Giỏ hàng

Quản Lí Công Việc Hiệu Quả Theo Phong Cách Người Nhật

Đã bao giờ bạn gặp trường hợp: nhiều việc phải làm và không có đủ thời gian?

Một ngày có 24 giờ và mọi người đều có quỹ thời gian như nhau cả. Nhưng lí do tại sao, cùng một khối lượng công việc, nhưng có người lại có cả thời gian thư thả ngồi nhâm nhi uống cốc trà chiều ngắm nhìn thành phố, còn người lại cặm cụi mãi tới gần 24h nhưng vẫn chưa hoàn thành xong công việc? 

Câu trả lời chẳng tìm đâu xa mà ngay trong cách mỗi người tự quản lí công việc của mình. 

Và Đầu sách “Quản lý công việc hiệu quả theo phong cách người Nhật” của tác giả Daisuke Sasaki chính là câu trả lời mà bạn đang chờ đợi. 

1. Ba tháng - con số quyết định cuộc đời


Ba tháng không phải là quãng thời gian quá dài nhưng cũng không phải quá ngắn. 

Theo tác giả, với ba tháng, chỉ cần chuyên tâm cho một vấn đề nào đó, bạn sẽ thực hiện được chúng thành thạo.

Ba tháng có thể không tạo dựng được thành công quá lớn lao nhưng nó sẽ thay đổi toàn bộ cuộc sống của bạn. Ví dụ như tập trung học một ngôn ngữ mới trong ba tháng, ham gia một khóa học sử dụng các ứng dụng như Microsoft Word, Excel, Powerpoint… Bạn sẽ nhìn thấy kết quả sớm thôi. Khi chuyên tâm như vậy, vấn đề cần nhìn nhận sẽ cụ thể hơn, rõ ràng hơn. Và hơn nữa, nhiều điều thú vị bạn sẽ phát hiện ra khi cực kì tập trung vào mục đích cần thực hiện đó. 

“Ba tháng là khoảng thời gian tối thiểu để đánh thức biến đổi thực sự.” “ 

2. Lựa chọn điều bạn cần tập trung


“Sự thú vị - không phải là thứ nhận được từ ai đó mà là do bản thân bạn tạo ra.” “Đôi lúc, chúng ta thường gặp những trường hợp như không hề thích một thứ gì đó nhưng vẫn bắt buộc phải thực hiện nó. Có thể bạn không thích học tiếng Anh nhưng bằng cấp tiếng Anh là điều cần thiết để tốt nghiệp. Trời ơi, trường hợp oái ăm này, bạn nên làm gì đây?

Điều mấu chốt ở đây không phải là thứ bạn thích mà là biến mọi thứ thành thứ bạn thích.

Có thể khơi gợi sự thích thú bằng việc nghĩ đến kết quả của nó: có bằng tiếng Anh bạn sẽ tốt nghiệp thuận lợi hơn, một yếu tố cực kì quan trọng giúp bạn làm đẹp CV với điểm số cao, giao tiếp tiếng Anh là bắt buộc đối với việc đi làm,... 

Đừng ngại ngần đặt “challenge” cho bản thân mình. Có thử thách sẽ có động lực. Động lực ở đây là động lực muốn chinh phục đỉnh núi mà bạn đặt ra. 

3. Tìm ra vấn đề ảnh hưởng đến quỹ thời gian


Hãy làm việc thông minh hơn là làm việc chăm chỉ.

Chăm chỉ là yếu tố khá quan trọng trong mọi việc. Tuy nhiên, chăm chỉ không phải là chìa khóa giải quyết mọi việc. Bạn cần có góc nhìn bao quát về toàn bộ quá trình thực hiện mục đích của mình. Trước khi bắt tay làm việc, hãy xem thử cách nào nhanh hơn, tiết kiệm công sức hơn. Thêm vào đó, loại bỏ những yếu tố làm mất thời gian của mình. Hay nói cách khác: “đừng đi vòng, hãy đi thẳng”. Sau đó, chăm chỉ thực hiện con đường mình đã đặt ra. 

Ngoài ra, tập cho mình thói quen: làm việc có kế hoạch. Mỗi ngày, dành ra vài phút mỗi buổi sáng để lên kế hoạch những thứ cần làm mỗi ngày để không bỏ sót công việc và theo dõi tiến trình công việc. Điều này cực kì quan trọng. Nó giúp bạn có tính kỉ luật và trách nhiệm hơn trong công việc của mình đó.

4. Không e dè sự thất bại


“Thất bại là mẹ thành công.” 

Việc quan trọng của tất cả mọi thứ là không sợ thất bại. Chấp nhận thất bại để nhìn nhận cái mình còn thiếu để bổ sung và phát triển hơn. 

Đôi lúc, tôi có suy nghĩ thế này: điều sai nói hoài cũng đúng. Mình có niềm tin, mình có quyết tâm thực hiện cho bằng được. Những thứ không thể chắc chắn có thể làm được. Làm việc bằng ý chí, bằng niềm tin, đừng chỉ làm việc bằng sức lực. 

Tuy nhiên, cũng đừng đặt quá nhiều niềm tin mà quên rằng việc đó có phù hợp với mình không. Chọn một việc quá sức mình rồi than vãn rằng niềm tin không có tác dụng thì mọi cố gắng đều là vô nghĩa. 

Nội dung: Hoàng Vy - Bila Team
Ảnh: Loan - Bila Team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top