Giỏ hàng

[Bài Học Từ Sách] Nghệ Thuật Truyền Cảm Hứng

ĐỪNG ĐỂ NỖI LO THUYẾT TRÌNH ĐÁNH BẠI BẠN
Mình cảm thấy thật may mắn khi mình biết đến “Inspirit- Nghệ thuật truyền cảm hứng” của Benjamin Loh. Qua quyển sách này, mình đã học được rất nhiều điều về thuyết trình trước đám đông và mình hi vọng những bài học này cũng sẽ giúp các bạn thực hiện việc thuyết trình của mình tốt hơn.

1. Đừng để nỗi lo đánh bại bạn


Ai trong chúng ta đều có những nỗi lo riêng. Bạn lo lắng trong vòng phỏng vấn cho công việc mới. Bạn lo lắng số tiền lương ít ỏi sẽ không đủ dùng. Bạn lo lắng… Và việc thuyết trình cũng không phải ngoại lệ. Nhưng đừng để những nổi lo đó làm bạn thất bại. Bạn có thể!

“Gốc rễ của những lo âu là cảm giác bất an về những điều không biết hoặc không đoán trước được.”

Điều bạn cần làm là hãy giữ bình tĩnh và suy nghĩ cách giải quyết ổn thỏa nhất. Để hạn chế được những điều không đoán trước được, hãy chuẩn bị tất cả những thứ bạn cần chuẩn bị: đến sớm để kiểm tra máy móc, dụng cụ, chuẩn bị nội dung bài thuyết trình kĩ càng và đồng thời một số câu hỏi có thể được hỏi… Có thể tương tác trước với người nghe để xây dựng mối quan hệ trước khi thực hiện bài nói để khiến họ thân thiện với ta hơn.

2. Bản thân bạn là công cụ tốt nhất khi thuyết trình


Hài hước có thể là đòn bẩy dẫn đến thành công của một bài nói. Khi bắt đầu một buổi thuyết trình, tâm lý của người nghe sẽ là: Liệu bài nói này có hay và hấp dẫn không, có đáng để nghe không? Cái nhìn đầu tiên cực kì quan trọng. Nếu ngay từ đầu, khán giả đã không có nhiều thiện cảm với bạn thì sau đó, sẽ không có sau đó nữa. Dù phía sau chứa đựng nhiều tâm huyết của bạn đi chăng nữa thì họ cũng từ chối nghe.

Có thể dẫn vào câu chuyện chính bằng những câu chuyện nhỏ xung quanh. Dẫn dắt bằng những điều tưởng chừng đơn giản như lại gây tiếng cười, tạo dựng sự thú vị. Biết đâu những thứ nhỏ nhặt đó lại là những thứ để khán giả nhớ đến bạn: một vài câu chuyện thời thơ ấu, một số câu thơ tự chế, câu đố chữ, đố vui…

3. Truyền tải thông qua 6 câu hỏi: Who, When, Where, What, Why, How


Những từ để hỏi dưới đây sẽ giúp bạn xác định rõ ràng mục tiêu thuyết trình và cách thực hiện nó:

What: điều mà người nghe quan tâm là gì, điều mà người nghe mong đợi từ bài nói.

Who: khán giả của bạn là ai.

Why: tại sao họ lại ở đây, tại sao họ lại nghe bài thuyết trình của bạn.

When: thời điểm nào họ sẽ tập trung nhất, hào hứng nhất.

Where: cảm hứng của họ nằm ở đâu.

How: làm thế nào để họ tiếp thu thông tin, làm thế nào để lấy được sự quan tâm của họ.

4. Khi bạn làm chủ cuộc chơi, cơ hội dành chiến thắng sẽ lớn hơn


Điều quý giá mà một diễn giả có chính là thời gian của khán giả dành cho mình. Họ dùng thời gian quý báu của họ để ngồi và nghe bản thân mình diễn thuyết thì bản thân mình hãy làm cho quỹ thời gian đó có giá trị.

Để có thể giữ được bình tĩnh, chúng ta có thể luyện tập hít thở sâu. Để có thể tập trung hơn, giữ cho giọng nói được ổn định hơn có thể thực hiện một số tips như ngồi với tư thế thoải mái, hít thở sâu và từ từ từng hơi, đặt tay lên tim để cảm nhận nhịp đập.

Bạn cần xác định rõ ràng mục đích đứng trên bục thuyết trình của mình là truyền tải nhiều thông tin nhất có thể một cách tự nhiên nhất. Việc thuyết trình không đơn thuần là bạn đứng đó, cầm mic và đọc toàn bộ nội dung trong slide trình chiếu. Điều bạn cần làm là khơi gợi cảm xúc cho người nghe thông qua đó truyền tải kiến thức. Khơi gợi cảm xúc có thể thực hiện qua những câu hỏi gợi nhớ, hình ảnh, video…

“Việc nói trước đám đông không phải chỉ là xâu chuỗi những câu nói và khoác lên mình một phong cách ấn tượng.”

Nội dung: Hoàng Vy - Bila Team
Ảnh: Lê Thào -  Bila Team
Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top