếm khuyết tạo nên điều hoàn hảo

Trong câu chuyện mang tựa đề Trà, nhân vật tôi - một người bạn thân của Trà là cô gái có sở thích đặc biệt.

“Tôi đã mua về nhiều đồ khiếm khuyết. Khi thì là cái cốc trắng muốt có một vết xước nhỏ ở ngay miệng, khi thì là cái đĩa hình mặt trăng bị một mờ một chút xíu họa tiết hoa, khi thì một chậu cây xinh đẹp vô cùng nhưng bị nứt một góc dưới đáy. Tôi sẽ chọn những món đồ lỗi ấy, thay vì một món đồ hoàn hảo bày bán ở những gian ngoài. Không phải vì giá của chúng chỉ rẻ bằng một nửa. Mà đơn giản, bởi vì chúng là những món đồ duy nhất. Chiếc cốc duy nhất, chiếc đĩa mặt trăng duy nhất, chậu cây duy nhất. Chúng là duy nhất bởi chúng không hoàn hảo. Và bởi vì chúng không hoàn hảo, nên tôi mới cảm thấy chúng đặc biệt và chỉ-thuộc-về-một-mình-tôi nhiều đến thế.”

Rồi một ngày bạn cũng giống nhân vật tôi, không phải là giống sở thích của cô ấy mà bạn sẽ hiểu rõ hơn rằng:“Sự khiếm khuyết chính là thứ tạo nên những điều hoàn hảo nhất – những điều đặc biệt và chỉ có một không hai trong cuộc đời này."

2. Điều tàn khốc của tuổi trưởng thành

Chúng ta, ai rồi cũng phải trưởng thành, nhân vật tôi trong câu chuyện “Tuổi trưởng thành” của tác giả cũng vậy. Ở cái tuổi 18, cậu bạn phải xa nhà và lên Hà Nội học. Ở đây, cậu làm quen được với nhiều con người mới, được trải nghiệm với điều thú vị, có những lúc vui, có những lúc buồn. Và giờ, khi đã trải qua 4 năm Đại học và đi làm, ở cái tuổi 25, cậu suy ngẫm về những gì mình đã trải qua, những gì mà tuổi trưởng thành của cậu cũng như bao bạn trẻ khác phải đối mặt:

“Đó là khi bạn dần quên mất mình đã từng sống cảm xúc thế nào và tận hưởng cuộc sống ra sao.

Bạn học cách đổi lỗi cho cuộc đời bận rộn.

Bạn vô tâm với người, những điều đã từng là một phần quan trọng trong cuộc đời bạn. Lí do vô tâm: Ai cũng bận rộn, mệt mỏi với cuộc sống quá mà.

Bạn ít thể hiện niềm vui, nỗi buồn. Bạn ít đam mê. Ít bốc đồng. Ngại tin tưởng.

Bạn không còn dành thời gian suy nghĩ về những điều bạn gặp trong cuộc sống.

Bạn lười biếng, buồn tẻ. Bạn dần trở thành những người mà ngày xưa bạn đã từng sợ-trở-thành.

Bạn phụ thuộc vào công nghệ nhiều hơn, và cho rằng ai đó không sử dụng công nghệ - tức là họ biến mất."

3. Cuộc đời này chỉ sống có 1 lần, vậy thì hãy sống để trở thành một người đặc biệt

Vẫn là câu chuyện về “Tuổi trưởng thành”, nhưng lần này là đoạn đối thoại giữa Di và nhân vật tôi. Di nói cô thích con người hiện tại của nhân vật tôi, sống đúng với những gì là cậu cảm nhận, triết lí một chút cũng được, đôi khi gàn dở và vị kỷ một chút cũng được. Cô cho rằng việc đó về lâu về dài là có lợi ích với những người trẻ hơn là việc sống quá khuôn phép,...

“Di nói với tôi:

-         Sau này nhất định phải trở thành một người đặc biệt nhé!

-         Đặc biệt như thế nào?

-         Là như bây giờ. Sống đúng với cảm xúc của mình và không ngừng truyền cảm hứng ấy cho người khác. Có làm được không?”

4. Đôi khi những sở thích giản đơn lại khiến ta cảm thấy hạnh phúc

 Bạn có từng có những sở thích vô cùng đơn giản giống tác giả không, có thể chỉ là việc tỉ mỉ chăm mẫn cho một cái cây. có thể chỉ là chụp vài bức ảnh về bầu trời để xem bầu trời hôm nay thay đổi như nào so với hôm qua, so với hôm kia,... Đôi khi chỉ là những sở thích giản đơn lại khiến ta cảm thấy hạnh phúc, thấy bình yên đến lạ thường.

“Nghĩ cũng buồn cười, ngày xưa tôi luôn cho rằng trồng cây chỉ là công việc yêu thích của các cụ già. Một điều gì đó tỉ mẩn, chậm rãi, yên bình mỗi sáng sớm – để lấy vui. Còn giới trẻ thì sống vừa nhanh, vừa gấp, vừa bận, vừa lười.

Thế mà, chẳng hiểu sao thời gian gần đây, việc trồng cây lại trở thành niềm yêu thích của tôi.

Cuộc sống luôn có cách của nó để khiến chúng ta bận rộn, thậm chí mệt mỏi. Đã có rất nhiều lúc, tôi tự hỏi, rốt cuộc mình đang làm gì, cố gắng vì điều gì. Nhưng khi ngắm nhìn những cái cây đang ngày một lớn lên, tôi đã nhận ra – hoá ra cảm giác thỏa mãn và mãn nguyện cũng chỉ cần giản đơn như thế.”

5. Đừng cố gắng thay đổi bản thân mình nếu chỉ vì bạn cảm thấy người khác thích điều đấy

Anh vốn là một người chỉn chu, nhưng ngay từ lần đầu gặp cô, nghe cô hát, anh đã “phải lòng” cô, anh tìm hiểu về gu cô thích và rồi anh thay đổi chính mình, một con người hoàn toàn trái ngược với anh của bây giờ chỉ để tiếp cận cô. Nhưng rồi, anh chợt nhận ra con người mình trước đây đâu phải vậy, anh cố gắng thay đổi để được gì?

“Cũng giống như việc bạn cố gắng để nghe một thứ nhạc gì đó không hợp với bạn, chỉ để tỏ ra là một người sang trong, hoặc thời thượng, hoặc có gu...

Ừ thì bạn vẫn nghe, nhưng chắc chắn, âm nhạc lúc đó sẽ không bao giờ là thứ có thể cứu rỗi cuộc đời bạn – vào những khoảnh khắc bạn thấy mình như rơi xuống đáy vực sâu.

Thật ra âm nhạc cũng giống như một người bạn – bạn phải dựa vào cảm tính để yêu mến nó,  chứ không thể dùng lý trí. Bạn sẽ thích thứ nhạc này, vì nó hợp với bạn, ngay từ khi bạn nghe nó – lần đầu. Hoặc là đúng thời điểm. Ví như một đứa trẻ nhỏ sẽ khó lòng mà thích được những bản nhạc buồn bã – phải để chúng lớn lên, trải qua những thăng trầm của cuộc đời, rồi nghe lại.”

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top